[Văn hóa Đài Loan] Chế độ mẫu hệ của người dân tộc thiểu số tại Đài Loan
Viết:Hello VietNam
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc năm 2017 về diện tích và mật độ dân số, Đài Loan với diện tích 36.198,00 km², chỉ bằng 1/9 diện tích của Việt Nam (331.212,00 km²), mật độ dân số 647 người/km² gấp khoảng 2.3 lần mật độ dân số Việt Nam (278 người/km²). Ở Đài Loan, người Hán chiếm đa số với tỉ lệ 96.45% (gồm người Phúc Kiến, Khách Gia, Mẫn Nam,...). Phần còn lại chiếm 2.45% là 16 bộ tộc của người dân tộc thiểu số tại Đài Loan. Ngoài ra, còn có một bộ phận nhỏ các dân tộc đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và người nước ngoài khác. |
(Nguồn ảnh: TW NEWS)
Gần đây bộ phim truyền hình nổi tiếng có tên Tư Cáp La (Seqalu: Formosa 1867, 斯卡羅), với số vốn đầu tư lên đến 1550 vạn Đài tệ, là bộ phim về lịch sử Đài Loan được đầu tư mới mức kỷ lục. Bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh của bộ lạc dân tộc thiếu số tại Đài Loan với quân đội Hoa Kỳ vào 1867. Phim đã tái hiện cuộc sống, nền văn hóa của các bộ lạc dân tộc thiểu số Đài Loan.
Một hòn đảo nhỏ bé với rất nhiều dân tộc cùng với các nền văn hóa khác nhau, vậy đối với 16 bộ tộc thiểu số của Đài Loan, xã hội và nền văn hóa của họ có gì khác biệt so với người Hán?
Người nguyên trú (原住民各族) Đài Loan thuộc tộc Nam Điểu Ngôn (Austronesian, 南島語族), bao gồm các nhóm dân tộc thổ dân hòa nhập cùng nền văn hóa người Hán.
Hiện nay, có 16 tộc người bản địa bảo tồn tương đối đầy đủ nền văn hóa vùng cao rất rõ nét đó là: A Mỹ, Thái Nhã, Bài Loan, Bố Nông, Ty Nam, Lỗ Khải, Trâu, Tái Hạ, Nhã Mỹ, Thiệu, Cát Mã Lan, Thái Lỗ Các, Thạch Lái Nhã, Tái Đức Khắc, Lạp A Lỗ Wa, Ka Na Phú. Do chủ yếu sống trên núi cao và ít chịu ảnh hưởng của người Hán nên nền văn hóa bộ lạc được bảo tồn tương đối tốt.
Người Đài Loan sử dụng tiếng Hoa phổ thông, ngoài ra còn có ngôn ngữ của người Mẫn Nam, Khách Gia, ảnh hưởng Tiếng Nhật và tiếng của các dân tộc nguyên trú. Trong đó có một từ rất thú vị 牽手 (cầm tay), ngoài nghĩa cầm tay còn còn có một nghĩa khác là 老婆 (vợ).
Từ này có nghĩa người sẽ bên bạn cả đời này là một người đồng hành quan trọng và được xuất phát từ dân tộc Bình Phổ (平埔), đây là một trong những bộ tộc sống ở khu vực đồng bằng và đã được xã hội người Hán đồng hóa. Người Bình Phổ trước đây theo chế độ xã hội mẫu hệ, nam giới được “gả” cho nữ giới, ý nghĩa ban đầu của “cầm tay” là người nam có vợ. Sau này, khi bước vào xã hội “phụ hệ” của người Hán thì “cầm tay” có nghĩa là 老婆 (vợ).
(Nguồn ảnh: TW NEWS)
“Chế độ mẫu hệ là một hình thái tổ chức xã hội trong đó người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò lãnh đạo, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ cho con gái, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.” (Nguồn: Wikipedia)
Trong số các dân tộc thiểu số ở Đài Loan, có tộc người A Mỹ và Ty Nam nằm ở phía Đông Đài Loan là tộc người đặc biệt nhất, vì hai tộc người này mang chế độ mẫu hệ điển hình. Phụ nữ có vị trí thống trị tuyệt đối trong gia đình, nam giới có vị trí thấp hơn và sau khi kết hôn xong nam giới phải ở nhà vợ.
Đàn ông tộc A Mỹ cho rằng đó là một vinh dự và người chồng sẽ là người chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, phụ nữ là người nắm giữ kinh tế, làm chủ gia đình, việc thừa kế tài sản được truyền từ mẹ sang con gái, trẻ nhỏ sống với mẹ và lấy họ mẹ. Những điều này thể hiện sự vượt trội của phụ nữ thể hiện rõ nét chế độ mẫu hệ của hai tộc người A Mỹ và Ty Nam.
Tuy nhiên, ngoài những truyền thống về chế độ mẫu hệ nêu trên, thì có một điểm khác biệt và cũng khá đặc trưng là có hệ thống giai cấp nam giới, nam giới được tổ chức thành các nhóm ở các độ tuổi khác nhau và chịu trách nhiệm về các vấn đề chính trị, quân sự, tư pháp, tôn giáo và các công việc công cộng khác của bộ lạc.
(Nguồn ảnh: TW NEWS)
Mặc dù phụ nữ là chủ gia đình nhưng những người đại diện bên ngoài và chịu trách nhiệm là nam giới. Phụ nữ không được tham gia vào các công việc của bộ lạc và đa phần các tù trưởng và thầy tế là do nam giới đảm trách và để lại thừa kế cho nam giới.
Nói cách khác, gọi là xã hội mẫu hệ nhưng không phải quyền lực của phụ nữ là tối cao mà là một mô hình xã hội được xây dựng tạo nên sự bình đẳng giữa nam và nữ thông qua phân công lao động và hợp tác. Vì vậy, phụ nữ chịu trách nhiệm nội trợ, quản lý tài sản, trồng trọt, chăn nuôi và chăm sóc con cái; nam giới chịu trách nhiệm săn bắn, chiến đấu và các công việc công cộng khác.
Dù là ở hình thái xã hội nào đi chăng nữa, cũng vẫn đề cao vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ. Tùy theo giới tính và mức độ đảm trách các trách nhiệm đi kèm. Mục đích chung là tạo nên sự cân bằng và đảm bảo quyền và nghĩa vụ cụ thể.
Quan trọng nhất, dù là chế độ mẫu hệ hay phụ hệ thì cũng nên có những đối xử công bằng cho cả hai giới và đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng mà họ được hưởng.
Nếu có dịp ghé thăm các bộ tộc nguyên trú, hãy hòa mình và cảm nhận những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống và những nét sinh hoạt đặc biệt của nơi đó nhé!