Điều gì khiến hashtag "Apologize to Vietnam" dậy sóng?
Viết:Hello Vietnam
Bắt đầu từ tối ngày 25/02/2020, cư dân mạng Việt Nam dậy sóng với hashtag “Apologize to Vietnam” tại mạng xã hội Twitter.
Tổng số bài trên Twitter: 826.9K tweets đứng 6 top hashtags nhiều nhất trong 24 giờ tính đến thời điểm hiện tại.
Đứng thứ 49 lượt xem trong 8 giờ trước (26/02/2020) tương đương 474.700 bài viết.
Đạt ranking lớn thứ 2 trong 13 giờ trước.
Được xem (view) tại 4 quốc gia khác nhau (Cụ thể Vietnam, Puerto Rico, Canada, The US.)
Lý do gì khiến “Apologize to Vietnam” đạt độ nóng như vậy tại Twitter? Hãy cùng Hello Vietnam tìm hiểu một vài thông tin về sự việc này!
Trưa ngày 24/2 sau khi nhập cảnh Đà Nẵng, đoàn 20 du khách Hàn Quốc đến TP. Đà Nẵng từ TP. Deagu - tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc được đưa thẳng đến khu vực cách ly Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Sau khi được biết tin phải cách ly 14 ngày theo quy trình giám sát của Việt Nam, đoàn du khách đã tỏ ra không đồng ý khi được yêu cầu theo dõi sức khỏe, và muốn được về khách sạn. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, khảo sát địa điểm, ngành y tế từ chối phương án này vì không đảm bảo an toàn chống dịch. Sau cuối cùng phương án được chọn là vận chuyển trở lại Hàn Quốc. Chuyến bay đưa 18 du khách Hàn Quốc về nước đã được khởi hành ngay trong đêm 25/2.
Những ngày gần đây, Daegu đã trở thành một từ khóa nhận được lượng theo dõi đặc biệt từ cộng đồng thế giới.
Tại Daegu, nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) bị xem như là nơi xuất phát việc lây bệnh với 60% ca bị nhiễm. Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 61 tuổi, bị sốt ngày 10/2, nhưng bà đã tham dự ít ra là 4 thánh lễ trước khi phát hiện việc bị nhiễm virus.
Hai “ổ dịch” lớn nhất hiện tại ở Hàn Quốc là Daegu, nơi có nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa cùng nữ bệnh nhân “siêu lây nhiễm” và Bệnh viện Daenam ở Cheongdo. Số ca nhiễm ở hai nơi này tăng nhanh đáng kể, chiếm khoảng 3/4 tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc.
Tân Thiên Địa nói rằng họ nay đã đóng chi nhánh ở Daegu và việc hành lễ sẽ được tổ chức online hoặc tại từng gia đình. Tính đến ngày 21/2, hơn 400 thành viên giáo phái này có biểu hiện bệnh dịch, tuy công tác xét nghiệm vẫn đang diễn ra.
Deagu là thành phố trực thuộc trung ương lớn thứ tư của Hàn Quốc sau Seoul, Busan và Incheon. Daegu là một thành phố công nghiệp sản xuất. Các ngành kinh tế chính của Daegu là công nghiệp dệt may, luyện kim và chế tạo máy. Nhiều công ty như Ngân hàng Daegu, Hàn Quốc Delphi, Hwasung corp và TaeguTec … được đặt tại thành phố này.
Gyeongsangbuk-do là một tỉnh ở phía Đông của Hàn Quốc, Samsung và Kolon cũng được thành lập tại đây. Daegu là thành phố trực thuộc Trung ương, không thuộc tỉnh về mặt hành chính nhưng nằm trong tỉnh về mặt địa lý. Tỉnh Gyeongsangbuk-do là tỉnh kết nghĩa với thành phố Thái Nguyên của Việt Nam.
Sau sự việc mất kiểm soát tình hình dịch bệnh CoVid-19, các thành phố miền Nam Daegu và Cheongdo bị tuyên bố là “vùng chăm sóc đặc biệt”. Đường phố tại Daegu nay hầu như hoang vắng.
Toàn bộ các căn cứ quân sự được phong tỏa sau khi có ba quân nhân có kết quả dương tính với virus.
Theo nhà chức trách Hàn Quốc, hiện mới có 11.600 người được xét nghiệm và bị cách ly. Với số ca lây nhiễm gần 900, Hàn Quốc đang trở nên ổ dịch lớn thứ hai ngoài Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia cảnh giác cao đối với người đến từ nước này.
Sau khi không thể thuyết phục các du khách Hàn Quốc thực hiện cách ly tại bệnh viện, thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định đưa 18 du khách trở về Hàn Quốc, và khi trở về Hàn Quốc, các hành khách đã có những cuộc trả lời phỏng vấn về việc không được tiếp đón tại Việt Nam cùng với những thông tin không thực sự chính xác. Sự việc này khiến cư dân mạng Hàn Quốc phẫn nộ và có nhiều động thái, bình luận tiêu cực tại Twitter.
Điều này khiến cư dân mạng Việt Nam đăng một lượng tweets lớn nhằm đưa thêm thông tin sự việc và mong muốn sự thật được đưa về đúng vị trí.
Trong những năm gần đây, Việt Nam có những chính sách mở cửa và thu hút du lịch, đặc biệt Đà Nẵng là một thành phố du lịch trọng điểm. Đà Nẵng - thành phố có biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng với những món ngon nổi tiếng khắp thế giới đã từng lọt vào top 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas bình chọn và Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á do độc giả Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn.
Thành phố nằm ở vị trí trung tâm của con đường Di Sản miền trung từ Quảng Bình Đến Quảng Nam với các danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới như Phong Nha Kẻ Bàng, Cố Đô Huế, Phố Cổ Hội An và Tháp Chàm Mỹ Sơn. Đà Nẵng nổi tiếng với các sự kiện như Lễ hội Pháo Hoa Quốc tế DIFF và các địa điểm du lịch như quần thể du lịch Làng Pháp và Vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh CoVid-19 đã bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì công tác phòng chống dịch là việc được ưu tiên hàng đầu không chỉ ở Đà Nẵng, mà ở khắp Việt Nam. Bởi vậy, trước việc không chấp nhận cách ly của du khách đến từ vùng dịch, chính quyền địa phương đã lựa chọn biện pháp cứng rắn là đưa du khách trở về Hàn Quốc.
Trước hành động này của thành phố Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã phản hồi: “Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ hành động của Việt Nam vì nó được tiến hành mà không có sự tham vấn trước với Seoul, đồng thời kêu gọi hợp tác để tránh các biện pháp quá mức hoặc phi lý với công dân Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, từ phía Việt Nam - sự việc này không chỉ nhận được sự chấp thuận của Chính phủ mà còn nhận được sự đồng thuận của người dân.
Đối với tất cả các du khách đến từ vùng dịch đều phải tiếp nhận cách ly:
Người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Người Việt Nam đến từ hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh, thành phố.
Đây không phải là sự kỳ thị dân tộc, quốc gia mà là động thái cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng có những chỉ thị nghiêm ngặt như vậy.
Bắt đầu từ ngày 24/2, chính quyền Israel cấm nhập cảnh tất cả các công dân nước ngoài đã quá cảnh hoặc cư trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong vòng 14 ngày do lo ngại tình trạng lan rộng của CoVid-19. Trước đó Israel đã ban hành quyết định tương tự đối với các nước China, Hong Kong, Macau, Thailand and Singapore. Một máy bay của hãng hàng không của Hàn Quốc thậm chí bị yêu cầu quay lại Hàn Quốc sau khi hạ cánh tại sân bay Ben Gurion vào ngày 22/2, Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ với Israel đối với sự kiện này.
Tuy nhiên, trước sự ảnh hưởng sâu sắc trong 20 năm gần đây của làn sóng Hallyu vào Việt Nam thì - “Apologize to Vietnam” của cư dân mạng, đặc biệt là cộng đồng fan Kpop thì đây là một phản ứng mang tính bất ngờ.
Làn sóng Hallyu Hàn Quốc, hay nói cách khác đối với những bạn là fan Kpop thì thuật ngữ này đã quá quen thuộc. Từ nửa cuối thập niên 2000, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng hâm mộ trên toàn châu Á, trong đó có Việt Nam.
Từ năm 2000, khái niệm Hallyu mới dần được biết tới ở Việt Nam qua “bom tấn” truyền hình Trái tim mùa thu và sau đó là Giày thủy tinh, Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum. Trong thời hoàng kim này, phim Hàn phủ sóng mạnh mẽ tới nỗi mỗi khi nhắc tới nó là người ta có thể hình dung đến “nước mắt, ung thư hoặc tai nạn và mất trí” cùng những thước phim lãng mạn.
Không chỉ điện ảnh, âm nhạc Hàn Quốc cũng tiếp cận đến Việt Nam nhanh chóng. Đây được xem là mũi nhọn cho ngành công nghiệp giải trí của xứ sở Kimchi. Những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc như: SM Entertainment, JYP, YG… đã rất nỗ lực trong việc xây dựng những thần tượng âm nhạc hoàn hảo trong mắt giới trẻ. Ngoại hình bắt mắt, khả năng vũ đạo tuyệt vời, âm nhạc không kén chọn người nghe… tất cả những yếu tố đó đã giúp nền âm nhạc Hàn Quốc thực sự ảnh hưởng sâu rộng trong giới trẻ Việt.
Bởi sự truyền thông văn hóa hiệu quả của Hàn Quốc, đất nước này đã trở thành điểm đến mong ước của nhiều bạn trẻ Việt.
Các sản phẩm mỹ phẩm, công nghệ của Hàn Quốc được đông đảo người dân Việt Nam đón nhận.
Tất cả các yếu tố về văn hóa, giải trí, ẩm thực, làn sóng Hallyu đã tác động trực tiếp đến ước mơ du học Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam. Chẳng khó để nhận ra mong muốn sang Hàn để trải nghiệm văn hóa để sống dưới một đất nước xinh đẹp, bình yên đến khao khát như trên phim ảnh. Sự ảnh hưởng của Kpop còn khiến các bạn trẻ khao khát được một lần gặp mặt thần tượng tại Hàn Quốc. Phải nói rằng nền công nghiệp giải trí, truyền thông đã góp phần quảng bá và giới thiệu Hàn Quốc đến toàn thế giới một cách không thể tốt hơn.
Đặc biệt, từ năm 2018 huấn luyện viên Park Hang Seo đến Việt Nam làm việc và tạo ra những bước tiến lớn trong nền bóng đá Việt Nam thì thiện cảm của cư dân Việt Nam dành cho Hàn Quốc lại càng tăng thêm.
Tuy nhiên, chỉ vẻn vẹn 2 ngày từ khi 20 du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, không chấp nhận cách ly tại bệnh viện, đưa ra những yêu cầu vô lý về điều kiện cách ly và những tin tức thiếu trung thực được đưa trên truyền hình Hàn Quốc đã khiến một trào lưu mới được dậy sóng.
Sau khi được đăng tải lại trên kênh YouTube chính thức của YTN News, video này tiếp tục thu hút gần 100.000 lượt xem chỉ trong ít giờ. Thông tin được đơn vị truyền thông xứ kim chi đưa ra nhận được gần 300 lượt “like” còn lượt “dislike” lại chiếm số lượng áp đảo với hơn 15.000. Bên dưới bản tin là hơn 5.000 bình luận đến từ dân mạng Hàn Quốc, Việt Nam. Bản tin cũng trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên Naver cùng nhiều trang mạng xã hội xứ Hàn.
Một số người Hàn Quốc bày tỏ sự khó chịu khi theo dõi bản tin: “Chuyện này đáng bị lên án toàn thế giới”, “Người Hàn Quốc giờ bị đối xử quá tệ ở nước ngoài rồi”, “Chúng ta có nên tẩy chay Đà Nẵng không? Nếu sau khi hết dịch, người Hàn không đến Đà Nẵng nữa thì kinh tế của thành phố này chắc chắn sẽ bị giáng một cú nặng nề”, “Như mọi người đã thấy trong bản tin, môi trường vật chất ở đây thật nghèo nàn”.
Nhiều người Việt bức xúc cho rằng việc các hành khách đến từ tâm dịch phải tuân thủ quy định cách ly của Việt Nam là điều tất nhiên, nhưng 20 người Hàn đó lại có thái độ chống đối và không hợp tác. Trong khi đó, bữa cơm mà thành phố Đà Nẵng chuẩn bị cho họ được cho là có giá lên đến gần 200.000 VND/suất, hơn rất nhiều lần so với một bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Ngoài ra, Vnet còn khẳng định "vài mẩu bánh mì" được 20 hành khách đề cập đến thực tế lại là những ổ bánh mì kẹp thịt rất đầy đặn - món ăn quen thuộc của người Việt và đã được bạn bè quốc tế công nhận là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Đa phần du khách nước ngoài khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, đều nói đến Phở và Bánh Mỳ là hai món ăn tiêu biểu, trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới Miss Universe năm 2019, hoa hậu H’Hennie đã trình bày quốc phục bánh mỳ với mong muốn giới thiệu về món ăn mang tinh hoa ẩm thực Việt - Pháp này.
Quá bức xúc trước tình huống này, cộng đồng fan Kpop Việt đã có một động thái chưa từng có, toàn thể fandom Kpop tại Việt Nam đã có một đêm không ngủ khi cùng các hashtag đòi công bằng cho đất nước, với những nội dung như: #ApologizeToVietNam (xin lỗi Việt Nam), #KoreansStopLying (Hàn Quốc ngừng nói dối), #Koreans_apologize_to_VietnameseGovernment (Hàn Quốc xin lỗi chính phủ Việt Nam), #20KoreansStopLying (20 hành khách Hàn Quốc ngừng nói dối), #Vietnamdidwell (Việt Nam đã làm rất tốt),...
Theo con số thống kê từ Cục Du lịch, trong tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chạm ngưỡng kỷ lục với khoảng 1,9 triệu lượt, tăng 16,6% so với tháng 12/2019 và 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn (23,5%) với 468.000 lượt, tăng 20,4%. Được biết, khách đến từ xứ kim chi là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau duy nhất Trung Quốc. Trong năm 2019, khách Hàn Quốc tới Việt Nam đạt gần 4,3 triệu lượt, đứng ở vị trí thứ 2, sau Trung Quốc (5,8 triệu lượt).
Và Đã Nẵng và Hội An (Quảng Nam) là 2 điểm đến số một của du khách xứ Kimchi khi đến Việt Nam. Số liệu từ Hotelscombine, công cụ tìm kiếm đặt chỗ khách sạn, cho thấy Đà Nẵng là điểm được nhiều du khách Hàn Quốc ghé thăm nhất năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hàn Quốc đang diễn biến phức tạp khiến chính phủ nước này phải nâng mức cảnh báo lên cấp độ cao nhất và song song đó chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra một số biện pháp về việc xuất nhập cảnh đã làm ảnh hưởng không ít đến thị trường du lịch trong nước.
Phản ứng từ cư dân mạng Việt Nam được định danh là hành động “trẻ trâu”, “té nước theo mưa” nhưng từ một góc độ khác, điều này cho thấy sự trưởng thành trong nhận thức trước việc thần tượng những giá trị không thực hay tuân thủ theo chính sách của Nhà nước trong việc đồng lòng phòng chống dịch bệnh. Đó không phải là sự kỳ thị sắc tộc mà là sự ý thức về việc mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Đây là kết quả của công tác tuyên truyền mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt từ khi dịch bệnh xảy ra.
Và trước những sự việc #ApologizetoVietnam đang diễn ra, điều cộng đồng mạng Việt Nam mong muốn không phải một lời xin lỗi đến từ Hàn Quốc, mà là sự khẳng định: Chúng tôi không lựa chọn im lặng, chúng tôi chỉ nói những điều đang xảy ra - Đúng hay Sai, không chỉ là phát ngôn từ một phía có thể phán xét.
Bởi, chúng ta không thể biết diễn tiến dịch bệnh sẽ như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là, nếu công tác phòng dịch tốt, thì công tác chống dịch sẽ càng hiệu quả hơn nhiều.../.