Đám cưới Việt xưa và nay


Nói đến đám cưới, người ta nghĩ ngay đó là khi hai người lấy nhau, họ sẽ làm một buổi lễ để thông báo với anh em, bạn bè làng xóm. Trong tư tưởng và phong tục tập quán của người Việt, lễ cưới là một trong những nghi thức quan trọng, đó là khởi đầu cuộc sống hôn nhân, như sự ràng buộc của hai người kết đôi nên duyên vợ chồng.

Trải qua nhiều thập kỷ, người Việt ta vẫn giữ được phong tục cưới hỏi ở khắp mọi miền. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, phương thức tổ chức đám cưới cũng khác xưa rất nhiều. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu phong tục đám cưới xưa và nay để thấy được sự khác biệt trong cách tổ chức lễ cưới.

Quan niệm đám cưới và nghi lễ cưới xin của người Việt

“Dựng nhà, tậu trâu, cưới vợ.”

Từ cổ chí kim, cưới xin được coi là một trong ba việc lớn của đời người bên cạnh gây dựng sự nghiệp và xây dựng nhà cửa. Đám cưới được tổ chức khi được sự tác hợp và đồng ý của hai bên gia đình khi người con trai và con gái xác định tiến tới hôn nhân. Họ lấy nhau, họ sống chung và sinh con đẻ cái với nhau cùng xây dựng nên một gia đình.

Các nghi lễ trong đám cưới chính là bản sắc văn hóa rất riêng của người Việt, dù mỗi địa phương, mỗi vùng miền và mỗi thời đại đều có sự khác biệt với nhau.

Sự khác biệt trong văn hóa cưới hỏi xưa và nay

Quan niệm về lễ cưới

 Nếu ngày xưa trước khi tiến đến hôn nhân, cô dâu và chú rể phải được sự đồng ý của hai bên gia đình và nhất là phải môn đăng hộ đối. Lễ cưới là sự tuyên bố với gia đình và làng xóm rằng hai người đã chính thức nên duyên vợ chồng, và nhiều người cho rằng đám cưới còn quan trọng hơn cả giấy chứng hôn.

Ở thời hiện đại mọi thứ có vẻ phóng khoáng hơn. Đôi lứa tìm hiểu và yêu nhau, cảm thấy hợp nhau sẽ tiến đến hôn nhân. Thậm chí bất chấp cả sự phản đối của gia đình, sự chênh lệch về tuổi tác. Và có cả những cặp đôi chỉ đăng ký kết hôn mà không cần tổ chức lễ cưới. Họ cho rằng, hôn lễ chỉ là hình thức và miễn sao được pháp luật công nhận.

Nghi thức cưới hỏi

Lễ cưới của người Việt xưa có phần rườm rà nhiều thủ tục, bao gồm 6 lễ chính: Lễ nạp tài, lễ vấn danh; Lễ nạp cát; Lễ nạp tệ (hay nạp trưng); Lễ thỉnh kỳ và sau cùng là Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới).

Còn ngày nay, các nghi lễ đã được lược bớt để phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn. Hiện nay chỉ còn 5 lễ chính là dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu, lại mặt.

Trang phục cưới và ảnh cưới

Theo truyền thống cô dâu thường mặc áo mớ ba bên trong có áo màu rực rỡ bên ngoài phụ áo the thâm còn chú rể thì khăn đóng áo the. Ở những thập niên trước tân tiến hơn thì cô dâu thường mặc áo dài trắng hoặc váy trắng đơn giản chú rể sẽ mặc quần âu áo sơ mi đóng thùng. Hoa cưới thường là hoa giả được thuê hoặc mượn từ các cửa tiệm. Ảnh cưới được chụp màu đen trắng hoặc ngay chính tại nhà trai khi tổ chức lễ cưới.

Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao hơn, các cô dâu xúng xính trong những bộ váy cưới lộng lẫy hay những tà áo dài cách điệu bắt mắt. Chú rể đóng vest lịch lãm bảnh bao. Hoa cưới thường là hoa tươi được kết lại tùy theo sở thích mỗi người. Ảnh cưới được đầu tư công phu và kỹ lưỡng, được chụp nhiều nơi và nhiều phong cách theo ý định của cô dâu chú rể.

Thiệp mời và xe rước dâu

Ở thời gian trước, đi mời cưới thường là mời bằng miệng. Nếu có thiệp mời bên trong nội dung phải viết bằng tay. Khi rước dâu chủ yếu là đi bộ hoặc xe đạp, vì thời xưa thường lấy người quanh làng hoặc làng bên. Sau này có đưa dâu bằng xe máy, cô dâu chú rể đi trước phía sau là gia đình và bạn bè. Phải những gia đình quyền thế và có điều kiện mới có xe ô tô trong lễ rước dâu và số đó rất ít lúc bấy giờ.

Ở xã hội hiện đại, hình thức là điều rất được coi trọng vì vậy mọi thứ đều được chuẩn bị rất chu đáo kể cả thiệp mời. Tùy vào điều kiện kinh tế, người ta sẽ chọn những loại thiệp đắt rẻ khác nhau, nhưng hầu hết bên trong đều được in ấn cẩn thận tiết kiệm thời gian viết rất nhiều so với trước. Xe rước dâu chủ yếu là ô tô, thậm chí có những gia đình sử dụng siêu xe đắt tiền cho ngày trọng đại của mình.

Nghi thức cưới và nơi tổ chức lễ cưới

Trước đây, thông thường lễ ăn hỏi được tổ chức trước ngày cưới một thời gian dài. Sau đó đến lễ nạp tài và xin dâu rồi đón dâu. Đám cưới tổ chức ăn uống và ca múa hát kéo dài lên đến vài ngày. Mời mọi người, anh em họ hàng và bà con làng xóm sang chung vui. Trước đó, họ cùng giúp dựng cổng, mượn bàn ghế và dụng cụ để tổ chức đám cưới... ngay chính tại tư gia của chú rể hoặc cô dâu.

Giờ đây, để phù hợp với nhịp sống hiện đại, lễ ăn hỏi và nạp tài được gộp làm một và thường tổ chức sát ngày cưới. Đám cưới thường diễn ra chỉ trong một buổi, có MC tổ chức, đàn hát rộn ràng hơn. Sự phát triển của xã hội, đám cưới bây giờ nhẹ nhàng hơn so với ngày xưa, gia đình có thể thuê trọn gói dịch vụ cưới hỏi hoặc được tổ chức ở các nhà hàng, khách sạn.

Quà cưới và chi phí cho đám cưới

Ngày xưa của hồi môn chỉ là chiếc vòng kiềng hay đôi bông tai của hai bên nội ngoại. Bạn bè đi cưới tặng những chiếc cốc, nhưng đôi gối, cái phíc, cái mâm… mọi thứ đơn giản, gần gũi và thiết thực. Chi phí dành cho đám cưới phù hợp với điều kiện hai bên gia đình và cũng không tốn kém quá nhiều.

Ngày nay, cô dâu chú rể được hai bên trao quà nào dây, nào kiềng, nào nhẫn, nào lắc… Gia đình càng khá giả số quà cưới được trao càng nhiều, hình ảnh cô dâu đeo vàng trĩu cả cổ không hề hiếm trong thời đại này. Khách mời đi cưới cũng bỏ tiền vào phong bì, vừa tiện lợi lại hợp với thời đại. Mối quan hệ càng thân tình, đám cưới càng linh đình thì tiền mừng cưới phải càng nhiều. Chính vì thế, chi phí tổ chức cho một đám cưới ngày nay cũng không hề nhỏ, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

Theo dòng thời gian, sự thay đổi của nhịp sống hiện đại là khiến sự khác biệt trong văn hóa cưới hỏi của người Việt. Nhưng dù là truyền thống hay đương đại, những giá trị về tình cảm, ý nghĩa của tình yêu, hôn nhân luôn là chuẩn mực của nét văn hóa dân tộc luôn được lưu giữ.

Trở về

You May Also Like

Cách xưng hô trong tiếng Việt - Điều cần biết trong giao tiếp

Cách xưng hô trong tiếng Việt - Điều cần biết trong giao tiếp

【Hello Vietnam phỏng vấn】Người Đài Loan ở Hà Nội - Kì 3:  Chúng ta còn có nhiều điểm phải học tập người Việt Nam

【Hello Vietnam phỏng vấn】Người Đài Loan ở Hà Nội - Kì 3: Chúng ta còn có nhiều điểm phải học tập người Việt Nam

Về nhà đi con - Bộ phim quốc dân Việt Nam

Về nhà đi con - Bộ phim quốc dân Việt Nam

Có thể ăn thịt chó hay không?

Có thể ăn thịt chó hay không?

Người Hà Nội

Người Hà Nội

U23 Việt Nam - Liều thuốc tinh thần cho những chông chênh

U23 Việt Nam - Liều thuốc tinh thần cho những chông chênh

Văn hóa cà phê phố cổ của người Hà Nội

Văn hóa cà phê phố cổ của người Hà Nội