[Ẩm thực Đài Loan] Chung một bàn ăn hàng chục vị lẩu - Ai cũng nên thử một lần


Trong những năm vừa qua, văn hóa ẩm thực Đài Loan dần được biết đến rộng rãi trên thị trường thế giới. Những cái tên như Xiaolongbao (bánh bao tiểu lung) , trà sữa trân châu hay đồ ăn vặt chợ đêm đã không còn xa lạ với những thực khách đam mê ẩm thực. Tuy nhiên, có một món ăn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm của Đài Loan, chẳng khác gì phở ở Hà Nội mà không phải người nước ngoài nào cũng rõ  - “Lẩu một người”.

Lẩu có tự bao giờ?

Theo phân tích của học giả Richard Zhang, giám đốc Bảo tàng ẩm thực Tứ Xuyên, Lẩu đã xuất hiện từ khoảng 1.700 năm trước. Chiếc nồi mini được dùng để chế biến lẩu xuất hiện từ thời Tam Quốc, vào khoảng năm 220-280 sau Công Nguyên.

Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, “lẩu” thời đó chỉ là một công cụ chế biến món ăn bình thường chứ chưa hề có cái tên “thương hiệu” như bây giờ. 

Tại thời điểm đó, chiếc nồi mini để nấu lẩu rất phổ biến ở miền Bắc Trung Quốc, nơi có mùa đông lạnh giá, vì ở đó, việc  giữ nhiệt và những bữa ăn ấm áp cần thiết hơn bao giờ hết. Các chuyên gia nói rằng định nghĩa về “lẩu” như chúng ta biết ngày nay chưa hề xuất hiện cho đến thế kỷ 14, khi mà các hoàng đế từ triều đại nhà Minh và sau đó là nhà Thanh thưởng thức lẩu như một món ăn yêu thích.

Những người yêu thích văn học Nam bộ Việt Nam, chắc chắn sẽ  không hề xa lạ với cuốn sách nổi tiếng “Sài Gòn tạp pí lù” của nhà văn Vương Hồng Sển. “Tạp pí lù” là một tên gọi khác bằng tiếng Quảng của lẩu (打邊爐). Cũng như nhiều nơi khác ở châu Á, lẩu sớm đã có mặt ở Việt Nam với nhiều loại hương vị. Từ những hương vị thường gặp như lẩu gà, lẩu bò, lẩu dê cho đến những sự kết hợp độc đáo như lẩu hải sản, lẩu cháo.

Ngày nay, lẩu đã trở thành một món ăn phổ biến khắp trên toàn thế giới, dù đi du lịch đến bất kỳ thành phố lớn nào bạn cũng sẽ dễ dàng tìm thấy một nhà hàng lẩu với những phong cách rất bản địa. Và nếu đến với Đài Loan thì bạn sẽ không quá khó để tìm ra một quán “Lẩu một người” trên những con phố nhộn nhịp, tấp nập dòng người qua lại ở xứ này.

Thiên đường lẩu một người Đài Loan chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng về cả nghĩa đen lẫn  nghĩa bóng. Giống  như tên gọi của nó, đây là món lẩu sinh ra để  dành riêng cho một người, chiếc nồi nhỏ xinh xinh  vừa đẹp cho một người thưởng thức. Chiếc nồi mini này có thiết kế khác hẳn với nồi lẩu lớn dùng chung hay lẩu uyên ương thường gặp, nó chỉ là một cái nồi nho nhỏ, có lẽ giống một cái tô to hơn, cũng không quá sâu. 

Điều ấn tượng hơn cả là, ở Đài Loan bạn sẽ tìm thấy được tất cả  các loại và nguyên liệu lẩu trên thế giới. Từ các loại nước lẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc như lẩu vị cay, vị thảo mộc và lẩu Mãn Châu (thịt lợn và bắp cải muối) - đến lẩu Nhật Bản và Thái Lan, cà ri Ấn Độ, sô-cô-la Thụy Sĩ và nước sốt pho mát Hay như hai món nghe hoàn toàn không ăn nhập gì với nhau là sữa và lẩu, cũng được người Đài Loan sáng tạo kết hợp với nhau cho ra đời món lẩu với nước dùng vị sữa, còn gọi là lẩu sữa (牛奶鍋).

Viên thả lẩu là nguyên liệu thường có trong bất cứ một nồi lẩu mini nào. Bất kể bạn chọn hương vị lẩu là chay hay mặn, các nhà hàng đều bỏ những viên thả lẩu vào. Viên thả lẩu ở Đài Loan rất đa dạng, nó có lớp ngoài là thịt cá xay surimi với nhiều màu sắc và lớp nhân bên trong với nhiều hương vị khác nhau nhằm tăng sự thu hút và giúp nồi lẩu thơm ngon hơn.Nếu như trước đây, viên thả lẩu chỉ có các loại đơn giản như bò viên, cá viên, tôm viên thì bây giờ lại đa dạng hơn rất nhiều. Sự đa dạng của chúng thể hiện ở cả nguyên liệu lẫn hình thức khiến cho việc ăn lẩu thú vị hơn.

Hiện nay, khi nhắc tới viên thả lẩu đa phần người ta thường nghĩ đến dạng viên thả lẩu kiểu Malaysia hay Hàn Quốc hình bánh bao có nhiều màu sắc hay còn được gọi là viên trứng nhím hay bánh bao trứng nhím.

Giá cho một bữa lẩu một người dao động từ khoảng 120 NT cho đến 1000 NT tùy vào cửa hàng mà bạn đến thuộc phân khúc bình dân hay cao cấp, lẩu tự chọn hay lẩu buffet. Nhưng thông thường, dù là với mức giá nào, đến với các tiệm lẩu bạn sẽ không chỉ được ăn lẩu mà còn được thoả thích thưởng thức vô vàn loại đồ uống và đồ tráng miệng khác nhau miễn phí. Mỗi quán lẩu sẽ có những đồ ăn kèm khác nhau như bỏng ngô, kem que hay chè. 

Người Đài Loan rất khéo léo trong việc tạo ra những vị lẩu mới lạ, độc đáo; sáng tạo ra những hình thức kinh doanh khác nhau để thu hút khách hàng, dù bạn đi một mình hay đi một nhóm cùng bạn bè, người thân đi chăng nữa, vẫn sẽ là những bếp lẩu nhỏ nhỏ xinh xinh thuộc về riêng bạn, để bạn ăn lẩu theo cách của riêng bạn. Bạn hoàn toàn có thể đi ăn lẩu một mình, hay ngồi chung cả nhóm với nhau nhưng không nhất thiết phải ăn chung một nồi lẩu, một vị lẩu truyền thống như xưa. Điều này càng tiện lợi hơn với những ai bị dị ứng đồ ăn có thể tự lựa chọn nồi lẩu thích hợp cho mình. Nếu như bát nước mắm được coi là biểu hiện của tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam, thì có lẽ nồi lẩu một người chính là một biểu hiện rõ ràng về việc tôn trọng tự do cá nhân, đề cao chủ nghĩa cá nhân của người Đài Loan.

Trở về

You May Also Like

[Ẩm thực Đài Loan] - Mát lành bát bột đậu

[Ẩm thực Đài Loan] - Mát lành bát bột đậu

[Ẩm thực Đài Loan] Mì cán Long Cương - Hương vị của kí ức

[Ẩm thực Đài Loan] Mì cán Long Cương - Hương vị của kí ức

[Ẩm thực Đài Loan] - Các loại trà sữa đặc biệt ở Đài Loan

[Ẩm thực Đài Loan] - Các loại trà sữa đặc biệt ở Đài Loan

[Ẩm thực Đài Loan] - Các món quà vặt Đài Loan

[Ẩm thực Đài Loan] - Các món quà vặt Đài Loan

[Ẩm thực Đài Loan] - Các món ăn lừng danh Đài Loan

[Ẩm thực Đài Loan] - Các món ăn lừng danh Đài Loan