[Kinh tế châu Á] - Bóng đen đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế các nước châu Á (Phần 3)
Viết:HELLO VIETNAM
Đài Loan
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Tình hình khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp Đài Loan lao đao. Chính phủ Đài Loan vừa hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm 2020 bởi những tác động của dịch bệnh và đã phê duyệt việc dành 2 tỷ đô la để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các ngành nghề chịu tác động của dịch bệnh.
Thủ tướng Đài Loan Su Tseng-chang cho rằng khủng hoảng này là một sự nhắc nhở cho Đài Loan rằng không nên “đặt tất cả trứng vào một rổ”. Ông ngụ ý rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Đài Loan hiện quá phụ thuộc vào Trung Quốc như là thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu đầu vào chính yếu và các doanh nghiệp Đài Loan cần cố gắng để thay đổi tình hình này.
Ông Wu Ming-huei thành viên Hội đồng phát triển Quốc gia (National Development Council) cho rằng sự bùng phát của dịch bệnh có thể làm giảm GDP của Đài Loan từ 0.35 % đến 0.5 % nếu dịch bệnh kéo dài 3 tháng (bắt đầu từ tháng 1/2020).
Ngành du lịch Đài Loan đang là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù cơ quan y tế Đài Loan thông báo rằng các ca nhiễm bệnh đã được cách ly và không có khả năng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng nhưng số lượng khách du lịch đang suy giảm nghiêm trọng theo báo cáo từ Cục Du lịch Đài Loan. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Bắc Kinh đã quyết định cấm du lịch nhóm và hạn chế du lịch cá nhân tới Đài Loan để tạo áp lực kinh tế lên Đài Loan trước thềm bầu cử tại quốc đảo này vào tháng 1. Chính phủ Đài Loan đã tiến hành các hoạt động quảng bá và ưu đãi visa cho du khách từ Nhật, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác nhằm bù đắp sự sụt giảm nguồn du khách từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình thế bùng phát bệnh chung ở chính các nước trên cùng với sự sợ hãi của du khách đối với dịch bệnh khiến ngành du lịch Đài Loan đang đứng trước những khó khăn nghiêm trọng. iBeenGo một công ty du lịch có trụ sở ở Đài Bắc cho biết thông thường họ nhận 500 đoàn du lịch một tháng. Nay với tình hình dịch bệnh thì số lượng giảm đến 60%.
Việt Nam
Theo con số thống kê chính thức thì đến hiện tại Việt Nam đã có 35 trường hợp nhiễm virus COVID-19. Sau khi chữa khỏi 16 trường hợp nhiễm đầu tiên và một thời gian dài không phát sinh bất kỳ trường hợp tăng thêm nào thì đầu tháng 3 Việt Nam bất ngờ thông báo 3 trường hợp nhiễm mới đều tại Hà Nội.
Là nước láng giềng và có quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình dịch bệnh từ quốc gia này. Dịch bệnh nghiệm trọng và sự khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc khiến nền kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc cho hàng hóa nông sản trong nước và nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm dệt may, điện tử … phải chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng. Khoảng 30 % của nguyên liệu sản xuất trong nước được nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi đó Trung Quốc là điểm đến của 20% xuất khẩu nông sản từ Việt Nam. Nhiều công ty tại Việt Nam không có đủ nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất đang phải vật lộn để tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Trong khi đó hàng nông sản Việt Nam tuy đã được xuất trở lại sang thị trường Trung Quốc nhưng với những khó khăn trong tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc khiến sức tiêu thụ tại thị trường này suy giảm nhiều đồng thời việc vận chuyển hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn đang hết sức khó khăn nên hàng nông sản Việt Nam hiện vẫn đang chỉ xuất nhỏ giọt sang Trung Quốc.
Khách du lịch từ Trung Quốc vốn chiếm 1/3 nguồn khách trong nước đang trở nên suy giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn đang cố gắng hạn chế nguồn khách từ Trung Quốc do lo sợ dịch bệnh lây lang. Thiệt hại của ngành du lịch được dự đoán khoảng 3 ~ 4 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên con số này có thể tăng lên với việc dịch bệnh cũng đang bùng phát ngày càng nghiêm trọng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ vốn cũng là những nguồn khách quan trọng cho du lịch trong nước. Nhiều khách du lịch từ các quốc gia khác cũng hạn chế du lịch do lo ngại tình hình dịch bệnh, điều đó càng có những tác động tiêu cực hơn cho ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó nhiều công ty Hàn Quốc như Samsung và LG đầu tư rất lớn vào Việt Nam trong những năm gần đây và với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc hiện nay cũng đặt hoạt động sản xuất của các công ty Hàn Quốc vào tình thế khó khăn. Những yêu cầu ngặt nghèo hơn dành cho người đến từ Hàn Quốc và việc cấm du khách từ các vùng dịch đang khiến các công ty Hàn Quốc lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Nhiều nhà quan sát cho biết Samsung đang chỉ hoạt động tại mức 50~80% công suất do những thiếu hụt trong nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài và thực tế rằng nhiều chuyên gia của Samsung chưa thể quay lại làm việc. Samsung hiện đang chiếm 6.1% tổng đầu tư FDI của Việt Nam trong 10 năm từ 2008 đến 2018 và là doanh nghiệp đóng góp 28% xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Bất cứ những khó khăn hay sụt giảm trong hoạt động sản xuất của những ông lớn Hàn Quốc như Samsung hay LG có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam.
Hiệp định EVFTA - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU mà EU đánh giá là Hiệp định thương mại tham vọng nhất mà EU ký kết với một nước đang phát triển - dự định sẽ được thông qua trong năm nay và sẽ là động lực tăng trưởng lâu dài cho Việt Nam nhưng với tình hình dịch bệnh lan rộng tại châu Âu và làm cho nền kinh tế các nước này lao đao thì chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng của Việt Nam. Dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra cũng đã bùng phát tại Hoa Kỳ, thị trường trọng yếu và quan trọng nhất đối với hàng hóa Việt Nam hiện nay và đã đối mặt với rủi ro nhất định do những hạn chế thương mại mà tổng thống Donald Trump có thể áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam. Việt Nam chắc chắn phải chuẩn bị tư thế để đối đối đầu với những thách thức to lớn với rủi ro từ việc suy giảm giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Hiện tại Chính phủ Việt Nam thông báo vẫn không hạ mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2020 nhưng theo nhiều chuyên gia dự đoán mức tăng trưởng GDP có thể suy giảm khoảng 1% từ mức 6.9% xuống mức 5.9%. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - cựu thành viên tổ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam - cho biết rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều ngành nghề từ xuất nhập khẩu cho tới vận tải và du lịch.
Tuy nhiên theo các chuyên gia vẫn có những điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam. Với tình hình dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc, các nền kinh tế, các tập đoàn lớn trên thế giới đã ngấm đòn khi phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy các công ty nước ngoài sớm cơ cấu lại hoạt động sản xuất để nhanh chóng thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1”. Chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã được thúc đẩy bởi cuộc thương chiến Mỹ Trung, nay được củng cố hơn nữa bởi đại dịch. Một khi các công ty đa quốc gia chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc thì Việt Nam là một trọng những quốc gia đứng đầu trong danh sách được lựa chọn. Môi trường chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng được cải thiện trong những năm gần đây, quy mô dân số trẻ với giá nhân công thấp đang tạo ra sức hấp dẫn to lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam bỗng nhiên hưởng lợi trong bối cảnh người dân có tâm lý lo sợ khi ra đường mua sắm và tìm đến các trang thương mại điện tử để mua sắm online. Xu hướng này có thể không kéo dài lâu cho đến khi dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra được khống chế. Dù vậy nó cũng có những tác động tích cực đến hoạt động thương mại điện tử, thúc đẩy người dân mua sắm online nhiều hơn.
Châu Á - Động cơ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới đang bị che phủ bởi bóng đen của đại dịch do virus COVID-19 gây ra. Những nền kinh tế lớn nhất thế giới và đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu tại Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang phải căng mình để đối phó với những ảnh hưởng và hậu quả to lớn của đại dịch. Những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh gần đây tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang đem lại những hi vọng rằng những nền kinh tế này sẽ sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong Quý 2 hoặc chậm nhất là Quý 3 năm nay. Tuy vậy, những thách thức mà dịch bệnh mang đến chắc chắn sẽ rất khó lường khi mà việc đình đốn sản xuất và những khó khăn trong chuỗi cung ứng sẽ không thể thay đổi một sớm một chiều. Cùng với đó, những diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh tại châu Âu và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những nền kinh tế trọng thương, phụ thuộc nhiều vào thương mại và thị trường phương Tây như 4 nền kinh tế Đông Á này.
Đông Nam Á, khu vực mà hoạt động du lịch cấu thành phần quan trọng trong nền kinh tế các quốc gia trong khu vực và vốn phụ thuộc lớn vào nguồn khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự bùng phát mạnh của dịch bệnh cùng với những chính sách nghiêm ngặt nhằm hạn chế việc lây lan của virus COVID-19 của các quốc gia đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn khách du lịch tới đây. Các nhà sản xuất lớn tại khu vực Đông Nam Á vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như là nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như thị trường cho hàng hóa xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn khi mà hoạt động sản xuất tại Trung Quốc còn đang chưa thể phục hồi hoàn toàn công suất và nền kinh tế nước này thậm chí được dự báo tăng trưởng âm trong quý I. Cả Đông Nam Á đang nhìn về phía Trung Quốc, Hàn Quốc với những kỳ vọng về sự khởi sắc trong việc khống chế dịch bệnh và phục hồi kinh tế của hai quốc gia này để hi vọng nền kinh tế của họ sẽ thoát khỏi những khó khăn hiện tại. Hơn thế nữa, tình hình khó khăn tại châu Âu và Hoa Kỳ sẽ khiến các nước Đông Nam Á vốn muốn đa dạng nền kinh tế để tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc nay phải tính toán kỹ lưỡng hơn về những giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Nam Á khu vực vốn ít chịu ảnh hưởng của đại dịch do virus COVID-19 cũng gánh phải những tác động không nhỏ. 70% nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm của nền kinh tế lớn nhất Nam Á - Ấn Độ đến từ Trung Quốc. 30% thiết bị cho sản xuất xe hơi của Ấn Độ cũng đến từ Trung Quốc. Các sản phẩm điện thoại thông minh của Trung Quốc vốn được ưa chuộng tại thị trường đông dân thứ 2 thế giới này đang gặp phải cảnh cháy hàng do hạn chế nguồn cung. Khi mà hoạt động sản xuất tại Trung Quốc còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì chắc chắn những ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế Nam Á sẽ còn tiếp tục.
Thị trường chứng khoán các nước châu Á cũng liên tục bị ảnh hưởng từ “sắc đỏ” chung của chứng khoán niêm yết tại thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Các quốc gia châu Á đều đã đưa ra hoặc đang dự kiến các gói hỗ trợ vô cùng lớn để kích thích thị trường trong nước đồng thời với các động thái hạ lãi suất, cắt giảm thuế nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên trong bối cảnh những khó khăn chung trên toàn cầu, mức độ hội nhập sâu rộng của các nền kinh tế khu vực châu Á, câu hỏi còn chưa có câu trả lời về việc khi nào châu Âu và Hoa Kỳ thoát khỏi bóng đen đại dịch do virus COVID-19 gây ra? câu hỏi về việc khi nào dịch bệnh kết thúc trên phạm vi toàn cầu? thì các quốc gia châu Á nên tính toán trước về những chính sách mang tính dài hạn để duy trì nền kinh tế. Và chắc chắn rằng các giải pháp tài chính và kích cầu chỉ mang tính tạm thời nếu dịch bệnh không được khống chế sớm nhất trên phạm vi tất cả các quốc gia.