[Văn hóa Đài Loan] - Khi dùng cơm cần chú ý điều gì?
Viết:Hello VietNam
Bữa ăn là khoảng thời gian không chỉ để thưởng thức các món ăn ngon mà còn là khoảng thời gian dành cho những người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tụ họp lại, có cơ hội trò chuyện về công việc, cuộc sống. Bữa ăn cũng là một phương thức để mở rộng các mối quan hệ kinh doanh cũng như tạo nên các mối liên kết xã hội, vì vậy, lễ nghi trong bữa ăn cũng rất được coi trọng. |
Bất cứ vùng đất, quốc gia, khu vực nào cũng có những phong tục tập quán, văn hóa, lễ nghi trong bữa ăn khác nhau, Đài Loan cũng không ngoại lệ. Hãy cùng Hello Vietnam khám phá những điều cần lưu ý trong bữa ăn của người Đài Loan nhé.
Khi bữa “ăn” không chỉ là bữa ăn
Nếu người Việt Nam có câu thành ngữ “Trời đánh tránh bữa ăn” để biểu thị mức độ quan trọng của bữa ăn thì người Đài Loan có câu nói như sau「吃飯皇帝大」 “Bữa ăn là vua”, có nghĩa không có gì quan trọng hơn bữa ăn, dù có việc gì đi chăng nữa thì đợi ăn xong rồi tiếp tục giải quyết. Chính vì vậy lễ nghi trong bữa ăn cũng được người Đài Loan cực kỳ chú trọng. Ngoài ra, do sự ảnh hưởng từ các tư tưởng Nho giáo nghiêm khắc từ Trung Quốc nên người Đài Loan cũng có những điều cấm kỵ và những nguyên tắc trong khi dùng bữa, đặc biệt là:
Vị trí ngồi trong bàn ăn
Vị trí ngồi trong bàn ăn là một phần quan trọng đối với người Đài Loan bởi sự ảnh hưởng của các quy tắc Nho giáo để thể hiện tôn ti trật tự trong thứ bậc. Đồng thời, đó cũng là sự tôn trọng đối với các bề trên và phân biệt các cấp bậc cao thấp, mức độ quan trọng khác nhau của từng cá nhân trong bàn ăn.
Ghế đối diện với lối vào (hoặc phía Đông, nếu có thể) được gọi là “ghế chủ toạ” - phía Đông tương đương với “người chủ bàn tiệc”. Vị trí này thường được dành riêng cho người có địa vị cao nhất, có thể được xác định theo độ tuổi, địa vị xã hội, nghề nghiệp,... Quy tắc này áp dụng cho cả bàn vuông và bàn tròn. Nếu bạn là khách mời danh dự thì hoàn toàn có thể được yêu cầu ngồi ở vị trí này. Trong các dịp quan trọng, những người càng ngồi gần người có địa vị cao nhất thì cấp bậc của họ càng cao, và đa phần đều là người sẽ thanh toán bữa ăn.
Ngoài những nguyên tắc chung bắt buộc vẫn được duy trì để thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc trưởng bối, người Đài Loan cũng rất linh hoạt trong lúc dùng bữa, và họ coi trọng sự tiện lợi hơn là các lễ nghi.
Kính trọng các vị trưởng bối
Cũng giống như Việt Nam, ở Đài Loan cũng có những quy tắc bất thành văn như là kính trên nhường dưới. Sau khi thức ăn đã được chuẩn bị xong và bày biện lên bàn, mọi người có thể ngồi vào vị trí tuy nhiên phải đợi người lớn tuổi gắp miếng đầu tiên thì những người còn lại mới bắt đầu bữa ăn. Nhưng thường các buổi họp mặt gia đình, bạn bè thân thiết thì không quá câu nệ lễ nghi, ngược lại thì người lớn thường cho trẻ nhỏ ăn trước sau đó cùng nhau dùng bữa.
Trong khi ăn không nên nói chuyện
Cũng giống như ở Việt Nam, các bậc trưởng bối và phụ huynh thường hay dạy dỗ con cháu về việc trong khi ăn không nên nói chuyện. Vì khi đang ăn nếu như nói chuyện, cười đùa sẽ dẫn đến việc bị sặc thức ăn hoặc không được vệ sinh, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến người ngồi ăn cùng. Ngoài ra, khi ăn nên nhai nhẹ nhàng, tránh gây ra âm thanh thậm chí là đặc biệt ở những nơi công cộng và những bữa ăn đông người tham gia. Đây là một phép lịch sự và là một trong những lưu ý quan trọng trong việc ăn uống của người Đài.
Không dùng đũa, muỗng của mình để gắp thức ăn chung
Ở Đài Loan, khi dùng cơm trong mâm cơm chung thì mỗi món ăn đều được để đũa hoặc muỗng dùng chung để mọi người có thể sử dụng khi gắp thức ăn về bát của mình. Việc dùng muỗng, đũa của riêng mình để gắp, lấy đồ ăn chung là một hành động thiếu ý tứ và cần đặc biệt lưu ý khi tham dự các bữa tiệc hoặc các bữa ăn có nhiều người tham gia.
Chú ý cách đặt đũa trong bữa ăn
Đối với người Đài Loan, cắm đũa vào giữa bát cơm là việc cần kiêng kị tuyệt đối, vì đó giống như việc cắm nhang trong ly hương thờ cúng. Ngoài ra không được dùng đũa để gõ bát, vì việc này giống như hành động của người ăn xin.
Sau khi kết thúc bữa ăn nên để đũa nằm ngang trên bát, nhưng cần lưu ý phải đợi trưởng bối dừng đũa rồi mới được đặt đũa lên bát. Trưởng bối rời khỏi bàn ăn thì xem như bữa ăn có thể kết thúc. Nếu trong trường hợp bạn muốn rời khỏi bàn ăn trước, cần phải xin phép trưởng bối và sau đó mới từ từ rời đi. Bạn cũng cần chú ý đến việc vệ sinh răng miệng sau bữa ăn sau đó mới tiếp tục cuộc trò chuyện.
Mỗi một vùng đất đều có những lễ nghi văn hóa khác biệt. Ông bà ta có câu “nhập gia tùy tục”, vì vậy nếu tham dự vào các bữa ăn, bữa tiệc hay tham gia tiệc tùng cùng người Đài Loan, các bạn hãy nhớ những điều cần lưu ý cách ứng xử phù hợp v nhé.
Nếu có thêm những điều nào bạn biết về những điều cần chú ý trong bữa ăn, đừng ngại comment bên dưới cho Hello Vietnam và các bạn độc giả cùng biết nha.