[Văn hóa Đài Loan] Nữ quyền buffet có ngon không?
Viết:Rosie Nguyen
Buffet (còn gọi là búp phê) là một bàn tiệc có rất nhiều món ăn và bạn có thể tự do lựa chọn món ăn mà mình yêu thích. Hiện nay, buffet là một sự lựa chọn khá phổ biến đối với các bạn trẻ vì sự đa dạng về món ăn và được tự do chọn món. Khi ăn buffet, bạn sẽ chỉ lựa chọn món mà bạn thích ăn nhất, hoặc những món mà phù hợp với bạn nhất trên bàn tiệc đó. |
Đây là một điều khá bình thường, phần đông con người sẽ luôn có xu hướng lựa chọn những điều tốt nhất và phù hợp nhất với họ. Bạn từng ăn buffet lẩu? Buffet nướng? Buffet hải sản? Buffet chay?
Nhưng có lẽ nhiều người còn lạ lẫm với “nữ quyền buffet”.
Nữ quyền buffet là gì?
Chúng ta đã nói đến rất nhiều về việc đấu tranh để nữ giới có thể bình đẳng với nam giới về những quyền lợi được hưởng trong thế giới dân chủ hiện đại, tất nhiên với những đất nước thật sự có dân chủ.
Thuật ngữ “nữ quyền buffet” xuất phát từ chương trình trò chuyện của nghệ sỹ người Mỹ - Bill Burr, ông ta nói rằng: “Phụ nữ lên tiếng diễn thuyết về các quyền bình đẳng thực chất chỉ để đạt được những lợi ích cá nhân mà không sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ tương ứng”.
Nói thẳng ra có nghĩa là: phụ nữ đề cập đến nữ quyền, quyền bình đẳng cho phụ nữ chủ yếu là để đạt được những lợi ích cá nhân, không quan tâm đến đến cách nhìn của người khác, giống như việc bạn tham gia một bữa tiệc buffet và chỉ chăm chăm chọn món ăn mà bạn thích.
Đây là một thuật ngữ mang hàm ý tiêu cực, là cách mà đàn ông châm biếm việc phụ nữ tranh đấu cho bình đẳng về mặt thể chất, công việc, lương bổng,... nhưng họ không chịu nhiều trách nhiệm như nam giới. Bill Burr cho rằng, việc trả lương như nhau như vậy là không hợp lý, vì đàn ông luôn đảm nhận những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn.
Đó là ở phương Tây, với các quốc gia có nền dân chủ từ thời kỳ rất sớm. Còn đối với các quốc gia phương Đông bị ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho giáo của chế độ phong kiến cũ, khi phụ nữ bị phân biệt đối xử và hoàn toàn không được độc lập cả về suy nghĩ lẫn hành động thì thế nào?
Nữ quyền buffet là sự thật hay chỉ là một thuật ngữ phân biệt giới tính?
Mỗi nhóm người đều có những quyền lợi riêng bị tước đoạt hoặc bị xã hội đối xử bất bình đẳng, nhưng tại sao chúng ta chỉ mới nghe đến cụm từ “nữ quyền buffet”, vì sao không có “nam quyền buffet”? Tại sao chỉ có phụ nữ là mục tiêu bị nhắm đến trong xã hội?
Xuất phát từ bối cảnh lịch sử phong kiến Nho giáo tại Đài Loan trước đây, quan niệm của xã hội thời điểm đó đối với phụ nữ là “hiền thục, đức hạnh, biết chăm lo gia đình”, đối với nam giới phải “nam tính, có trách nhiệm, không được phép bộc lộ cảm xúc và chịu trách nhiệm về kinh tế”.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giới trẻ Đài Loan đã cởi mở hơn đối với quyền bình đẳng giới. Hiến pháp Đài Loan năm 1947 quy định: “Mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, dân tộc, đảng phái”; đến năm 2000, Hiến pháp được bổ sung thêm: “đề cao vai trò của phụ nữ, xóa bỏ phân biệt về giới tính, đảm bảo quyền an toàn cá nhân, thúc đẩy bình đẳng và địa vi của phụ nữ”. Và các quy định cụ thể về việc phụ nữ trong kỳ sinh lý có ngày nghỉ được hưởng lương, họ có toàn bộ quyền với cơ thể kể cả việc hiến tặng trứng.
Nữ giới có thể chủ động tranh đấu cho quyền lợi mà mình đáng được hưởng và theo đuổi sự dân chủ, công bằng. Việc tăng cường bảo vệ các quyền và lợi ích mà phụ nữ đã bị tước đoạt thì quyền lợi của nam giới cũng cần được thay đổi, điều chỉnh, tự nhiên sẽ bị giảm bớt và có thể giảm thiểu sự tổn hại hơn với phụ nữ.
Chúng ta đều chưa từng nói “nam quyền buffet”
Dù thế giới có thay đổi như thế nào, dù là xã hội nam quyền hay nữ quyền, bản thân nó đều tồn tại sự kỳ vọng về hình ảnh của sự “nữ tính”
Nam giới có trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình, nên nhất định phải có một công việc tốt, đồng thời phải có trách nhiệm san sẻ công việc gia đình. Tại Đài Loan, trong khoảng 20 năm gần đây, yêu cầu của xã hội đối với người phụ nữ cũng thay đổi, không chỉ chịu áp lực về tài chính (cùng san sẻ tài chính với chồng), đồng thời phải đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ. Phụ nữ nếu muốn phấn đấu cho sự nghiệp, họ còn phải chịu thêm nhiều áp lực ở nơi làm việc. Đây chính là những kỳ vọng và cả ràng buộc dẫn đến bất bình đẳng nam nữ.
Cuộc đấu tranh vì quyền lợi cho phụ nữ vẫn đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới, từ những nơi vẫn duy trì chế độ hôn nhân đa thê đến những xã hội dân chủ bình đẳng. Mỗi giai đoạn khác nhau của thời đại thì trách nhiệm và lợi ích cũng khác nhau. Chính vì vậy, khi đứng lên đấu tranh theo đuổi quyền lợi chúng ta cần nhìn nhận rõ và bình tĩnh lắng nghe, và dù thế nào đi nữa, việc dùng khái niệm “nữ quyền buffet” là một trong những biểu hiện cho thấy trong thực tế, phụ nữ vẫn chịu những đối xử bất công, sự bất công ấy có thể đến từ một bộ phận nam giới hoặc một nhóm người.
Chúng ta đều biết, một nhóm người không đại diện cho cả một xã hội, cả một dân tộc, nhưng một nhóm người đó cũng thể hiện một mặt hiện thực trong xã hội đó. Chính vì vậy việc tranh đấu để giành những quyền và lợi ích thực tế cần được hưởng của phụ nữ, để nữ giới có thể bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện là mục đích mà chúng ta cần hướng tới trong tương lai. Để nữ giới có thể thoải mái chọn các món ăn tinh thần thơm ngon thay vì cố gắng tìm cách bỏ đi “nữ quyền” trong bữa tiệc buffet.