Hiệp định tự do thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA và tác động đến nền kinh tế Việt Nam
Viết:Hello Vietnam
Ngày 12/02/2020 Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng cuối cùng trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại được Hội đồng châu Âu mô tả là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký với một nước đang phát triển. Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (quốc gia thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore ký kết FTA với EU) được xem như cam kết của EU trong việc tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và ảnh hưởng của Liên minh EU đối với Việt Nam nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung. Dự kiến trong năm 2020, Hiệp định sẽ được thông qua bởi Hội đồng châu Âu và Quốc hội Việt Nam để chính thức có hiệu lực.
EVFTA (EU - Vietnam Free Trade Agreement) bao gồm hai hiệp định: Hiệp định thương mại EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA. Quá trình đàm phán kéo dài từ 2012 tới 2015 với nhiều nghi ngờ về khả năng thông qua thỏa thuận thương mại tự do tham vọng này [2]. Tuy nhiên, gần như chắc chắn EVFTA sẽ được thông qua với sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu. Trong khi đó EVIPA cần phải có sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương Quốc Anh hoàn tất Brexit) thì mới có hiệu lực.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ [7]. Trong khi đó, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khối ASEAN sau khi vượt qua các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Indonesia trong những năm gần đây. EVFTA là một trong 13 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các liên minh kinh tế, quốc gia, vùng lãnh thổ bên cạnh 3 hiệp định tự do khác đang đàm phán.
EVFTA có mục đích trọng tâm là tự do hóa các hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan cho các mặt hàng chiến lược của cả hai phía Việt Nam và EU trong vòng 10 năm. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, 85.6 % dòng thuế tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu (Export Turnover) của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ. 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối 99.2% số dòng thuế tương đương 99.7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 0.3% còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với mức thuế suất 0% trong hạn ngạch.
EVFTA sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực của Việt Nam bao gồm sản xuất điện thoại thông minh, dệt may, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp như cà phê. Hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 18% tương đương mức tăng 15 tỷ Euro đồng thời giúp GDP của Việt Nam tăng 0.48%.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt nam vào EU là các mặt hàng thâm dụng lao động cao như giày dép, sản phẩm may mặc, hàng nông sản. Bên cạnh đó, các sản phẩm máy móc thiết bị (chủ yếu là điện thoại di động và máy tính bảng) đang nổi lên như là sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Việt Nam vào EU. Tất cả các sản phẩm đem lại giá trị xuất khẩu lớn nêu trên của Việt Nam vào EU đều được hưởng các ưu đãi thuế quan hết sức đặc biệt sau khi EVFTA có hiệu lực.
Đối với nhóm sản phẩm máy tính, điện tử và linh kiện là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đem lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, 74% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ trong vòng 3 đến 5 năm.
Đối với nhóm sản phẩm đứng thứ hai trong bảng xếp hạng giá trị xuất khẩu của Việt Nam là giày dép, 37% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ trong vòng 3 đến 7 năm.
Ở ngành sản phẩm may mặc, 42.5 % số dòng thuế sẽ được xóa bỏ đối với nhóm ngành này ngay khi hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ tròng vòng 3 đến 7 năm.
Đặc biệt đối với nhóm ngành nông sản bao gồm các sản phẩm cà phê và rau quả, trái cây sẽ được xóa bỏ thuế 100% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên để được hưởng các ưu đãi thuế quan của EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU phải đảm bảo các tiêu chí về tỷ lệ nội địa hóa và nguồn gốc xuất xứ. Đây là một trong những trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn nguyên liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ví dụ các sản phẩm dệt may của Việt Nam chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc sử dụng chủ yếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu do đó rất khó để đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa theo yêu cầu của EVFTA. Bên cạnh đó, quy mô và năng lực các doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam hiện đang được đánh giá là không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy việc phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ và tăng cường khả năng của nền công nghiệp phụ trợ trong nước là yêu cầu tất yếu để thỏa mãn yêu cầu của EVFTA nhằm đạt được các ưu đãi thuế quan từ EU.
Ngoài ra, một trong những trở ngại chính không thể không nhắc tới đối với sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu và cũng như các nước phát triển khác đó là các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT). Đặc biệt là thị trường châu Âu là một trong những thị trường khó tính nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn và môi trường. Vì vậy hàng hóa Việt Nam phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa về chất lượng để đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của EU. Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phải đối mặt với những yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh nghiêm ngặt, khắt khe của EU thường không nắm rõ do đó không thể thâm nhập thị trường EU hoặc không được hưởng các ưu đãi thuế quan. Thế nên, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, cập nhật cho các doanh nghiệp về các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh của hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các quốc gia trong Liên minh châu Âu là hết sức quan trọng.
Với việc xóa bỏ gần như 100% hàng rào thuế quan đối với sản phẩm từ Việt Nam, khi có hiệu lực, EVFTA thực sự sẽ là một cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Thị trường EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về mặt giá trị do đó nếu tận dụng được những ưu đãi thuế quan của EVFTA, nền sản xuất và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn là những thách thức vẫn còn đó đối với sản phẩm Việt Nam bao gồm chất lượng của nhiều sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của EU và những khó khăn trong việc vượt qua những rào cản từ TBT và SPS mà EU và các quốc gia thành viên EU ban hành.
Theo đánh giá của các cơ quan khảo sát từ chính phủ Việt Nam, hiểu biết về EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam là không nhiều. Khả năng thay đổi để thích nghi với EVFTA là hết sức hạn chế bao gồm 40 % doanh nghiệp khó cải thiện điều kiện lao động, 55 % doanh nghiệp khó đầu tư vào công nghệ mới, 59 % khó đáp ứng nhu cầu nội địa hóa. Nhưng với những yêu cầu về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và sự minh bạch trong sản xuất mà EVFTA đặt ra, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi nếu muốn phát triển và gia tăng giá trị xuất khẩu của mình sang thị trường châu Âu, hay thực tế hơn nữa là cạnh tranh với chính các sản phẩm chất lượng cao từ châu âu với giá cả phải chăng hơn sau khi được giảm trừ thuế tại chính thị trường Việt Nam. Do đó EVFTA đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn EU, các doanh nghiệp đồng thời cần phải tự nghiên cứu, cập nhật tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hàng hóa, thủ tục hải quan, nhãn mác thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại. EVFTA là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt với giá trị, chất lượng và đáng tin cậy không chỉ riêng tại thị trường châu u mà cả trên thế giới. Tận dụng những ưu thế từ EVFTA, vượt ra những rào cản kỹ thuật từ thị trường này, tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chứng tỏ được với bạn hàng châu Âu và thế giới về chất lượng của sản phẩm từ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam từ đó sẽ không chỉ vươn ra chiếm lĩnh thị trường châu u mà đó còn là cơ hội để vươn ra thị trường thế giới với một hình ảnh hoàn thiện hơn trước.
Trong một góc nhìn khác liên quan đến các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam, dễ dàng nhận thấy rằng các mặt hàng xuất khẩu quan trọng, giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA đều là thế mạnh của các doanh nghiệp Đài Loan và hiện các doanh nghiệp FDI Đài Loan đầu tư và sản xuất tại Việt Nam cũng đang hoạt động chủ yếu trong các nhóm ngành này. EVFTA do đó không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU mà còn là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư, gia tăng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
./.