[Đặc sản Đài Loan] - Những món ăn không bao giờ xuất hiện trong menu (3)
Viết:Hello VietNam
Đối với mọi quốc gia, ẩm thực - ăn uống là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa bản địa. Như trong tiếng Việt, “ăn” được xuất hiện rất nhiều trong cách dùng từ như là ăn nói, ăn học, ăn chơi, ăn diện, ăn nằm,… Không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, tại Đài Loan chúng ta cũng thường xuyên bắt gặp hiện tượng này trong tiếng Trung, đó là dùng từ “吃” (ăn) để chỉ các sự vật, sự việc và hành vi trong cuộc sống. Hãy cùng Hello Vietnam tìm hiểu những từ lóng có từ “ăn” trong tiếng Trung nhé. |
Ăn + thuốc = Uống thuốc
Nhiều bạn khi học tiếng Trung gặp cụm từ 吃藥 thường thắc mắc rằng thuốc thì phải uống chứ sao lại dùng động từ “ăn”, nhưng đó là cách dùng của người bản địa, đôi khi chúng ta không cần tìm hiểu lý do tại sao. 吃藥 ngoài nghĩa đen là chỉ việc uống thuốc, thì tùy vào ngữ cảnh trò chuyện, thì có lúc từ này lại dùng để cười nhạo, trêu đùa người khác rằng đầu óc có vấn đề, không bình thường.
Trong đối thoại thường ngày, bạn bè thân thiết vẫn thường trêu đủa nhau là: 「你是不是忘記吃藥?」(Hôm nay mày quên uống thuốc à?)
Ăn + dấm = Ghen
Dùng để hình dung việc khi đố kị người khác thì trạng thái cảm xúc giống như uống dấm - rất chua. Nhưng một lời khuyên nhỏ dành cho các bạn đang yêu nhau thì đừng để nửa kia ăn nhiều dấm quá nhé.
Ăn + hàng = ???
吃貨 dùng để chỉ những người đam mê ăn uống là lượng ăn lớn, thường gặp trong giao tiếp hàng ngày; trong nhiều trường hợp, 吃貨 còn dùng để chỉ những người biết ăn uống, biết tìm những địa điểm ăn ngon. Tùy vào ngữ cảnh để phán đoán sắc thái của từ này.
Ăn + gà = Ăn gà???
Đây là một trend từ trò chơi Playerunknown's Battlegrounds và bộ phim “21”, trong phim này, có cách nói “winner winner, chicken diner”, người giành phần thắng sẽ có thể ăn cơm gà. Bởi vậy 吃雞 chỉ việc giành được chiến thắng.
Ăn + ốc vít = ???
Ốc vít đâu có thể ăn được đúng không! 吃螺絲 chỉ việc nói lắp, ấp úng, không trôi chảy; có trường hợp dùng để nói sai từ, đọc sai chữ.
Ăn + tay = ???
Có phải là chỉ các bạn nhỏ có thói quen gặm tay hay không nhỉ? Nhưng đây thật ra là màn chế ảnh từ cộng đồng mạng, với ảnh gốc từ con vật cát tường Poinko của công ty Docomo (Nhật Bản), vì sự đáng yêu của Poinko mà hành động “gặm tay” đã trở thành một trào lưu chế ảnh meme để bình luận của cư dân mạng Đài Loan, với ý nghĩa “cực kỳ” hoặc “vãi”.
Đọc thêm, tại: [Đặc sản Đài Loan] - Những món ăn không bao giờ xuất hiện trong menu (1)
Đọc thêm, tại: [Đặc sản Đài Loan] - Những món ăn không bao giờ xuất hiện trong menu (2)