Nét độc đáo của chợ nổi Cái Răng
Viết:NGUYỄN HÀ
Người đi chợ nổi Cái Răng
Sớm mai còn khuyết mảnh trăng hạ tuần
Thuyền ghe ngang dọc quây quần
Trăm quê bẹo dựng cột phần nhấp nhô.
( trích thơ”Chợ nổi cái răng” của Nguyễn Đình Xuân)
Đến với miền Tây sông nước thì chắc hẳn bạn phải ghé đến chợ nổi Cái Răng bởi nét độc đáo chỉ có ở nơi đây.
Chợ nổi Cái Răng xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX. Là ngôi chợ nổi tiếng và lâu đời nhất ở Cần Thơ. Chợ nằm trên trục đường thủy của sông Cần Thơ nên ở đây rất thuận tiện cho việc buôn bán. Cái tên “Cái Răng” được bắt nguồn từ tiếng Khmer. “Karan” trong tiếng người Khmer ở đây là “Ông Táo”. Người Khmer ở An Giang có truyền thống làm nồi đất và “Karan”, họ chất đầy ghe rồi thả trôi sông đến chợ nổi để bán từ năm này qua năm nọ nên lâu dần họ “Việt hóa” từ “Karan” là “Cái Răng” như ngày nay.
Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 2016 và top 10 chợ đặc biệt nhất trên thế giới do tạp chí Rough Guide của Anh bình chọn, chợ nổi Cái Răng luôn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Chợ được họp trên mặt sông và phương tiện để di chuyển bằng ghe để chúng ta có thể đi khắp nơi này. Chợ được họp vào khoảng 3 giờ sáng, lúc này không khí đã nhộn nhịp và sôi động trong màn sương đêm xuống. Thời điểm này, tất cả các ghe xuồng từ khắp nơi đổ về. Mỗi ngày, nơi này thu hút từ 300-400 ghe đến hội tụ. Với mặt sông thoáng, chiều ngang sông trung bình từ 100-120m, chiều dọc sông từ 1300m-1500m, đây là vị trí cực kỳ thuận lợi cho việc buôn bán tụ họp. Đến với nơi đây, mọi mặt hàng hầu như đều đầy đủ như bao chợ trên đất liền khác. Mặt hàng nhiều nhất có thể kể đến là trái cây, vì với người miền Tây, trái cây là nguồn thu nhập chính cho đa số người dân nơi đây. Mỗi chiếc xuồng ghe đều có cây bẹo, người ta bán cái gì thì sẽ treo lên đó để thông báo cho mọi người biết. Nếu một xuồng bán khoai thì người ta sẽ treo lên vài củ khoai lên đó, nếu là xoài thì họ sẽ treo xoài. Và đa số mỗi xuồng họ sẽ chỉ bán một lại duy nhất. Đó là hình thức chào hàng cực kỳ đặc biệt của ngôi chợ này.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy trên cây bẹo có treo áo quần thì không hẳn họ bán áo quần đâu nhé! Bởi vì vốn người dân sống bằng nghề nông hoặc bằng sông nước. Nên xuồng ghe chính là ngôi nhà di động của họ. Họ sẽ ở đây sinh hoạt quanh năm như nhà của mình.
Đến với ngôi chợ, ngoài việc tham quan thì hãy để cho mình một cái bụng đói để có thể thưởng thức được tất cả các món ăn đặc sản nơi đây. Việc lênh đênh trên con thuyền, dập dìu qua lại, cầm trên tay tô bún riêu với vị mắm tôm đặc trưng cùng vị cay nồng của ớt hay một tô hủ tiếu với đầy đủ chả, thịt kèm rau, giá nóng hổi bạn sẽ bớt đi cái se lạnh của sáng sớm. Hay là cầm gọi ngay một mẹt bánh cống, thứ đặc sản chỉ có nơi đây với đầy đủ hương vị của đất trời từ vị ngọt của thịt, vị bùi của đỗ xanh, vị chua của chanh và vị tươi mát của rau quả. Tất cả mọi thứ đều hòa quyện vào nhau tạo nên nét ẩm thực độc đáo nơi đây.
Nếu bụng đã no say thì đừng quên ghé một vài ghe khác để mua một ít quà cho người thân. Đến nơi đây vào mùa trái cây thì hãy mua nó về, đủ loại cho bạn có thể lựa chọn: măng cụt, sầu riêng,.. là những thứ nổi tiếng nơi đây. Hay cũng có thể mua một ít các loại mắm cá, hay đồ khô các đem về. Mọi thứ ở đây đều lấy làm đặc biệt khi nó ở một vùng đất khác.
Mọi thứ ở đây đều lưu giữ được nét nguyên sơ của nó ngay từ ban đầu. Khác xa với cuộc sống hiện đại, việc mua hàng trực tuyến chỉ bằng điện thoại thì nơi đây chính nét độc đáo ấy đã trở nên đặc biệt trong mắt của những người tham quan. Và người miền Tây cũng vậy, họ chân chất, thật thà, cuộc sống gắn với những con sông, rạch là không thể thiếu. Đối với họ, đó là nguồn sinh sống, nuôi lớn biết bao con người nơi đây. Việc giữ gìn và phát huy chợ nổi Cái Răng chính là nhiệm vụ mà mỗi thế hệ đều phải biết lưu giữ cho mai sau.