Thêu tay Tú Thị - Khởi nghiệp bởi tình yêu


Giữa làn sóng khởi nghiệp dâng cao ở Việt Nam, có hàng trăm ngàn công ty công nghệ, kĩ thuật được thành lập trên cả nước thì Tu Thi Hand Embroidery lại là nhãn hiệu khởi nghiệp với ước mơ mang đến cho người Việt những sản phẩm văn hóa tinh hoa của người Việt: “for You. by Me. with Love”.

Tu Thi Hand Embroidery được thành lập từ năm 2017, với tên Tú Thị, Tú - có nghĩa là thêu, Thị - có nghĩa là chợ, xuất phát từ tên của ngôi đình ở phố Yên Thái thờ ông tổ nghề thêu mà cư dân làng nghề Quất Động thường hay đến thờ cúng tỏ lòng biết ơn. Cửa hàng của Tu Thi Hand Embroidery nằm ở tầng hai của một ngôi nhà phố cổ ở Hàng Thùng, tại không gian vừa vặn với thiết kế hơi hướng Nhật Bản, những sản phẩm mang phong cách riêng được bài trí hợp lý, thu hút khách hàng. Chị Mai Lan - người sáng lập công ty, vốn là một phóng viên Ban thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, chị lập công ty bởi tình yêu với nghề thêu, với mảnh đất quê hương làng Quất Động - nơi chị được biết đến nghề và lớn lên cùng nghề.

Ở Tu Thi Hand Embroidery, các sản phẩm không chỉ sáng tạo về thiết kế, tinh tế về đường kim mũi chỉ mà khách hàng còn có cơ hội được chia sẻ về lịch sử 300 năm của nghề thêu, câu chuyện về những chiếc áo dài thêu của thế kỷ trước. Những chiếc áo dài, những chiếc khăn thêu không chỉ là một sản phẩm phụ kiện hay trang phục, đó là những món quà mà những người con của làng nghề mang đến. Khách hàng đến với Tu Thi Hand Embroidery cũng có cơ hội được trải nghiệm thêu những sản phẩm mang thiết kế của chính mình, dưới sự hướng dẫn của bác Thuận - nghệ nhân thêu - tác giả của rất nhiều những sản phẩm tinh tế.

Hiện nay, ngoài áo dài thêu tay, ở Tu Thi Hand Embroidery còn có các sản phẩm khác như khăn tay, khăn quàng, hoặc váy áo mang phong cách hiện đại, thậm chí cả bookmark thêu tay. Chị Mai Lan chia sẻ, sự thay đổi của thị trường kinh tế mang đến rất nhiều thay đổi đối với nghề thêu tay, vừa phải cạnh tranh với các sản phẩm thêu máy giá rẻ từ Trung Quốc, vừa phải nghĩ cách làm sao tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định để giữ chân người thợ. Các bạn trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn công việc hơn, không chỉ là làm nông, mà còn có thể làm công nhân, buôn bán, học đại học… bởi vậy nên, số lượng thợ thêu không còn nhiều như trước, càng ngày càng ít người gắn bó với nghề thêu.

Nghề thêu vốn là nghề đòi hỏi sự kiên trì, kiên nhẫn. Như nghệ nhân Thuận theo học thêu từ năm 6 tuổi, sau một năm mới được cầm kim để thêu, trong đó một tháng đầu chỉ để học cách cầm kim. Có nhiều thợ thêu dù được học thêu từ nhỏ, nhưng sau một thời gian nghỉ thêu thì cũng phải luyện tập lại để có được cổ tay thêu điêu luyện như ban đầu. 

Là người lớn lên với đường kim mũi chỉ, chị Mai Lan có tình yêu đặc biệt với sản phẩm thêu tay, với ngành nghề của đất Tổ và luôn mong muốn gìn giữ những nét đẹp văn hóa ấy. Với quan điểm, thay vì chỉ tập trung vào việc kết nối để xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài, hướng đi của Tu Thi Hand Embroidery lại là mong muốn chính người Việt được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất ngay chính trên quê hương của mình, phát triển thành tựu nghề nghiệp bằng di sản của ông cha để lại, bảo tồn giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.

Dù trước mắt còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng CEO của Tu Thi Hand Embroidery vẫn sẽ kiên trì với định hướng ban đầu, mục tiêu lâu dài là dùng tình cảm với thêu tay của các nghệ nhân, các thợ thêu, và cả những nhân viên làm ở Tú Thị để truyền cảm hứng tới khách hàng, từ khách hàng mà lan truyền tới cả cộng đồng rộng lớn hơn.

“Nếu không có tình cảm thì đơn giản chỉ là hàng hóa thông thường tiền trao cháo múc. Một bộ áo dài của Tu Thi Hand Embroidery có thể được truyền lại cho con cháu như một gia tài tình cảm mẹ dành cho con gái mà vẫn giữ nguyên giá trị và hợp mốt. Chị cũng mong là sản phẩm của công ty sẽ ra được nước ngoài, nhưng từ chính người Việt Nam mang tới thế giới, không phải gia công cho công ty khác, mà là: Made by Vietnam.” 

Hiện tại, Tu Thi Hand Embroidery đã có cửa hàng thứ hai ở Hội An, và có những kế hoạch phát triển nghề thêu tại chính làng thêu Quất Động. Xã hội phát triển càng nhanh, những giá trị truyền thống dần đi vào lãng quên thì các sản phẩm của Tu Thi Hand Embroidery lại là những món quà mà những người yêu nghề lưu giữ lại cho hồn văn hóa Việt.

Trở về