Cơn lốc trà sữa ở Việt Nam: Chờ đợi một sự bùng nổ tiếp theo


Theo số liệu thống kê từ Marketing AI cho biết trà sữa là loại đồ uống phổ biến và ưa thích của giới trẻ, nhất là nữ giới trong độ tuổi 15-35 với độ phổ biến lên đến 73% khi được hỏi và kể tên được ít nhất 4,5 thương hiệu trà sữa khác nhau. 91/100 bạn trẻ được hỏi cho biết đã từng uống trà sữa và trên 25% nói uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Cũng theo nguồn số liệu này, thì trà sữa là đồ uống xếp thứ hai sau các loại thức uống đá xay ở thị trường Việt Nam. Theo báo cáo của một trang web nước ngoài (Euromonitor) thì thị trường trà sữa Việt Nam vào năm 2016 đạt xếp xỉ 300 triệu USD và sẽ còn tăng dù sự cạnh tranh ngày một dữ dội hơn đến từ các thương hiệu trà sữa cùng các đối thủ bên ngoài.

Lý giải cho việc trà sữa phổ biến ở Việt Nam là ngoài các hương vị truyền thống đặc trưng, thì các hãng trà sữa liên tục đưa ra nhiều kiểu kết hợp mới nhằm thu hút giới trẻ như vị trái cây, trà xanh, kem tươi, cà phê cùng cả chục loại trân châu làm tăng cảm giác trải nghiệm của người uống. 

Vào thời điểm 2013 - 2014 là lúc bắt đầu bùng nổ cơn sốt trà sữa thì các thương hiệu tên tuổi có thể đếm trên đầu ngón tay như Dingtea, Feelingtea, Chatime; đến hiện tại có không dưới 30 thương hiệu với hình thức nhượng quyền từ Đài Loan, Hong Kong đang cạnh tranh quyết liệt với quán trà sữa “made in” Việt Nam như Phúc Long, Tocotoco, Uncle tea… 

Hiện tại, sự lên ngôi hay thoái trào của các thương hiệu phụ thuộc vào độ hot của đồ uống mới sẽ mang đến vương miện cho thương hiệu đó. Tùy từng thời điểm, lúc thì Dingtea, Phúc Long rồi đến các thương hiệu mới đổ bộ vào thị trường Việt Nam vào thời gian gần đây như KOI The’, The Alley ở Sài Gòn, Gongcha, Royaltea ở Hà Nội lần lượt tạo nên những cơn sốt và trào lưu trà sữa ở Việt Nam. Đỉnh điểm là vào năm 2016 và 2017, trà sữa luôn là sự lựa chọn hàng đầu với các bạn trẻ trong độ tuổi 15 tới 22.

Trước sức mạnh tạo hit đến từ trà sữa thì cả người tiêu dùng lẫn các cá nhân, công ty kinh doanh đều được hưởng lợi. Một bên tràn ngập trong cả trăm lựa chọn vị trà sữa yêu thích, bên còn lại nhận thấy những cơ hội có được doanh thu khổng lồ do trà sữa đem lại. Hà Nội, Sài Gòn cùng Đà Nẵng là những thị trường lớn mà các thương hiệu trà sữa nhắm đến trong lúc cơn bão bắt đầu bùng nổ. Còn bây giờ, thật khó để tìm ra một tỉnh nào ở Việt Nam không có vài quán trà sữa cả. Thậm chí trên chùa Hương lẫn Yên Tử đểu có sự xuất hiện của Dingtea và Royaltea. Với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu trà sữa thì người thắng trong trận chiến này chính là người tiêu dùng. Còn lợi nhuận là ít hay nhiều, sẽ phải tạo hit hay tồn tại khi thị trường đã bão hoà thì đấy là chính là những câu hỏi dành cho các doanh nghiệp kinh doanh trà sữa ở Việt Nam.

Hiện tại thị trường trà sữa đang có dấu hiệu im ắng hơn, nhất là ở Hà Nội. Những trào lưu hay cơn sốt đã đi qua, một vài thương hiệu đang chứng kiến doanh thu giảm rõ rệt nhưng vẫn có những cái tên vẫn sống khoẻ khi cơn lốc trà sữa qua đi. Mức giá cùng vị trí là hai thứ mà người tiêu dùng quan tâm khi tìm đến trà sữa. Ở Hà Nội hay Sài Gòn đều có những phố trà sữa như Nguyễn Hữu Huân, Phạm Ngọc Thạch, Bà Triệu hay trung tâm Quận 1 vào thời điểm hot luôn chật cứng giới trẻ đến ngồi uống hay mang đi. Giá một ly trà sữa rẻ nhất trên dưới 20.000 đồng, nhưng có những ly của các thương hiệu cao cấp thì xấp xỉ cả trăm nghìn đồng. Người dùng có thể vui lòng thử 1, 2 lần mỗi khi trà sữa của thương hiệu nào đó đang nổi lên một món đồ uống mới. Nhưng để có thể duy trì thói quen hàng ngày và lúc cơn sốt tan biến thì giá cả nhất định là yếu tố số 1. 

Bạn Ngọc, 22 tuổi sống ở Hà Nội cho biết không một thương hiệu trà sữa nào mà mình chưa từng uống, nhưng để có thể hàng tuần thưởng thức thì Ngọc luôn tìm đến Feelingtea vì giá rất phải chăng, gần nhà và có không gian cũng tương đối ổn. Gongcha, Royaltea hay The Alley thay nhau lần lượt tạo nên cơn sốt đi kèm với cái giá trên dưới 60-70.000 đồng cốc lớn. Đối với đối tượng người mua chính vẫn trong độ tuổi học sinh, sinh viên thì việc duy trì ủng hộ thương hiệu yêu thích là việc không hề đơn giản. Có những thương hiệu hàng tuần đưa ra hình thức khuyến mại Mua 1 tặng 1, đồng giá hay tích điểm đổi đồ uống nhằm thu hút người dùng. Theo một chủ cửa hàng kinh doanh ở Lê Đại Hành cho biết, có lẽ những cơn sốt tiếp theo sẽ đến khi có sự dịch chuyển của các thương hiệu trà sữa mới chưa có mặt ở Hà Nội như Phúc Long hay Koi The’ hoặc từ thị trường nước ngoài đổ bộ vào mà khó có thể đến từ các thương hiệu đang có nữa. Việc giảm giá trà sữa để cạnh tranh với các thương hiệu bình dân cũng không khả thi vì như thế sẽ không đảm bảo được chất lượng, hình ảnh thương hiệu trong mắt người dùng về mặt lâu dài. Ngoài ra việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới ngoài trà sữa như trà hoa quả, trà sữa kem tươi bổ sung vào menu của thương hiệu cũng là việc sẽ tạo ra cơn sốt trong tương lai.

Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng trà sữa với nhau thì việc các chuỗi cà phê truyền thống ở Hà Nội lẫn Sài Gòn đều âm thầm hay công khai điền tên trà sữa lên bảng menu. Các chuỗi cà phê này có những lợi thế riêng như đều thâu tóm nhiều vị trí đẹp, tiện lợi và giá cả cạnh tranh hứa.Có thể chất lượng không đồng đều hay không hẳn là vị trà sữa nhưng trước lợi nhuận của trà sữa đem lại thì càng khiến việc kinh doanh mỗi lúc quyết liệt hơn nữa.

Thị trường trà sữa Việt Nam luôn ưa thích sự mới mẻ và trào lưu mới, không quan trọng đó là thương hiệu trong hay ngoài nước. Trong thời gian tới, có thể cơn sốt bùng nổ tiếp theo đến từ thương hiệu nào đem tới thị trường một đồ uống mới đi kèm một mức giá phổ thông, vị trí tiện lợi và không gian đẹp. Rất khó để đoán được ai sẽ cầm cờ đi đầu trong những tháng cuối và đầu năm 2019. Lợi thế để phất cờ của những tên tuổi lớn với cả trăm cửa hàng lẫn những cái tên khiêm tốn hơn, quy mô nhỏ hơn là bằng nhau.

Trở về