[Du lịch Đài Loan] Biệt viện họ Lâm -Vết tích hoàng kim của một gia tộc


Bánh xe thời gian lại tuần hoàn thêm một vòng nữa, một mùa mùa xuân mới lại đến với tôi và các bạn. Không khí ấm áp mùa xuân thúc giục cảnh sắc muôn nơi rũ bỏ màu ảm đạm mà khoác lên mình tấm áo xanh mướt tươi mới. Mùa xuân, mùa mà những đôi chân ưa thích phiêu lưu khám phá lại bắt đầu một hành trình mới, đến với những miền đất mới. Hãy bắt đầu hành trình chạm vào những nền văn hóa mới, khám phá những điều thú vị muôn nơi, cùng Hello Việt Nam đến thăm Biệt viện họ Lâm ở Bản Kiều.

Biệt viện họ Lâm nằm tại Bản Kiều, Thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan. Biệt viện họ Lâm được cho là khu vườn đẹp nhất trong 4 khu vườn tuyệt đẹp tại Đài Loan bao gồm: Ngô Viên, Biệt Viện Họ Lâm (tại Vụ Phong), Bắc Quách Viên và Biệt viện họ Lâm (tại Bản Kiều). Gia đình họ Lâm tại Bản Kiều được cho là gia tộc giàu có nhất trong lịch sử Đài Loan. Nhiều người Đài Loan còn cho rằng gia tộc họ Lâm còn giàu có hơn gia tộc Terry Gou hiện nay đang nắm giữ tập đoàn Foxconn.

Biệt viện họ Lâm (林本源園邸) nằm tại quận Bản Kiều (Banqiao), thành phố Tân Đài Bắc (New Taipei), là khu dinh thự được xây dựng bởi gia đình Lin Ben Yuan (林本源). Biệt thự được xem là biểu tượng tiêu biểu còn sót lại của kiến trúc vườn truyền thống Trung Quốc. Biệt viện họ Lâm được xem là một trong bốn khu vườn đẹp nhất tại Đài Loan. Lịch sử của biệt viện bắt đầu từ năm 1847 và được sử dụng như là khu “nhà trọ” của gia đình họ Lâm. Sau đó hai anh em Lin Guo Hua và Lin Guo Fang chính thức biến nó trở thành biệt viện của gia đình họ Lâm. Hiện tại, biệt viện được quản lý chung bởi Ủy ban Xây dựng văn hóa, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông và Truyền thông, Cục Du lịch, Chính quyền Thành phố Tân Đài Bắc để cùng nhau gìn giữ và bảo tồn di sản này.

Biệt viện có diện tích bề mặt xấp xỉ 2000m2 gồm ba phần chính: nhà trên, nhà dưới và vườn. Khu vườn trong biệt viện được biết đến dưới tên gọi Vườn Gia đình họ Lâm tại Bản Kiều. Khu nhà mang tên Dinh thự 3 khu vườn nhỏ ở phía Tây thuộc về Hiệp hội Cúng tế các hoạt động Thương mại của gia đình họ Lâm.

Tổ tiên của Lin Ben Yuan (林本源) là Lin Ying Yin (林 應 寅) đến Đài Loan vào năm 1778, đầu tiên Lin Ying Yin lập nghiệp ở khu vực Tân Trang. Sau đó con của Lin YingYin là Lin Ping Hou (林平侯) bán gạo và muối để kiếm sống. Thời gian này liên tục có những cuộc nổi loạn và khởi nghĩa nên vật giá biến động không lường, nhờ đó mà cha con họ Lâm dễ dàng kiếm tiền nhờ việc kiểm soát hoạt động mua bán gạo muối tại Đài Loan. Sau khi phát tài nhờ việc buôn bán gạo, Ling Pinghou mua một khu đất trồng trọt lớn và thiết lập gia tài tương lai cho gia đình Lin Ben Yuan. Từ năm 1946 đến năm 1948, để cho hoạt động lưu trữ lúa gạo trở nên thuận tiện thì anh em Lin Ping Hua và Lin Ping Fang cho xây dựng Biyiguan ở Bản Kiều. Khu nhà này có diện tích 500m2 với khu vườn nhỏ bốn góc có hình dáng đặc biệt với những đình tập võ ở trước và sau khu vườn.

Lin Pinghou có năm người con, ông ta đặt tên các con theo khái nghiệm 飲水本思源 có nghĩa không bao giờ quên nguồn nước mà mình uống. Trong tất cả những người con của Lin Pinghou thì người con thứ 3 và thứ 5 là những người thành công nhất nên biệt viện có tên là Lin Ben Yuan biệt viện.

Năm 1851, Gia tộc Lin Ben Yuan dời tới Banqiao. Trong cùng năm này họ tiến hành xây dựng khu dinh thự 3 khu vườn nhỏ (三落大厝) trở thành nơi ở của gia tộc. Ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc minnanese điển hình với phong cách mái đỏ cong và việc sử dụng gạch là vật liệu chính. Tất cả kiến trúc mái, cửa và cột đều rất chi tiết và tinh tế.

Quay ngược lại thế kỷ 18, có những cuộc tranh chấp giữa hai nhóm người Mẫn Nam là Zhangzhou và Quanzhou, đặt biệt là ở khu vực Đài Bắc. Trước đó Đài Loan được bắt đầu phát triển từ khu vực phía Nam và khu vực Đài Bắc gần như bị bỏ trống. Bắt đầu thế kỷ 18, ngày càng nhiều người nhìn thấy được lợi ích thương mại của sông Tamsui, việc này biến vùng đồng bằng Đài Bắc trở thành vùng đất “hoàn toàn tự do để giành giật”. Do đó mà người nhập cư từ Zhangzhou và Quanzhou có xung đột với nhau trong việc tranh giành đất đai nhằm làm lợi cho nhóm người mình. Bởi vì quyền lực và sự giàu có, gia đình Lin Ben Yuan trở thành lãnh đạo của nhóm Zhangzhou và biệt viện trở thành thủ phủ của nhóm di dân Zhangzhou. Chính vì vậy mà biệt viện được kết hợp những thiết kế phòng thủ để hàng trăm dân quân có thể cư trú tại đây để canh gác. Sau nhiều những xung đột và tranh chấp, nhóm Quanzhou chiếm cứ khu vực miền Bắc vùng hợp lưu của hai sông Tamsui và Keelung (ngày nay thuộc huyện Wanhua và Datong). Nhóm ZhangZhou chiếm cứ khu vực chiếm cứ khu vực phía Nam hợp lưu của hai sông này (Banqiao ngày nay).

Sau năm 1949, khu vườn của nhà họ Lâm được cho thuê để làm nơi cư trú tạm thời cho binh lính đến từ Trung Quốc. Năm 1977, Gia tộc Lin Ben Yuan quyên góp một phần khu vườn cho chính quyền thành phố Đài Bắc.

Về cấu trúc, biệt viện có thể chia ra làm 8 khu vực riêng bao gồm:

Jigushuwu (汲古書屋)

Ngôi nhà mô phỏng kiến trúc thời Minh này được đặt theo tên của nhà sưu tầm sách nổi tiếng của thế kỷ 17 Mao Zijin. Trước kia nơi đây có hàng ngàn đầu sách và không thiếu những bộ sưu tập sách từ thời Tống và Nguyên. Khu nhà này được sử dụng cho việc học tập của các con trai trong gia tộc họ Lâm.

Mặc dầu gia tộc họ Lâm giàu có từ việc mua bán nhưng theo truyền thống Trung Quốc cổ đại luôn có định kiến với việc buôn bán nên gia tộc họ Lâm đã xây dựng phòng đọc sách lớn như vậy để nhắc nhở con cháu các thế hệ sau rằng việc trở thành học giả quan trọng hơn là trở thành những nhà buôn.

Laiqingge (來青閣)

Nằm ở trung tâm của khu vườn, tòa nhà được sử dụng như là nhà khách. Từ trên tầng thượng tòa nhà có thể nhìn thấy được toàn cảnh khuôn viên khu vườn. Đối diện tòa nhà là sân khấu với hàng câu đối dọc theo hai bên sân khấu. Gia tộc họ Lâm trước kia thường mời các đoàn kịch về diễn để mua vui cho khách đến thăm. Tương truyền rằng trong suốt lịch sử của tòa nhà này chỉ có hai quan chức có cơ hội được qua đêm tại đây là tuần phủ đầu tiên của Đài Loan vào thời Thanh là Liu Mingchuan và Toàn quyền Nhật tại Đài Loan Kodama Gentaro.

Xiangyuyi (香玉簃)

Đây là nơi dành cho việc thưởng ngoạn khung cảnh khu vườn phía trước với những lối nhỏ bao bọc bởi các chủng loại hoa, dọc theo những tán cây vươn cao bọc lấy khoảng không bầu trời phía trên ngôi nhà. Mỗi mùa hoa, gia chủ trước kia thường mời khách đến đây để thưởng cảnh và đàm đạo.

Guanjialou (觀稼樓)

Tòa lầu được thiết kế quay về phía dãy nhà chính. Trước kia, từ đây có thể ngắm nhìn những những người nông dân đang chăm sóc cánh đồng của mình dưới chân núi Guanyinshan (觀音山) từ xa.

Yuboshuixie (月波水榭)

Ngôi nhà được xây dựng dọc theo dòng nước nối với bờ bên kia qua một cây cầu nhỏ. Trên đỉnh ngôi nhà có một cái sân để ngắm trăng. Bởi vì có thể nhìn thấy ánh trăng phản chiếu trên mặt nước khi đang thưởng trăng trên đỉnh lầu nên ngôi nhà được mang tên Yuboshuixie (月波水榭).

Rongyindachi (榕蔭大池)

Là hồ nước lớn nhất trong khu vườn được che mát bởi những cây đa cổ thụ được trồng trên bờ hồ. Bao bọc lấy hồ là những ngôi đình với đầy đủ hình dáng.

Jingziting (敬字亭)

Được xây dựng với mục đích “Trân trọng chữ viết”, nằm bên cạnh Rongyidachi với những lò đốt giấy, Jingziting được sử dụng như là nơi để đốt chữ đã được viết ra trên giấy với sự tôn trọng dành cho ngôn ngữ và sự kính trọng dành cho văn hóa.

Mỗi khu nhà lại mang trong mình một vai trò và nét đẹp riêng, tuy nhiên chúng không tách biệt mà hòa quyện vào nhau, bổ trợ cho nhau tạo nên một không gian xanh mát, trong lành và đầy thư giãn. Dọc theo những lối cũ bên hồ, ngắm nhìn dòng nước xanh mát, thưởng lãm những câu đối cổ trên vách tường, tưởng như ta đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh xưa cũ.

Trải qua thời gian, dù gia tộc họ Lâm không còn là gia tộc giàu nhất Đài Loan nhưng Biệt viện họ Lâm Bản Kiều vẫn nằm đó với những giá trị và vẻ đẹp vô hạn, là tiêu biểu của phong cách thiết kế vườn truyền thống Trung Quốc và phong cách kiến trúc Mẫn Nam điển hình, chắc chắn rằng biệt viện sẽ làm say mê bất cứ du khách gần xa nào bởi vẻ đẹp tinh tế và giàu truyền thống của mình. Những hàng trúc mọc dọc theo hành lang đã phai màu theo thời gian, những mái đình vươn cao chiếu mình xuống hồ nước xanh miên man, tất cả mang đến cho quan khách một Đài Loan của những ngày xưa cũ. Đặc biệt, trong những ngày cuối tuần, những buổi biểu diễn Kinh Kịch trong khuôn viên Biệt Viện chắc chắn sẽ níu chân bạn, khiến du khách khó lòng có thể rời khỏi. Thưởng thức tiếng kèn Tàu, ngắm nhìn những mái đình cong, những cánh hoa gạo lung lay trước gió xuân, bạn sẽ bất giác cảm thấy tiêu dao tràn đầy, lòng dâng lên sự cảm khái với vẻ đẹp cổ kính của khu vườn.

Để di chuyển đến Biệt viện họ Lâm, du khách sau khi hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Đào Viên có thể sử dụng tuyến tàu điện ngầm MRT màu tím đến ga tàu Đào Viên. Từ ga tàu Đào Viên, du khách đón tàu cao tốc từ ga Đào Viên đến ga tàu Bản Kiều. Biệt viện họ Lâm cách ga tàu Bản Kiều khoảng 1.1 km nên bạn có thể đi bộ đến Biệt viện, đồng thời có thể ngắm khung cảnh đời sống đường phố hằng ngày tại Đài Loan. Nếu thời gian gấp rút bạn có thể đón taxi và chi phí không cao vào khoảng 100 NTD (75.000 VNĐ).

Khách tham quan nếu đang viếng thăm các địa điểm du lịch tại Đài Bắc trước đó hoặc đang lưu trú tại Đài Bắc cũng có thể duy chuyển trực tiếp từ Đài Bắc đến Bản Kiều để phù hợp hơn với lịch trình. Từ các địa điểm khác nhau tại Đài Bắc, bạn có thể chọn các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm gần nhất để đến ga Trung tâm Đài Bắc (ở Đài Loan, đặc biệt là Đài Bắc thì các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm rất thuận tiện, có rất nhiều điểm đón đỗ nên đừng ngại hỏi thăm người dân địa phương hoặc Google về điểm đón đỗ phương tiện công cộng gần nhất nhé). Từ ga Trung Tâm Đài Bắc bạn di chuyển bằng tuyến tàu điện ngầm màu xanh để đến ga Bản Kiều. Từ ga Bản Kiều như mình đã đề cập ở trên, bạn có thể chọn các cách thức khác nhau để đến Biệt viện. Chúc mọi người có một chuyến khám phá Biệt viện đầy ý nghĩa.

Trở về

You May Also Like

[Ẩm thực Đài Loan] Đậu phụ chảo - Khiêm nhường mà tinh tế

[Ẩm thực Đài Loan] Đậu phụ chảo - Khiêm nhường mà tinh tế

[Du lịch Đài Loan] Mùa thu - chúng mình cùng đi đâu?

[Du lịch Đài Loan] Mùa thu - chúng mình cùng đi đâu?

[Du lịch Đài Loan] Tuyệt cảnh bốn mùa tại Đài Loan

[Du lịch Đài Loan] Tuyệt cảnh bốn mùa tại Đài Loan

[Ẩm thực Việt tại Đài Loan] Mê mẩn hương vị “Vịt”

[Ẩm thực Việt tại Đài Loan] Mê mẩn hương vị “Vịt”

[Cuộc sống Đài Loan] “Chợ Việt Nam Văn Sơn” với hoạt động hướng dẫn đưa du khách tìm lại những dấu tích của người Việt Nam di cư

[Cuộc sống Đài Loan] “Chợ Việt Nam Văn Sơn” với hoạt động hướng dẫn đưa du khách tìm lại những dấu tích của người Việt Nam di cư

[Cuộc sống Đài Loan] Tam Loan - Lực lượng khuấy động văn hóa nông thôn

[Cuộc sống Đài Loan] Tam Loan - Lực lượng khuấy động văn hóa nông thôn

[Cuộc sống Đài Loan] Người Khách Gia ở Đài Loan, bạn có biết?

[Cuộc sống Đài Loan] Người Khách Gia ở Đài Loan, bạn có biết?

[Du lịch Đài Loan] Đài Loan - Top 5 điểm du lịch  TUYỆT ĐẸP ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN

[Du lịch Đài Loan] Đài Loan - Top 5 điểm du lịch TUYỆT ĐẸP ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN

[Du lịch Đài Loan] Vịnh biển Đông Áo Nghi Lan: Món quà mỹ lệ mà thượng đế dành riêng cho Đài Loan

[Du lịch Đài Loan] Vịnh biển Đông Áo Nghi Lan: Món quà mỹ lệ mà thượng đế dành riêng cho Đài Loan

[Du học Đài Loan] Cẩm nang du học Đài Loan

[Du học Đài Loan] Cẩm nang du học Đài Loan