【Hello Vietnam phỏng vấn】Người Đài Loan ở Hà Nội - Kì 2: Lập nghiệp ở Việt Nam, không nên dùng tư tưởng kiểu Đài Loan!
Viết:Hello Vietnam
Nhân vật phỏng vấn
Họ tên: Trương Dư Luân
Thời gian sống ở Việt Nam: khoảng 6 năm. Năm 2007 đến Việt Nam dạy học, từ đó quen biết người chồng hiện tại; 2014 quay lại Việt Nam lần nữa đến 2017 thì kết hôn, sau khi thảo luận cùng chồng thì cả hai quyết định sống tại Việt Nam.
Việt Nam thu hút chị nhất ở điểm nào? Đồ ăn Việt Nam
Đến Việt Nam thì điều gì khó thích nghi nhất? Nam nữ không bình đẳng, trưởng bối là to nhất
Một câu muốn nói với những đồng hương Đài Loan cũng đến Việt Nam phát triển ?
Muốn lập nghiệp thì nhất định phải đến Việt Nam sinh sống để hiểu được văn hóa của họ, không nên dùng suy nghĩ kiểu Đài Loan để áp đặt.
======================Hỏi ngắn đáp nhanh!=======================================
Quốc hoa của Việt Nam là gì?
Hoa Sen.
5 món Việt thích ăn nhất?
Bún chả, phở bò, mỳ quảng, bún mọc, chè.
Đã từng đi qua những nơi nào của Việt Nam? Ấn tượng nhất là đâu?
Miền nam tôi từng đi Hồ Chí Minh, đảo Phú Quốc; miền Trung thì đi Đà Nẵng, Huế, Hội An, miền Bắc cũng đã đi hết những điểm du lịch nổi tiếng, như Sapa đi được 4 lần. Ấn tượng nhất là Đà Nẵng, tôi thấy nơi đây rất rộng rãi, đường xá vừa to vừa bằng phẳng, bên cạnh lại còn có biển. Được sống ở đây thì tuyệt, cảm giác rất nhàn nhã. Còn Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì tôi cũng thích nhưng đều là những đô thị lớn, có cảm giác thành phố lớn thì ở đâu cũng như nhau.
3 lí do yêu mến Việt Nam?
Đồ ăn ngon, chồng tôi, văn hóa.
Hãy chia sẻ bí kíp để qua đường?
Phải lấy hết dũng khí, đi thẳng một mạch không được quay đầu, khi qua đường thì phải nhìn dòng người đang đi lại, chắc chắn họ nhìn thấy mình thì mới bước tới trước. Có thể dừng lại nhưng đừng lâu quá, không sẽ bị mắng đấy.
Dùng một câu để miêu tả cuộc sống ở Việt Nam?
Giao thoa giữa mới và cũ, bảo tồn được nhiều văn hóa cũ nhưng cũng chào đón văn hóa mới đang tới.
Rất nhiều người nói, Việt Nam đã nhảy cóc qua rất nhiều giai đoạn mà phát triển thẳng đến tầm cao mới, tiến bộ nhanh quá, có những giai đoạn chuyển tiếp chỉ rất ngắn thôi.
===============================================================================
Chị có một thời gian dài sống ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, chị cảm thấy thế nào về cuộc sống ở đây?
Tôi thấy rằng, rất nhiều nơi còn truyền thống hơn cả Đài Loan, rất nhiều văn hóa xưa cũ được gìn giữ, nhưng lại hội nhập rất nhanh, phát triển thần tốc.
Điều gì khiến chị khó thích nghi nhất?
Trước khi sinh em bé tôi vẫn coi mình như một người ngoại quốc đến đây du lịch vậy, nên cũng chẳng có gì khó hòa nhập, còn rất vui vẻ. Nhưng khi tôi bước chân vào một gia đình Việt Nam, lại còn là con gái nên không tránh được phải đối mặt với văn hóa truyền thống, khó thích nghi nhất có lẽ là áp lực từ các bậc tiền bối. Như mẹ chồng hay những người lớn tuổi trong nhà đều khá khó nói chuyện trao đổi. Những điều họ nói không phải là khuyên bạn nên làm gì mà là nhất định bạn phải làm gì.
Còn chuyện bình đẳng nam nữ nữa, ở Đài Loan cũng có vấn đề này, nhưng tôi thấy ở Việt Nam có phần nghiêm trọng hơn. Tôi từng phải nghe những lời mà sẽ không bao giờ có ở Đài Loan, ví dụ có lần tôi ăn cơm trước, sau đó nói với chồng và bạn chồng là "Cơm em để đó, lát anh ăn thì tự lấy”, chồng liền trả lời tôi “Nếu là trước đây thì em còn không được ăn chung mâm với bọn anh”. Câu này như có ý nhắc nhở tôi về địa vị của mình trong gia đình.
Gần đây có những người Việt trẻ tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp như cô Hoa hậu Việt Nam hay đội bóng nam. Chị có cảm nghĩ gì về lớp trẻ của Việt Nam?
Thật ra, vì tôi đã ở đây mười một năm rồi nên cũng tiếp xúc với vô vàn thanh niên Việt. Tôi thấy suy nghĩ của họ có nét không giống với trước đây. Mười một năm trước, khi tôi hỏi học sinh “Vì sao bạn học tiếng Trung?”, họ trả lời “Vì bố mẹ bảo em học”, tôi cảm thấy rất kì lạ, vì sao bố mẹ bảo học là đi học? Rồi có những người bố mẹ bảo gì thì chỉ biết tin đó và làm theo. Nhưng ngày nay nhiều người trẻ đã tự có suy nghĩ của mình. Những câu hỏi trước đây họ cảm thấy rất kì lạ không thể hiểu được như “Tại sao không lấy chồng? Tại sao không sinh con?”, thì giờ đây họ cũng biết tự suy luận và giải thích. Tôi thấy người trẻ mà biết suy nghĩ trên nhiều quan điểm khác nhau có nghĩa là họ cũng rất có tố chất sáng tạo, là một điều tốt.
Đài Loan áp dụng chính sách “Phương Nam mới” với một đất nước năng động trẻ trung như Việt Nam, chị nghĩ hai bên có những cơ hội và thách thức gì?
Ở Đài Loan có rất nhiều người không thích chính sách Phương Nam mới này, có lẽ họ cho rằng chính sách mở cửa như vậy sẽ khiến cho càng nhiều người đến đi làm phi pháp. Nhưng là một cô giáo, những người xung quanh tôi hầu như đều là tầng lớp trung lưu trở lên, học sinh của tôi nhiều người đang đi làm rồi, nên tôi biết từ khi áp dụng chính sách trên thì rất nhiều người muốn đến Đài Loan du lịch, đây là điều mà trước đây tôi chưa từng nghe thấy. Thật ra Đài Loan là một hòn đảo nhỏ, không có nhiều cơ hội để được mọi người nhìn nhận và biết đến. Tôi cho rằng duyên phận giữa chúng ta sâu đậm như vậy, biết bao người đến Đài Loan kết hôn và làm việc khiến cho càng nhiều người hiểu biết hơn về Đài Loan. Những người từng đi Đài mang về theo mình biết bao điều tốt đẹp, như xung quanh đây giờ còn có người mở cả quán ăn Đài Loan, trang hoàng sang trọng lại còn bán rất chạy. Ngoài ra còn có nhiều chuỗi cửa hàng bán gà chiên, mỳ bò … liên tục mọc lên. Ý của tôi là, hãy để thật nhiều những con người khác nhau nhìn thấy Đài Loan, cơ hội hợp tác sau này sẽ ngày càng nhiều thêm.
Hiện nay ngày càng nhiều người ngoại quốc bao gồm cả Việt Nam đến Đài Loan học tập, làm việc và kết hôn. Nhưng vẫn còn bộ phận người Đài Loan chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận nhiều người nước ngoài như vậy, dễ dẫn đến những xung đột trong văn hóa. Theo chị có phương pháp nào giải quyết vấn đề này?
Về vấn đề này, nếu nói đến các bậc tiền bối thời cha mẹ chúng ta, họ chẳng mấy thích các nước Đông Nam Á. Nhưng đến lớp bạn bè tôi thì nhiều người còn chẳng coi người Đông Nam Á là người ngoại quốc, ngoại quốc là phải giống các người phương Tây ấy. Tôi nghĩ phải bắt đầu từ giáo dục, cha mẹ dạy bảo con cái, thầy giáo dạy bảo học sinh, nhất là những trường có con em Tân di dân, thầy cô có thể tổ chức các hoạt động giúp học sinh hiểu thêm về quê hương của bạn mình. Thật ra hiện nay nhiều người Đài Loan muốn đến Việt Nam du lịch, tôi thấy cũng là điều tốt. Rất khó thay đổi suy nghĩ của người lớn, nhưng trẻ nhỏ thì có thể.