Văn hóa cà phê phố cổ của người Hà Nội


Dù nhịp sống hiện đại luôn bận rộn, nhưng người Hà Nội vẫn luôn dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh lặng vào mỗi sáng sớm để thưởng thức những tách cà phê đậm đà thơm ngon. Đây là khoảng thời gian lý tưởng trong ngày, bởi cà phê đem lại cho con người sự sảng khoái, tỉnh táo, tạo nguồn năng lượng mới, giúp họ sáng tạo hơn trong công việc. Từ lâu thú uống cà phê đã trở thành một nét văn hóa đẹp, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Hà Nội.

Ảnh: Cà phê trứng

Thói quen thưởng thức cà phê bắt đầu du nhập vào Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Những quán cà phê đầu tiên xuất hiện trên các con đường quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo thời gian, những quán cà phê hiện đại, sang trọng mọc lên như nấm, nhưng người Hà Nội vẫn luôn tìm đến những quán cà phê cũ kỹ nơi phố cổ. Bởi đây là những thương hiệu cà phê đã có hơn bảy chục năm tuổi, tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng những người yêu cà phê Hà Nội. Dáng vẻ rêu phong, cổ kính, hương vị đậm đà của những quán cà phê này luôn gợi cho người dân nơi đây hoài niệm về một Hà Nội xưa, một Hà Nội cổ kính và thanh lịch.

Mặc cho cái nóng oi ả của mùa hè hay tiết trời lạnh giá của mùa đông, cứ mỗi buổi sáng sớm, người Hà Nội luôn cầm trên tay tờ báo mới xuất bản, ngồi trên chiếc ghế nhỏ kê san sát vào nhau nơi vỉa hè phố cổ, chậm rãi ngắm nhìn từng giọt cà phê rơi tý tách. Đó là những hình ảnh rất đỗi thân quen trong cuộc sống thường nhật của người Hà Nội. Họ đến đây không chỉ đơn thuần là uống cà phê để cảm nhận hương vị thơm ngon, đặc trưng vốn có của nó, mà còn để cảm nhận những rung động của cuộc sống. 

Ảnh: Cafe Lâm

Anh Lê Hoàng, một người yêu cà phê phố cổ Hà Nội cho biết, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, hương vị cà phê phố cổ vẫn nguyên vẹn như xưa, vẫn mang trong mình cái hồn của Hà Nội. 

Nói đến cà phê phố cổ không thể không nhắc đến cà phê Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng, Lâm... Mỗi một thương hiệu cà phê đều có mùi vị đặc trưng riêng, khiến mọi người dù chỉ thưởng thức một lần cũng sẽ phải nhớ mãi.

Theo lời chủ quán cà phê Nhĩ, họ không có bất kỳ bí quyết gia truyền trong cách pha chế cà phê, mà họ chỉ gửi gắm tất cả tình yêu thương vào trong chính đứa con tinh thần của mình. 

Quán cà phê Nhĩ nằm trên phố Hàng Cá, ngay giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Tuy rằng diện tích nhỏ, chỗ ngồi chật chội, không có biển hiệu, nhưng không lúc nào quán vắng khách. Cà phê Nhĩ được mệnh danh là đệ nhất cà phê Hà Nội. Cà phê nơi đây vô cùng đặc biệt, không pha bằng phin mà được để trong các ấm tích bằng sứ, sau đó rót ra những chén nhỏ, thêm đường, sữa rồi đánh tung bọt, cuối cùng thêm vài ba viên đá. Cà phê Nhĩ mang một mùi thơm dễ chịu và tạo cảm giác đê mê khi uống.

Khác với cà phê Nhĩ, cà phê Giảng lại mang một hương vị hoàn toàn khác. Cà phê Giảng xuất hiện năm 1946, do ông Nguyễn Văn Giảng sáng chế, nổi tiếng với món cà phê trứng. Tên gọi của món cà phê này đã vô cùng kích thích trí tò mò của người thưởng thức. Thành phần chính để làm nên một tách cà phê Giảng bao gồm lòng đỏ trứng gà, bột cà phê, sữa đặc có đường, bơ và phô mai. Thời xưa, do sữa đặc còn hiếm nên lòng đỏ trứng gà là sự lựa chọn hoàn hảo cho một tách cà phê thơm ngon. Hương vị béo ngậy của trứng, mùi thơm của sữa và sự đậm đà của cà phê khiến người dân Hà thành từ thanh niên đến trung niên cũng phải mê mẩn. 

Ảnh: Cà phê trứng

Anh Trần Thành, một khách ruột của cà phê Giảng chia sẻ, anh rất thích ngồi nhâm nhi ly cà phê ở đây. Cảm giác thật yên bình và thư thái. Cà phê ngon, phục vụ chu đáo, mà giá cả rất hợp lý.

Không giống với hai quán cà phê trên, Cà phê Lâm lại đem đến cho người yêu cà phê những trải nghiệm thú vị. Ngoài thưởng thức hương vị quyến rũ của cà phê, đây còn là nơi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật hội họa gắn liền với thăng trầm của lịch sử, đem đến cho người xem một cảm giác bình yên và hoài cổ. Cà phê Lâm ra đời năm 1952. Từ những ngày đầu mở quán đến nay, cà phê Lâm vẫn là một lựa chọn lý tưởng cho giới văn nghệ sỹ. Tại đây trưng bày rất nhiều bức tranh sinh động về con người và phố phường Hà Nội của những danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm… 

Qua năm tháng, những bức tường trong quán ông Lâm đã được phủ kín bởi tranh của các họa sĩ. Những bức tranh này đều là bản gốc, có một không hai. Trước đây các họa sỹ thường xuyên đến quán thưởng thức cà phê. Có nhiều khi họ mang tranh đến trả cho chủ quán thay tiền cà phê. Bởi vậy, giờ đây cà phê Lâm như một phòng tranh trưng bày những bức tranh sinh động về con người và phố phường Hà Nội.

Không chỉ riêng người Hà Nội, mà rất nhiều người nước ngoài cũng biết đến những thương hiệu cà phê phố cổ. Thế nên mỗi lần có cơ hội đến Việt Nam, họ đều ghé thăm những quán cà phê này. Dù chỉ thưởng thức một lần nhưng những vị du khách nước ngoài này cũng bị hương vị quyến rũ và những câu chuyện thú vị xoay quanh những thương hiệu cà phê phố cổ níu chân.

Ảnh: Cafe Lâm

Anh Dong Min, du khách người Hàn Quốc cho biết, anh muốn tìm hiểu văn hóa, sở thích của người dân bản xứ trên mỗi chặng đường mà anh đi qua. Ngoài hương vị cà phê ra, anh còn rất ấn tượng với không gian của những quán cà phê phố cổ. Anh chia sẻ sẽ giới thiệu hương vị cà phê độc đáo của Việt Nam cho bạn bè, đồng nghiệp.

Thói quen uống cà phê của người Hà Nội thể hiện sự trân quý cuộc sống của họ. Họ luôn cố gắng mang lại cho bản thân những phút giây thư giãn, giữa một Hà Nội náo nhiệt còi xe nhưng vẫn tìm được sự bình yên và thanh thản. Nếu có dịp đến Hà Nội, mời các bạn ghé thăm những quán cà phê phố cổ nổi tiếng này, thưởng thức và cảm nhận sự tinh túy, cái hồn của Hà Nội chất chứa trong từng giọt cà phê.

Trở về