[Kinh tế châu Á] - Bóng đen đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế các nước châu Á (Phần 2)
Viết:HELLO VIETNAM
Hàn Quốc
Hàn Quốc đang nổi lên như là tâm dịch khác ngoài Trung Quốc với số gần 8000 trường hợp nhiễm virus COVID-19. Thành phố Daegu là điểm bùng phát mạnh mẽ nhất của dịch bệnh tại Hàn Quốc. Giáo hội Tân Thiên Địa được quy cho là nguyên nhân khiến đại dịch bùng phát dữ dội tại Hàn Quốc. Nghi thức cầu nguyện tập trung và việc bắt buộc các tín đồ phải đến điểm cầu nguyện ngay cả khi ốm đã khiến dịch bùng phát mạnh mẽ tại Daegu.
“Với các tín đồ Tân Thiên Địa, ưu tiên của họ không phải vấn đề an toàn”, ông Ji-il Tark, giáo sư tại đại học Thiên chúa Giáo Busan Presbyterian, chuyên gia nghiên cứu về giáo phái này, cho biết. “Ưu tiên của họ là bảo vệ tổ chức của mình”.
Bên cạnh đó, điều khiến giới khoa học chú ý là bệnh nhân truyền bệnh chính - bệnh nhân số 0 - không có lịch sử du lịch ngoại quốc cũng như tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Điều này càng làm cho việc khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn tại Hàn Quốc.
Đối với tác động kinh tế của dịch bệnh, gián đoạn trong hoạt động sản xuất của các công ty lớn tại Hàn Quốc đã bắt đầu trước đó với sự việc thiếu hụt nguồn cung ứng từ Trung Quốc nay trở nên trầm trọng hơn với tình hình dịch bệnh do virus COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc. Vào đầu tháng 2, hãng sản xuất ôtô Hyundai đã buộc phải tạm ngừng hoạt động tại khu sản xuất tại Ulsan với việc thiếu hụt nguồn cung ứng đầu vào từ Trung Quốc. Sau đó hãng đã cố gắng đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Tuy nhiên cái chết của một nhân viên do virus COVID-19 của một trong những nhà cung ứng cho Huyndai tại Hàn Quốc đã khiến việc sản xuất một số dòng sản phẩm một lần nữa bị đình trệ.
Khác với nhiều ông lớn, Samsung đã chuyển hầu hết các dây chuyền sản xuất sang Việt Nam những năm gần đây đưa đến cho công ty này nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh đang phải vật lộn với sự hoành hoành của virus COVID-19 tại Trung Quốc như Apple và Huawei. Tuy nhiên 1500 nhân viên của Samsung đã bị cách ly sau khi một trường hợp nhiễm virus COVID-19 được phát hiện tại một trong những khu phức hợp của họ tại Gumi. Samsung hiện đang là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip bán dẫn lớn nhất thế giới.
Trong khi những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do sự bùng phát của virus COVID-19 thực sự gây ra những thiệt hại đáng kể, sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng còn có những tác động to lớn hơn với nền kinh tế Hàn Quốc. Chỉ số tổng hợp ý kiến tiêu dùng CCSI đã giảm từ mức 104.2 trong tháng 1 xuống mức 96.9 trong tháng 2. Chỉ số CCSI thấp hơn 100 chứng tỏ người tiêu dùng tỏ ra tiêu cực trong hoạt động mua sắm. Giảm 7.3 điểm CCSI là mức giảm thấp nhất tại thị trường Hàn Quốc từ năm năm 2015 khi mà hội chứng hô hấp Trung đông tấn công Hàn Quốc. Chỉ số CCSI trong tháng 2 được khảo sát từ ngày 10 tới ngày 17 tháng 2 trước khi virus COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc. Nếu khảo sát được tiến hành trong hiện tại, chỉ số CCSI có thể còn suy giảm hơn nữa do tác động của sự bi quan từ người tiêu dùng trong hiện tại.
Ngành du lịch Hàn Quốc chắc chắn cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi ngày càng nhiều các quốc gia cấm bay hoặc hạn chế các chuyến bay đến Hàn Quốc. Dự kiến ngành du lịch Hàn Quốc sẽ tổn thất 2.9 nghìn tỷ Won do sự bùng phát của virus COVID-19. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất lần đầu tiên trong vòng 10 năm. Tuy nhiên Đảng đối lập tại Hàn Quốc đang chỉ trích tổng thống khi không ngăn chặn du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc và không cung cấp đầy đủ mặt nạ y tế cũng như sự chậm chạp của nền kinh tế Hàn Quốc trong hiện tại. Một thỉnh cầu trên website của Nhà Xanh kêu gọi cấm cửa du khách Trung Quốc đã đạt 760.000 lượt người ủng hộ trong khi 1.2 triệu người ủng hộ luận tội tổng thống do việc xử lý không tốt dịch bệnh do virus COVID-19.
Các chuyên gia cũng cho rằng hiện đang có sự thiếu hụt số lượng giường bệnh và nhân lực để điều trị bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 tại Daegu. Tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn nếu có nhiều hơn số người bị nhiễm bệnh. Thêm một điều có thể khiến cho chính phủ Hàn Quốc lo lắng là các quốc gia khác đang tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro lây nhiễm từ Hàn Quốc. Điều này có thể tác động tiêu cực tới kinh tế Hàn Quốc vì quốc gia này vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động giao thương thương mại toàn cầu.
Nhật Bản
Virus COVID-19 bùng phát trong thời điểm không thể tệ hại hơn đối với Nhật Bản. Nó có thể khiến kinh tế Nhật Bản và danh tiếng của thủ tướng Abe tổn hại nghiêm trọng. Điều tồi tệ hơn là thời điểm khai mạc Olympic Tokyo đang đến gần kề hơn.
Thủ tướng Abe tưởng chừng sẽ bước qua những ngày tháng ngọt ngào khi ông vừa chính thức trở thành thủ tướng phục vụ lâu nhất dưới cương vị này trong lịch sử Nhật Bản. Mối quan hệ với Trung Quốc đang ấm lên với kế hoạch cho chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản từ khi ông nắm quyền lực. Một mối quan hệ ấm áp với Bắc Kinh là cơ hội tốt với Nhật Bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khép lại những căng thẳng trong những năm gần đây giữa hai quốc gia. Olympic Tokyo sắp đến là cơ hội để Nhật Bản quảng bá hình ảnh một Nhật Bản mới như cái cách họ đã làm tại Olympic 1964, cũng như là một động lực tăng trưởng mà Thủ tướng Abe hi vọng sẽ kéo nền kinh tế èo ụt của Nhật Bản đi lên. Nhưng dịch bệnh do virus COVID-19 đã ập đến.
Tàu Diamond Princess đậu ngoài khơi Yokohama đang làm tâm điểm của dịch Cúm tại Nhật. Tàu trải qua 2 tuần du ngoạn qua các nước Việt Nam, Hồng Kông và Đài Loan. Một du khách sau đó rời khỏi tàu tại Hồng Kông và sau đó được chẩn đoán là nhiễm Virus COVID-19. Chính quyền Nhật sau đó yêu cầu cách ly y tế con tàu này. Những chỉ trích sau đó dâng lên khi Kentaro Iwata, một giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại đại học Kobe, ghi lại một video trên tàu mà ông chỉ trích về trình trạng y tế không phù hợp trên tàu. Tồi tệ hơn khi chính quyền sau đó thừa nhận rằng có 23 trường hợp được cho phép rời tàu sau đó khi chưa xét nghiệm.
Shigeru Omi, giám đốc của cơ quan chăm sóc y tế cộng đồng Nhật Bản (Japan Community Health Care Organization) thừa nhận rằng “không hệ thống nào là hoàn hảo và Nhật Bản không phải là ngoại lệ”.
Ngay trước khi dịch cúm bùng nổ, Nhật Bản cũng đang đối mặt với khả năng suy giảm kinh tế khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6.3% trong quý 4 năm ngoái do tác động của sự suy giảm tiêu dùng bắt nguồn từ quyết định tăng thuế tiêu dùng của chính phủ Nhật. Nếu Nhật Bản nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, tiếp tục suy giảm trong quý đầu tiên năm nay, Nhật Bản sẽ chính thức chìm trong thời kỳ suy thoái lần đầu tiên kể từ 2015 (suy thoái kinh tế được ghi nhận khi nền kinh tế giảm phát trong hai quý liên tiếp). Sự bùng phát của dịch cúm càng khiến tình trạng trở nên tồi tệ. Goldman Sachs dự kiến quý đầu tiên sẽ chứng kiến sự sụt giảm 0.3% và 0.4% giá trị GDP của Nhật Bản.
Gã khổng lồ quảng cáo Nhật Bản Dentsu đã yêu cầu 5000 lao động tại trụ sở của họ làm việc tại nhà sau khi một nhân viên dương tính với virus COVID-19. Hãng mỹ phẩm hàng đầu Nhật Shiseido cũng yêu cầu 8000 nhân viên làm việc tại nhà. Các tập đoàn lớn khác của Nhật yêu cầu nhân viên tránh tụ tập nhóm trên 6 người và cắt giảm các chuyến du lịch của nhân viên.
Các tác động kinh tế của dịch bệnh đang tăng lên từng ngày. Thị trường chứng khoán Tokyo giảm 9.6% trong tuần trước. Các chuỗi khách sạn quốc tế cho biết họ chỉ hoạt động ở mức 40% công suất giảm đi một nửa so với mức thông thường. Nhiều nhà hàng ở trung tâm Tokyo ghi nhận mức giảm 50% số lượng khách phục vụ. Các hoạt động thể thao chính như giải bóng đá Nhật Bản cũng bị hoãn lại. Giải marathon thường kỳ tại Tokyo thông thường thu hút 30.000 vận động viên cũng bị giảm số lượng vận động viên tham dự. Công viên Tokyo Disneyland một trong những trung tâm giải trí nổi tiếng nhất thế giới cũng đóng cửa ít nhất 2 tuần.
Du lịch, từng được xem là một trong những lịch vực thành công trong nhiệm kỳ của thủ tướng Abe, nay dường như trở thành một trong những thất bại không thể tránh khỏi của thủ tướng Abe trong năm nay. Du khách từ Trung Quốc vốn chiếm tới 40% nguồn thu từ du lịch của Nhật năm ngoái, nay giảm đi đột ngột do dịch bệnh. Du khách từ Hàn Quốc chọn những điểm đến khác ngoài Nhật nhằm phản ứng đối với những hạn chế thương mại mà chính phủ Nhật đặt ra đối với Hàn Quốc trong năm ngoái. Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng tại Hàn Quốc cũng hạn chế hoạt động du lịch của công dân nước này tới Nhật Bản. Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp một nửa trong tổng số 32 triệu lượt khách du lịch đến Nhật Bản trong năm ngoái. Hoạt động kinh tế du lịch của Nhật chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề không thể tránh khỏi.
Đang có những đồn đoán rằng Nhật Bản sẽ không thể tổ chức Olympic trong tình hình như hiện tại. Tuy rằng chưa có thông báo chính thức từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nhưng cơ quan này cũng đang có những động thái xem xét tình hình để đưa ra những ứng phó. Nếu tình hình virus tiếp tục trầm trọng và Olympic bị hoãn lại thì động lực tăng trưởng kinh tế mà chính phủ Abe đã vất vả để vận động trong nhiều năm qua xem như tan biến. Nếu như Olympic vẫn tiếp tục được triển khai như dự định và kể cả khi dịch bệnh sẽ được khống chế tại Nhật, không ai đảm bảo rằng khách du lịch sẽ hào hứng đến Nhật để thưởng thức thế vận hội trong bối cảnh những khó khăn mà dịch bệnh này gây ra trên toàn thế giới.
“Nhật Bản bắt đầu nhìn thấy tác động to lớn đối với ngành công nghiệp du lịch và các doanh nghiệp vừa và nhỏ” Thủ tướng Abe gần đây nói chuyện với các nhà lập pháp. Chính phủ Nhật vừa công bố gói cứu trợ khẩn cấp 96 triệu đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp đối diện với tình trạng khẩn cấp. Gói cứu trợ này theo sau gói khuyến khích 120 tỷ USD cuối năm ngoái.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, các công ty Nhật đã vật lộn đối phó với sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Xuất khẩu từ Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 7.6% từ năm 2019 từ năm trước. Sự bùng phát của virus COVID-19 ảnh hưởng các công ty từ bên trong và bên ngoài nước Nhật. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc do dịch bệnh khiến nhiều công ty Nhật tại nước này phải tạm ngừng hoạt động sản xuất. Thực sự Nhật Bản và thủ tướng Abe đang gặp những thách thức to lớn do dịch bệnh gây ra đối nền kinh tế Nhật, nó tác động đến nước Nhật cả trong và lẫn ngoài, kéo con tàu kinh tế Nhật Bản vốn đã ì ạch trong khó khăn nội tại của mình trong nhiều năm qua trở nên chậm chạp hơn nữa.