[Cuộc sống Đài Loan] “Chợ Việt Nam Văn Sơn” với hoạt động hướng dẫn đưa du khách tìm lại những dấu tích của người Việt Nam di cư
Viết:Asuka
Người Việt Nam di dân đến Đài Loan có lịch sử khá sớm, vào năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, hàng triệu người Việt Nam do mất hết ruộng vườn trong chiến tranh đã trở thành những người tị nạn, lần lượt dùng tàu vượt biển lánh nạn. Một bộ phận trong số đó đã đến định cư tại Đài Loan, sinh sống ở khu Văn Sơn, Nam Đoan, Thành phố Đài Bắc (xưa gọi là Mộc San), sau đó tiến dần đến “Cộng đồng An Khang” do chính phủ Đài Loan thành lập. Từ đó, nơi này dần trở thành nơi tập trung đông đảo người di cư Việt Nam. Chợ An Khang cạnh đó cũng trở thành khu chợ nổi tiếng chuyên buôn bán đồ tạp hoá Đông Nam Á.
Sau 40 năm, những người dân di cư Việt Nam thời đó đã dần già đi, thế hệ con cháu của họ dần dần chuyển khỏi Cộng đồng An Khang, còn chợ An Khang cũng bị phá bỏ vào năm 2006. Nhưng thực ra nếu kiếm tìm kỹ các ngõ ngách của khu Văn Sơn, bạn vẫn có thể tìm thấy rất nhiều những nhà hàng hay cửa hàng tạp hoá mang sắc thái Việt Nam vẫn đang tiếp tục kinh doanh. Vì thế từ năm 2018, tổ chức di dân mới nổi tiếng có tên “Hội chị em Đài Loan Nam Dương” đã phát động hoạt động du lịch “Chợ Việt Nam Văn Sơn - Quê hương trong những con ngõ nhỏ”. Hoạt động này nhằm đưa du khách Đài Loan đến những ngõ ngách để từng bước tìm hiểu về những di tích đời sống của thế hệ di dân Việt Nam trước đây.
Tác giả tham gia hoạt động du lịch sáng ngày 11 tháng 2, được người phụ trách Hồng Mãn Chi là một tân di dân đến Đài Loan từ nhiều năm trước hướng dẫn. Trước tiên, cô ấy đưa chúng tôi đến cửa hàng Thực phẩm Phượng Dung trong chợ Mộc Tân. Đây là một cửa hàng tạp hoá Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, trong đó có bán rất nhiều các mặt hàng Việt Nam. Màu sắc của các mặt hàng đặt cạnh nhau tạo nên những mảng màu rực rỡ. Vì lúc đó gần sát Tết nguyên đán, cửa hàng Thực phẩm Phượng Dung cũng bán cả bánh chưng Việt Nam (bánh vuông) và bánh tét Việt Nam (bánh dài) để cả người Bắc và Nam Việt Nam đều có thể thưởng thức hương vị quê nhà.
Sau đó, Mãn Chi đưa chúng tôi đến Quán ăn vặt Việt Nam - nhưng không có treo biển hiệu, cô ấy giải thích: “Cửa hàng này rất đắt hàng cho nên không cần treo biển!” Điều này quả là không nói quá, khi chúng tôi đến nơi cửa hàng đã rất đông những thực khách người Việt, suýt nữa thì cúng tôi không có chỗ ngồi. Mặc dù bàn ghế ở đây rất cũ nhưng hương vị những món Việt Nam như: cơm tam bảo, Phở Ca-ri... đều khiến mọi người phải trầm trồ. Thảo nào một cửa hàng nho nhỏ như vậy mà có lượng khách quen nhiều đến thế.
Sau khi ăn uống no nê, chúng tôi chầm chậm dạo bước đến khu Cộng đồng An Khang. Với một bên là khu nhà cao tầng hào hoa, những ngôi nhà trong khu Cộng đồng An Khang vốn đã có lịch sử lâu đời trông lại càng cũ kỹ. Ngoài một số con cháu người Việt, ở đây còn có rất nhiều người dân Đài Loan thuộc tầng lớp nghèo khó (người nghèo, người già, người tàn tật). Mãn Chi nói giọng xúc động: “Những người sống trong khu nhà cao tầng sang trọng bên kia không ưa gì khu Cộng đồng An Khang này, họ cảm thấy bên này giống như khu ổ chuột, nhưng sao họ không nghĩ là nếu không có Cộng đồng An Khang này thì những con người đó biết sống ở đâu?”
Cuối cùng chúng tôi đến địa điểm chợ An Khang đã bị dỡ bỏ ngày xưa, nơi này giờ cũng đã xây nên một khu nhà cao tầng sang trọng. Mãn Chi giải thích tiếp bởi những người thương nhân Việt trước đây vốn là kiếm sống trong chợ An Khang, nhưng về sau họ phải phân tán đến những con ngõ nhỏ trong khu Văn Sơn, nơi trở thành địa điểm hoạt động của chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy, khu Cộng đồng An Khang và chợ An Khang có một quan hệ không thể tách rời với cộng đồng người Việt hiện nay tại Đài Bắc.
Với sự hướng dẫn chuyên nghiệp của Hồng Mãn Chi, tất cả những du khách Đài Loan đến tham gia hoạt động đều rất bất ngờ với những dấu tích còn lại của những người di dân Việt Nam nơi những con ngõ nhỏ thuộc khu Văn Sơn. Điều này cũng cho thấy tính đa dạng của các cộng đồng người trong xã hội Đài Loan hiện nay. Và rồi, thứ mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại là, cùng lúc với việc phát triển kinh tế và xây dựng thật nhiều những khu nhà cao tầng, liệu có phải chúng ta cũng đang thay đổi không gian sống của những cộng đồng người khác hay không?