[Kinh tế châu Á] - Bóng đen đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế các nước châu Á (Phần 1)
Viết:HELLO VIETNAM
Dịch cúm do virus COVID-19 gây ra là thảm họa y tế lớn nhất đang bùng phát trên toàn thế giới hiện nay. Bóng ma của dịch bệnh virus COVID-19 đã quét qua tất cả các châu lục có con người sinh sống trong đó châu Á - nơi bùng phát dịch bệnh, đồng thời cũng được xem là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Khắp châu Á, không khí trên đường phố chưa bao giờ yên ắng đến vậy. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang oằn mình đối phó với cơn bệnh nguy hiểm này. Số ca nhiễm bệnh và số người chết tăng lên hằng ngày tại đây không những là biểu kế cho ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh tới sức khỏe con người mà còn đang là biểu kế cho ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến nền kinh tế các nước châu Á.
Trung Quốc
Tâm chấn của dịch bệnh - Trung Quốc quốc gia chiếm đến 16% nền kinh tế toàn cầu, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Hơn 80.000 ca nhiễm bệnh với hơn 3.000 người chết đến từ Trung Quốc chiếm phần lớn số người nhiễm bệnh và tử vong do virus COVID-19 gây ra trên toàn cầu.
Khảo sát tư nhân gần đây đã cho kết quả hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bị suy giảm trong tháng 2. Chỉ số PMI (Markit Manufacturing Purchasing Managers’ Index) chạm đáy 40.3 trong tháng 2 - thấp nhất kể từ khi chỉ số này được thiết lập vào 2004. PMI dựa trên khảo sát hàng tháng được gửi cho quản lý cấp cao của các công ty lớn trong 19 ngành công nghiệp chính và thường được đo lường theo trọng số đóng góp cho GDP. Giá trị PMI trên 50 phản ánh sự mở rộng của hoạt động sản xuất trong khi đó giá trị dưới 50 phản ánh sự thu hẹp của hoạt động sản xuất. Giá trị PMI của Trung Quốc suy giảm từ mức 51.1 vào tháng 1 xuống mức 40.3 trong tháng 2. Giám đốc kinh tế của CEBM Group Zhengsheng Zhong cho biết rằng cung cầu của kinh tế Trung Quốc đều suy giảm, chuỗi cung hàng trở nên ứ đọng, các đơn hàng đã đặt hàng cũng bị tắt nghẽn. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số PMI của nước này suy giảm trong tháng 2.
Nguồn: CNBC
Kì nghỉ tết âm lịch kéo dài cùng với sự hạn chế di chuyển của con người và vận chuyển hàng hóa của một số chính quyền địa phương Trung Quốc càng làm bối cảnh trở nên thậm tệ. Thêm vào đó, với tình hình dịch bệnh lan rộng tại châu Âu và Hoa Kỳ số lượng các đơn hàng xuất khẩu cũng chứng kiến sự suy giảm khiến cho hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trở nên vô cùng khó khăn.
Sain Fenner, đứng đầu nhóm kinh tế tại Oxford cho rằng thị trường đang dự đoán những con số không khả quan. Tuy nhiên Saint Fenner dự kiến sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong quý 2 - 2020. Trong khi đó nhiều nhà kinh tế khác không đồng suy nghĩ với Sain Fenner. Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc cấp cao của Capital Economics, cho rằng sự suy giảm nghiêm trọng hơn vẻ ngoài.
Điều khả quan là các công ty Trung Quốc được khảo sát đều cho rằng những khó khăn hiện tại đều là ngắn hạn. Chỉ số tự tin của các doanh nghiệp hiện đang tăng lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây theo thống kê từ IHS Markit. Sự lạc quan này được được hỗ trợ bởi những tín hiệu kinh tế tích cực tuần cuối cùng của tháng 2 (chỉ số PMI được đo lường từ ngày 11 - 21 cho tháng 2). Nhận định của nhà đầu tư tăng cao một phần nhờ những động thái của chính phủ Trung Quốc dự kiến một gói hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế.
Cuối tháng 2 và đầu tháng 3 - có những dấu hiệu phục hồi của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Các dự án hạ tầng trong nước cũng bắt đầu được tái khởi động với hy vọng sẽ là đầu cầu thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang hết sức khó khăn.
Mức độ và tầm ảnh hưởng của virus COVID-19 đến nền kinh tế đã vượt xa mức độ của dịch bệnh SARS năm 2003. Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc nên có rất nhiều mục tiêu kinh tế mà quốc gia này mong muốn đạt được trong năm nay trước khi bước qua thập kỉ mới và tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tuy nhiên quốc gia này đang phải cố gắng để cân bằng giữa việc kiềm chế bùng phát dịch bệnh và mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống mức 5.5 % tới 5% trong năm nay. Về chính sách tiền tệ thì Trung Quốc đã ban hành các biện pháp để phục hồi nền kinh tế như giảm mức dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất cho vay cơ sở. Bên cạnh đó việc cắt giảm thuế hay cả tiền thuê đất cho các doanh nghiệp đã được triển khai. Tuy nhiên khác với bối cảnh những kế hoạch kích thích tăng trưởng trước kia, số lượng hạn chế các dự án hạ tầng và chính sách kiềm chế lạm phát giá nhà cửa là rào cản cho chính phủ khi muốn đảm bảo mức tăng trưởng cho nền kinh tế. Bất kì một chính sách tiền tệ thái quá nào của quốc gia này cũng có thể có tác động ngược gây nên bất ổn cho nền kinh tế và cả hệ thống an sinh xã hội.