Về Quảng Nam – Vùng đất non nước hữu tình
Viết:Hồ Cao Hoài Sang
“ Đất Quảng Nam chưa mưa mà đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm mà đã say ”
Mỗi khi nghe ai đó nhắc tới hai câu thơ trên, chắc hẳn mỗi người Việt Nam chúng ta, ai cũng mường tượng ra được tên của một địa danh, mà nơi đó là một vùng đất rất đỗi xinh đẹp và yên bình: Quảng Nam.
(Khung cảnh làng quê yên bình của Quảng Nam)
Là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với cái tên mang ý nghĩa “ mở rộng về phương Nam”, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình, nên khí hậu ở Quảng Nam chia làm hai mùa rõ rệt: khô và mưa. Vào tháng 6, tháng 7, trời nắng gắt đến phỏng cả da, còn tháng 9, tháng 10, trời lại trút những con mưa lớn, ướt sũng.
Được thành lập vào năm 1997, đến nay được hai mươi ba năm, đó là một khoảng thời gian không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để cho nơi này thay đổi. Quảng Nam của hai mươi ba năm trước kia so với hai mươi ba năm sau, đã thật sự trở nên khác hơn, không chỉ một, mà là nhiều thứ.
Một vùng đất thơ mộng, hữu tình nhưng chứa đựng những điều hùng vĩ, một vùng đất với những con người chất phác, mộc mạc và giản dị nhưng cũng không kém phần hiện đại. Tất cả thứ ấy, dường như đã tạo nên một cái gì đó đặc thù, rất riêng, rất lạ trong mắt mọi người.
Đến với Quảng Nam là đến với những truyền thống văn hóa đặc sắc, những bãi tắm đẹp và mát mẻ, những di tích cổ xưa kì bí nhưng không khỏi trang nghiêm. Đặc biệt, khi đến đây, người ta không thể không nhắc tới Cù Lao Chàm và Phố cổ Hội An, hai địa điểm du lịch rất nổi tiếng, mỗi ngày thu hút hàng trăm ngàn ngàn lượt khách trong và ngoài nước viếng thăm. Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn về địa điểm du lịch nổi tiếng đầu tiên: Phố Cổ Hội An.
Là một đô thị cổ nằm trên khu vực hạ lưu con sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Nam, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỉ XX, những giá trị kiến thức và văn hóa của phố cổ Hội AN dần được du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn. Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 (ngày 4/12/1998), UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới.
(Một góc phố cổ Hội An)
Đến với Hội An, bạn nên đi bộ để tham quan hết khu phố cổ, hoặc bạn cũng có thể đi xe xích lô trải nghiệm nếu muốn.
Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.
(Những ngôi nhà mang đậm bản sắc của người Hoa)
(Kiểu kiến trúc mạng đậm chất Tây của Pháp)
Một món ăn đặc sản, độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An: Cao lầu cũng là một trong những biểu tượng về ẩm thực ở nơi đây. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Sợi mì ngon và bùi, cộng với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm, thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xá xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng. Tất cả đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một hương vị ngon khó cưỡng, không thể nào quên. Nhiều người sau khi thưởng thức xong món ăn này đều nhận xét: Cao lầu quả thật rất tuyệt, dường như ăn ở Hội An, Cao lầu mới trở nên đúng điệu của nó.
(Hình ảnh món ăn Cao lầu)
Sau khi ăn xong Cao lầu, bạn có thể thử thêm một ly trà Mót, một loại nước uống cũng là đặc sản ở Hội An, là loại trà làm từ nguyên liệu thảo mộc sả và chanh, bỏ thêm chút đá lạnh, khi uống vào, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt nhẹ và mùi thơm của các loài thảo mộc lâng lâng ở đầu lưỡi.
( Hình ảnh ly Trà Mót – nằm ở quán Mót Hội An, bên góc đường Trần Phú)
Ăn xong một tô Cao lầu, uống thêm một ly nước trà Mót, xin chúc mừng, bạn đã thưởng thức được hai món ẩm thực nổi tiếng nhất rồi đấy!
Còn một điểm nữa, một khi đã đến Hội An, bạn nhất định phải ở lại qua đêm, bởi vì, ở Hội An, đẹp nhất là vào ban đêm. Khu phố nhỏ nhắn này trở nên lãng mạng và sâu lắng hơn, mang một nỗi niềm hoài cổ, khó có thể diễn tả được. Vào buổi tối, khoảng sau sáu giờ, mọi người dân trong phố cổ quay lại đời sống vào ba trăm năm trước. Họ tự nguyện tắt hết đèn ne-on, thay vào đó là ánh sáng mập mờ huyền ảo phát ra từ những chiếc đèn lồng. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo kiểu Trung Hoa treo ở cửa ra vào, đèn quả trám hay ống dài của Nhật Bản phất giấy trắng treo lơ lửng ở mái hiên. Những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, những ngọn hoa đăng trôi trên dòng sông Thu Bồn hiền hòa, cùng với bầu trời đêm, đã tạo nên một khung xảnh tuyệt vời, chẳng khác gì một khung cảnh tráng lệ, lung linh và huyền ảo.
(Đêm Hội An)
(Chùa Cầu – biểu tượng của Hội An rực rỡ trong đêm)
Vào đêm hội hoa đăng (ngày 14 âm lịch hàng tháng), tất cả mọi người phải tắt hết tất cả các thiệt bị điện. Tuy nhiên họ không hề cảm thấy bất tiện vì việc này. Cường độ ánh sáng có giảm đi, song ngọn lửa nhiệt huyết của mỗi con người vẫn bốc mạnh khi đi ngang phố cổ. Trông những mái nhà cũ kĩ, những người phụ nữ trong tà áo dài trắng đang cặm cụi làm việc dưới ánh đèn lồng, hay hai cụ già râu tóc bạc phờ so tài cờ tướng, nhâm nhi tách trà, cũng dưới ánh đèn lung linh, huyền ảo đó. Dường như con người đang đi ngược lại dòng thời gian để sống với những thứ đã từng hiện hữu.
(Hoa đăng trên sông Thu Bồn)
Vào những đêm lễ hội, người ta thường tổ chức chơi đập niêu, kéo co,… và nhiều trò chơi dân gian khác nữa. Khách du lịch cũng như người dân phố cổ tham gia rất hào hứng và nhiệt tình, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp và sức sống tràn đầy cho thành phố. Những câu hò giã gạo, hò khoan,… vang lên trên những chiếc thuyền trong đêm khuya thanh vắng. Các cô gái mặc dài, dịu dàng, thanh thoát làm rung động trái tim bao chàng lữ khách…
( Cô gái Việt Nam trong tà áo dài trên phố Hội An)
Hội An thật sự đã trở thành một huyền thoại, một dấu ấn khó phai nhòa của lịch sử, của những ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Hội An sẽ mãi tồn tại trong tâm trí của chúng ta, để con người được sống với những cái đã qua, những vẻ đẹp giản dị của quá khứ.