Cafe Việt - Dư vị của cuộc sống và xúc cảm
Viết:Polin Le
Bất kỳ ai đến Việt Nam, ắt hẳn sẽ dần cảm thấy quen thuộc với hình ảnh người dân Việt ngồi uống cafe sáng mỗi ngày. Cafe không chỉ là một thứ thức uống đầy mê đắm mà còn là thói quen và văn hóa người Việt. Cafe có mặt trên khắp thế giới, nhưng cafe Việt có cái nét đặc trưng riêng mà khó có một nơi nào tái hiện được.
Người Việt xem thói quen uống cafe như một cách giản đơn để bắt đầu ngày mới. Hầu hết các quán cafe ở Việt Nam đều mở cửa khá sớm. Nhất là các quán cafe cóc, cafe vỉa hè, họ thường mở cửa vào tầm 6 giờ sáng. Những năm gần đây, nhiều chuỗi cafe thương hiệu lớn mọc lên, các thương hiệu cafe từ nước ngoài cũng du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên, bên cạnh các quán cafe mang hơi hướng phổ biến quốc tế thì những quán cafe vỉa hè, cafe cóc hay cafe mang phong cách đặc trưng Việt Nam vẫn không hề bị mất đi chỗ đứng của mình.
Tôi từng gặp nhiều người Việt xa xứ. Họ thường nói với tôi rằng, họ nhớ đến quay quắt những lần ngồi uống cafe trên quán cafe vỉa hè quen thuộc. Cafe vỉa hè thường phục vụ cho các khách hàng quen thuộc ở một khu vực nào đó, vì thế mà khách và chủ thân thuộc với nhau như người nhà. Họ chào nhau, cười vui với nhau mỗi ngày mới và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Quán cafe vỉa hè vô cùng đơn giản, thường chỉ có vài bộ bàn ghế thấp bằng gỗ hoặc bằng nhựa đặt gần nhau. Khu vực pha chế có khi trong nhà, có khi là một xe đẩy nhỏ ngay vỉa hè. Thực đơn của cafe vỉa hè cũng giản dị với vài món cafe cơ bản như cafe đen, cafe sữa, bạc sỉu...
Cafe vỉa hè thường sử dụng cafe rang xay thủ công. Tùy vào từng quán mà loại cafe và vị cafe hầu như đều có sự khác biệt nhất định. Chính nhờ sự khác biệt trong mùi vị mà tạo nên cái hấp dẫn, níu chân khách hàng.
Cafe rang xay thủ công của Việt Nam thường được gia giảm thêm một số loại hạt khác để tăng mùi vị và cũng là để giảm bớt giá thành. Tôi không nghĩ rằng, cafe trộn bắp rang hoặc đậu rang của người Việt là một hình thức lừa dối khách hàng. Mặc dù việc lạm dụng các loại hạt không phải cafe để trộn vào quá nhiều là một việc đáng lên án. Song, phải thừa nhận rằng, nếu gia giảm đúng lượng, đúng cách thì sẽ tạo nên một hương vị cafe rất thơm ngon, đậm đà.
Người Việt quen uống cafe pha đậm. Cafe pha sánh đặc, đen tuyền óng ánh, dư vị cafe sau khi uống vẫn còn vương mãi trên đầu lưỡi vị đắng mê hoặc. Người Việt pha cafe bằng nhiều dụng cụ khác nhau mà từ đó đã tạo nên rất nhiều loại cafe đặc trưng nổi tiếng khắp thế giới. Cafe vỉa hè nổi tiếng có món cafe vợt và cafe phin. Nghe thật lạ lùng, cafe vợt được nấu trong nồi hoặc ấm sành trên bếp than, dùng một cái vợt vải để chứa cafe. Khi cafe đủ độ sôi, người bán nhấc chiếc vợt cafe ra khỏi nồi, dòng cafe đen sánh đậm chảy xuống nồi nấu thơm nồng nàn cả một góc khu phố. Cafe phin lại càng phổ biến hơn. Cafe được cho vào chiếc phin bằng nhôm hoặc inox, nén chặt bằng tấm chặn có đục lỗ để hơi nước và nước dễ dàng luân chuyển, len lỏi vào từng hạt cafe. Khi đã ngấm đủ nước sôi, hạt cafe nở ra, hòa quyện vào với nước rồi qua những lỗ nhỏ dưới đáy phin, giọt từng giọt cafe đậm đà xuống cốc.
Khách đến quán cứ tự nhiên chọn một chỗ ngồi, sảng khoái yên vị rồi hướng về chủ quán, gọi: "Cho một ly đen đá/nâu đá/nâu nóng...nhé!" Vài phút sau, ly cafe như mong đợi sẽ được mang ra. Chỉ vậy thôi là đã đủ cho cả một ngày dài.
Cafe tựa như một bức tranh của cảm xúc với vô số gam màu. Cafe đen đắng đậm, nhấm nháp từng chút cafe đen, nghe dư vị đắng cứ vấn vương trong miệng, ngồi ngắm phố phường từ lâu đã trở thành thói quen khó bỏ của đại đa số người Việt Nam. Cafe sữa là trung hòa của ngọt ngào lẫn đắng ngắt. Thứ vị mà một khi tan ra trên đầu lưỡi, người ta sẽ khó có thể quên được. Nồng nàn, thanh thanh và thơm dịu dàng. Cafe trứng ngậy béo, bọt cafe mịn êm như kem, nâng niu cảm xúc và tựa như một lời vỗ về đầy dịu dàng.
Người Việt ít khi gọi hẳn hoi tên một loại cafe, họ thường gọi tắt và ai ai cũng ngầm hiểu được chính xác món cafe ấy là gì. Đơn cử như, người Việt thường gọi cafe đen pha cùng với sữa đặc là nâu. Vào quán cafe, nếu bạn nghe ai đó gọi một ly "nâu đá", thì nghĩa là họ muốn một ly cafe đen pha sữa đặc, cho thêm đá viên. Hoặc cafe trứng- loại cafe đen nóng được đánh với lòng đỏ trứng thơm phức béo ngậy sẽ thường được khách quen gọi giản đơn là "Ly trứng nóng".
Qua những giờ cafe buổi sáng, người Việt ngồi lại với nhau, thủ thỉ cho nhau nghe những dự định trong cuộc sống, họ chia sẻ với nhau tâm tư vui buồn. Có đôi khi, ai đó cần được lắng nghe, cần tâm sự, hay đơn giản chỉ là muốn nhìn ngắm phố phường, họ chỉ cần nhấc điện thoại, gọi cho một người bạn hoặc một người thân, nhắn rủ: "Cafe không?" là đã đủ cho một cuộc hẹn đầy thi vị bên cốc cafe nồng nàn.