Ứng dụng của Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp
Viết:Hello VietNam
Tự động hóa nói chung và tự động hóa trong dây chuyền sản xuất công nghiệp nói riêng là mục tiêu hướng đến trong tương lai không chỉ của thế giới mà Việt Nam trong tương lai.
Lợi ích của tự động hóa tự động hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, như là:
- Tiết giảm chi phí;
- Cải thiện chất lượng môi trường lao động;
- Đảm bảo tính đồng nhất và tăng chất lượng sản phẩm;
- Tăng năng suất;
- Tăng tính linh hoạt trong sản xuất;
- Tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và hạ giá thành sản phẩm;
- Nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp;
- Nâng cao uy tín thương hiệu;
- Tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Do tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp buộc phải đóng cửa, thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động và dây chuyền sản xuất. Các khu công nghiệp tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như khu công nghiệp An Đồn, Hòa Khánh (Đà Nẵng); khu công nghiệp Quế Võ, Yên Phong, VSIP (Bắc Ninh); khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương); khu công nghiệp Bắc Giang; khu công nghiệp Tân Tạo (TP. Hồ Chí Minh)...
Điều này bắt buộc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa toàn diện trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
Sự ứng dụng của Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp trên thế giới
Ý tưởng về Robot thông minh đã có từ lâu nhưng mãi đến năm 1921, thuật ngữ “Robot” được hình thành và lần đầu xuất hiện trong vở kịch của một tác giả viết kịch người Séc. Thuật ngữ “Robot” để chỉ một thiết bị lao động do con người phát minh ra.
Robot là cánh tay đắc lực của con người trong công nghiệp. Đây là một loại máy được xây dựng để thực hiện công việc một cách tự động, dưới sự điều khiển của máy tính hoặc các vi mạch điện tử đã được người dùng lập trình. Robot hiện được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp như: ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất, chế biến thực phẩm...
Các hãng sản xuất ô tô như Ford, Mercedes, Toyota, Honda, Nissan,... đều ứng dụng dây chuyền sản xuất và lắp ráp tự động, trong đó Robot hàn chiếm hơn 40%.
Hiện tại trên thế giới có các loại Robot ứng dụng công nghiệp phổ biến như: Bốc xếp hàng hóa bởi Robot Palletizing, Hàn gia công cơ khí, thực hiện bởi Robot Arc Welding, Robot Pick and Place-Gắp và sắp xếp sản phẩm, Robot Foundry and Forging ứng dụng trong đúc và rèn, Robot Milling-Robot Phay, Robot Waterjet Cutting-Robot cắt bằng tia nước, Robot đánh bóng.
Sự phát triển và ứng dụng của Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam
- Tiềm năng và sự phát triển của Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam
Thị trường Robot tại Việt Nam hiện có gần chục nhà cung cấp, đa phần là các thương hiệu nước ngoài.
Trong nước, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tham gia sản xuất, lắp ráp Robot với chi phí phù hợp, đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp nội chủ yếu đi vào sản xuất Robot hợp tác (hoạt động cùng con người) với thiết kế đơn giản, dễ dàng lập trình.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp trong nước tham gia việc cung cấp các giải pháp tự động hóa sử dụng Robot. Một số doanh nghiệp đặt mục tiêu tự sản xuất tay máy công nghiệp, Robot cộng tác, Robot di động, Robot dùng trong y sinh. Theo báo cáo của Asia Development Bank, việc áp dụng Robot và các hệ thống kết nối khác đã tạo ra 134 triệu việc làm mới so với 101 triệu công việc bị mất do công nghệ mới và từ đó thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn.
- Thực trạng ứng dụng Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam
Thực tế, nhiều nhà máy của Việt Nam đang dịch chuyển dần sang tự động hóa thay cho hoạt động sản xuất gần như thủ công trước đây. Chẳng hạn, Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk đã chi hàng ngàn tỉ đồng cho tự động hóa.
Xu hướng này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bắt đầu tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật số cho các trạm biến áp và nhà máy điện. Hiện tại các loại Robot được ứng dụng trong ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam như: Cánh tay Robot công nghiệp nhẹ với thị giác Robot; Robot hợp tác: Robot cộng tác (collaborative robot - cobot) là Robot thế hệ mới có thể thao tác với con người và luôn đảm bảo tính an toàn; Robot tự hành thông minh (Autonomous Intelligent Vehicle - AUV); Robot công nghiệp phục vụ các công việc nặng nhọc trong môi trường khắc nghiệt.
- Khó khăn trong quá trình ứng dụng Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng rất nhiều doanh nghiệp sản xuất điển hình là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và ứng dụng robot công nghiệp thông minh vào trong hoạt động sản xuất của họ như không có đủ nguồn vốn đầu tư, thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật cao hay nhân công không chấp nhận sự thay đổi.
Khó khăn đầu tiên xuất phát từ vốn đầu tư hạn hẹp cho hệ thống công nghệ thông tin và máy móc trang thiết bị robot hiện đại.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư vẫn còn bận tâm về hiệu suất và chi phí của các trang thiết bị công nghệ mới hay nhà máy thông minh liệu có thực sự tối ưu hơn cách vận hành truyền thống với chi phí nhân công như hiện tại hay không.
Thêm vào đó, để có thể ứng dụng và điều khiển những dây chuyền máy móc hiện đại trong sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp phải có một đội ngũ nhân lực có năng lực và trình độ kỹ thuật cao. Khó khăn cuối cùng có thể kể đến đó là nhiều nhân viên do lo sợ mất đi công việc hiện tại khi áp dụng robot công nghiệp vào các hoạt động dây chuyền sản xuất, nên họ chưa thực sự áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến này để cải thiện công việc của họ trong nhà máy.
- Chính sách của Chính phủ đối với việc ứng dụng Robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam
Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế bằng việc tham gia đàm phán ký kết đa dạng Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… với nhiều cam kết quốc tế.
Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cũng đưa ra những chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2020. Trong đó, trọng tâm được đẩy mạnh là việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, Việt Nam thúc đẩy đầu tư và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong sự kết nối với thị trường toàn cầu và khu vực. Điển hình, Việt Nam nên chủ động gia nhập và trở thành thành viên tích cực của hiệp hội tư vấn xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quốc tế, trước hết là đối với khu vực châu u, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á và một số thị trường khác như Singapore, Ấn Độ, Australia, Israel, Nam Phi,...
- Các doanh nghiệp có bước tiến lớn đã ứng dụng Robot vào dây chuyền sản xuất công nghiệp
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand tại Bangkok, Thái Lan) là một tên tuổi tầm cỡ trong 3 lĩnh vực Trang trại, Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi.
Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk và Hệ thống Robot LGV trong nhà máy được vận hành tự động và đồng bộ, giúp tối ưu hóa năng suất và kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt.
Nhà máy sản xuất ô tô điện của Vinfast đang có hơn 1000 Robot được sử dụngNhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki, Robot gắp hàng cho Nhà máy sản xuất máy in Canon, Robot bốc và xếp bia cho các dây chuyền đồ uống tại Công ty Bia Hà Nội, Bia Việt Hà và Bia Huế,...
Hi vọng xu hướng ứng dụng Robot sẽ được phát triển và mở rộng hơn không chỉ trong dây chuyền sản xuất công nghiệp mà còn nhiều mảng khác nhau như dịch vụ, nông nghiệp, du lịch...
Không chỉ vậy, cần có những dự án hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đổi mới và sáng tạo công nghệ, dây chuyền sản xuất. Một khi được trang bị đầy đủ nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam sẽ có cơ hội bắt kịp các doanh nghiệp phát triển trên thế giới.