Đôi nét về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Viết:Dương Nguyên
35,46 tỷ USD là tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam Năm 2018. Trong hai tháng đầu năm 2019, con số này là 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - FIA). Hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam diễn ra hết sức sôi nổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia đứng vị trí thứ nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn, theo sau là Hàn Quốc, Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% và 5 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư.... Về địa bàn nhận đầu tư, Hà Nội là địa phương dẫn đầu với tổng số vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 5,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,1 tỷ USD chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư...
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD (năm 2018), chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo sau đó là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, đang có sự dịch chuyển dịch chuyển trong dòng vốn FDI khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đổ vốn chất lượng vào Việt Nam thay vì những lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, lao động... như trước kia. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian tới Việt Nam sẽ chú trọng thu hút các dự án FDI có tính liên kết cao, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chất lượng cao trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, các dự án FDI vào Việt Nam phải thân thiện với môi trường, tỉ lệ nội địa hóa cao, tiếp cận công nghệ 4.0. Đây chính là điểm mới tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng mang lại không ít thách thức cho các doanh nghiệp nước ngoài đang có ý định đầu tư vào thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 7% tăng trưởng GDP mỗi năm, cùng với sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, Việt Nam sở hữu những thế mạnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam có sự hội nhập sâu rộng mạnh mẽ với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, chính phủ và các cơ quan chức năng nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, giám sát hiệu quả việc thực hiện dự án FDI sau khi cấp phép. Theo báo cáo xếp hạng kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 68 tăng 14 bậc so với năm 2016. Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây được xem là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển tận dụng những cơ hội để có thể thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy nguồn lực trong nước để phát triển.