[Văn hóa Đài Loan] Tết Trung Thu - Câu chuyện không thể dùng tay chỉ mặt trăng?
Viết:Hello VietNam
Đài Loan cũng giống như Việt Nam và các nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm đều đón Tết Trung Thu. Đây là một lễ hội lớn hàng năm với ý nghĩa đoàn viên, nơi mọi người quầy quần lại với nhau, cùng nhau nướng thịt, ăn bánh và chia sẻ cho nhau nghe những câu chuyện hàng ngày. |
Đến với Đài Loan vào dịp Tết Trung Thu bạn sẽ thấy nhà nhà người người nướng thịt, và đến nay Tết Trung Thu đã gắn liền với việc chuẩn bị một bữa tiệc thịt nướng hoành tráng.
Vậy tiệc thịt nướng được bắt nguồn từ đâu?
Theo Báo Dân sinh (民生報) đưa tin, năm 1978 khi khắp nơi mọi người ngắm trăng, ăn bánh đón Trung Thu, thì tại Tân Trúc đông đảo người dân lại nướng thịt. Nguyên do từ việc một công xưởng sản xuất lò nướng muốn đẩy mạnh doanh số bán hàng nên đã tổ chức hoạt động nướng thịt trên một vài khu vực, không ngờ nhận được sự yêu thích của người dân và được lan rộng ra khắp Đài Loan. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng việc nướng thịt bắt nguồn từ năm 1967 vì một câu slogan trong quảng cáo nước tương “Một nhà nướng thịt vạn nhà thơm” 「一家烤肉,萬家香」của hãng nước tương Vạn Gia Hương (萬家香).
Tết Trung Thu nướng thịt đã trở thành thói quen mới tại Đài Loan. Vậy ngoài nướng thịt, tại Đài Loan vào dịp “trăng tròn - Tết Trung Thu đến” còn có điều gì đặc biệt mà chúng ta cần chú ý không?
Không được dùng ngón tay chỉ mặt trăng
Ngày rằm 15/8 Âm lịch được xem là thời điểm mặt trăng tròn nhất trong năm, thể hiện sự tròn vẹn, viên mãn, đoàn viên của gia đình. Tại Đài Loan có một điều cấm kỵ mà người lớn hay đưa ra để nhắc các bạn nhỏ đó là không được dùng ngón tay chỉ vào mặt trăng, cho dù mặt trăng bị mây che mất và có ai đó hỏi vị trí mặt trăng nằm ở đâu cũng không được dùng ngón tay chỉ vào.
Vậy tại sao lại có điều cấm kỵ này?
Thực ra đó không phải là một câu chuyện mê tín nào đó mà là cách người lớn tuổi muốn ngăn chặn thói quen chỉ tay của các bạn nhỏ. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường hay chỉ tay vào người khác khi đang tranh cãi hoặc buộc tội ai đó, đây là một hành vi cực kỳ bất lịch sự và thiếu tôn trọng người khác. Các bậc phụ huynh nghĩ ra câu chuyện này để giáo dục các bạn trẻ.
Hơn nữa, trong quan niệm của người xưa, mặt trăng và mặt trời là những vật thiêng liêng, là thần linh chính vì vậy việc dùng tay chỉ vào mặt trăng là một hành động kiêng kỵ. Do đó để dạy dỗ những bạn nhỏ tò mò và hiểu được việc kính nể đối với bề trên, những người lớn sẽ hù dọa rằng nếu dùng tay chỉ vào mặt trăng thì sẽ bị chặt tay hoặc bị cắt mất tai.
Đây chính là nỗi sợ hãi của các bạn nhỏ ở Đài Loan. Mặc dầu, khi lớn lên họ biết đó không phải là sự thật, nhưng có rất nhiều người vẫn tin vào điều đó.
Có người kể lại rằng, lúc nhỏ khi họ dùng ngón tay của mình chỉ lên mặt trăng vào ban đêm, sáng dậy thì phát hiện sau tai mình có một vết cắt, vành tai rất đau. Điều này càng củng cố niềm tin vào việc bị cắt mất tai như lời người lớn nói.
Vậy chuyện gì đã diễn ra?
Ở Đài Loan dịp Tết Trung Thu cũng là dịp giao thoa giữa mùa hè và mùa thu, không khí thay đổi, khô ẩm và nóng lạnh đột ngột dễ dẫn đến các bệnh liên quan đến viêm da dị ứng, bệnh viêm tai cũng thường xuất hiện trong khoảng thời gian này.
Trước kia khi y tế chưa phát triển thì rất nhiều bạn nhỏ khi lỡ dùng tay chỉ lên mặt trăng thì sau đó tai bị viêm và rất đau đớn nên họ đã tin vào việc dùng tay chỉ vào mặt trăng là điều không nên.
Nếu có dịp hãy hỏi một người bạn Đài Loan để xem câu trả lời của họ như thế nào nhé.
Ngoài ra, vào dịp Tết Trung Thu, nếu ở Việt Nam thì các bạn nhỏ có rất nhiều hoạt động vui chơi như rước đèn ông sao, đốt pháo hạt bưởi, làm mặt nạ, chơi trống lắc tay,... Nhưng ở Đài Loan thì không có nhiều hoạt động vui chơi như vậy. Ngoài bánh Trung Thu, kẹo dẻo thì bưởi là một loại trái cây được người Đài Loan ưa chuộng và sử dụng rất nhiều. Vì ăn nhiều thịt nướng nên ăn bưởi sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn và giảm đi bớt năng lượng dư thừa. Ngoài ra, quả bưởi trong Tiếng Trung đọc là 柚子(youzi), đồng âm với từ 「佑子」(youzi) có nghĩa là bảo vệ sự bình an. Người lớn sẽ dùng vỏ bưởi tạo thành mũ bưởi, và nếu khéo tay có thể bóc vỏ bưởi thành một chiếc hộp đựng đồ chơi, đây là món đồ chơi mà các bạn nhỏ được chơi trong mỗi dịp Trung Thu về.
Dù là ở Việt Nam hay Đài Loan và cách thức đón Tết Trung Thu như thế nào thì vẫn với ý nghĩa “Tết Trung Thu là Tết đoàn viên”. Đây là dịp để cho người thân, bạn bè có cơ hội sum vầy.
Bạn thấy Tết Trung Thu ở Đài Loan thế nào? Cùng chia sẻ với Hello Vietnam về những trải nghiệm thú vị khi tham gia Trung Thu tại Đài Loan nhé.