[Văn hóa Đài Loan] Văn hóa thờ cúng tổ tiên tại Đài Loan
Viết:Hello VietNam
Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa không chỉ của người Việt nói riêng mà của các dân tộc châu Á nói chung. Giống như Việt Nam, ở Đài Loan cũng có văn hóa thờ cúng tổ tiên, đó là những lễ nghi nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của bậc con cháu. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục con cháu. |
Đài Loan tuy nhỏ nhưng có nền văn hóa rất đa dạng và đặc sắc, có ảnh hưởng bởi các tư tưởng tôn giáo khác nhau như: Đạo giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo... mỗi một tôn giáo khác nhau đều có sự khác biệt trong việc thờ cúng tổ tiên. Không chỉ có vậy, người Mẫn Nam, người Khách Gia, và các dân tộc khác tại Đài Loan đều có tập tục thờ cúng tổ tiên riêng biệt.
Trong cuộc sống thường nhật, trong mỗi ngôi nhà đều có truyền thống thờ cúng thần linh và tổ tiên, sáng và tối đều thắp ba nén hương và cúng trà. Ngày 15 Âm lịch hàng tháng thì cúng thần linh, tùy vào mỗi gia đình có thể tổ chức hoặc không. Việc thờ cúng tổ tiên sẽ được tổ chức cùng với các dịp lễ hội (theo Âm lịch) trong năm như:
Ngày lễ | Thời gian |
Tết Nguyên Đán | Đêm giao thừa và mùng Hai |
Tết Nguyên Tiêu | 15/1 |
Tết Thanh Minh | 5/4 |
Tết Đoan Ngọ | 5/5 |
Tết Trung Nguyên | 15/7 |
Tết Trung Thu | 15/8 |
Tết Trùng Dương | 9/9 |
Lễ Đông Chí | 21/12 |
(Nguồn: Pixabay)
Cách bài trí mâm cúng tổ tiên
Tùy vào thói quen, mỗi gia đình thường sẽ chuẩn bị ít nhất 6 hoặc 12 món ăn tự nấu, trong tiếng Trung gọi là chén cúng (菜碗), ngoài ra có một nồi cơm và trái cây, ba chén rượu hoặc trà, bảy bộ đồ ăn và đũa. Tùy vào lễ hội sẽ có những món đồ cúng khác nhau như: Tết Thanh Minh thì có bò bía mặn (潤餅), Tết Đoan Ngọ có bánh ú gio (粽子), Đông Chí có bánh trôi (湯圓). Trên mâm cúng sẽ có tiền vàng, tùy vào mục đích và chủ đề cúng mà chuẩn bị các loại tiền vàng khác nhau.
Những điều lưu ý trong việc thờ cúng tổ tiên
Nếu trong gia đình có người thân qua đời thì sẽ tổ chức cúng giỗ vào một năm sau khi mất, sau đó thì sẽ thờ cúng cùng với bàn thờ gia tiên.
Khi cúng bái thì sẽ theo trình tự: người chủ gia đình sẽ đến trước bàn thờ tổ tiên; Cầm hương đã đốt; Giới thiệu đơn giản về bản thân; Nói về tình hình gia đình; Cầu mong sức khỏe, bình an, thuận lợi, phát triển...; Cắm hương vào lư hương. Sau khi hương cháy hết quá nửa thì có thể đốt tiền vàng và dọn thức ăn xuống.
Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt được xem như không sạch sẽ nên không được động vào bát hương để tránh mạo phạm người trên cũng như thần linh.
(Nguồn: Pixabay)
Những điểm đặc biệt trong việc thờ cúng tổ tiên của các dân tộc tại Đài Loan
Tại Đài Loan, miền Nam lưu giữ nhiều tập tục truyền thống hơn miền Bắc nên lễ cúng cũng phức tạp hơn. Miền Bắc Đài Loan hiện tại còn ít gia đình thắp hương, một phần là do giới trẻ không có thói quen với các lễ nghi truyền thống, một lý do khác là ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao trong những năm gần đây, việc thắp hương và đốt tiền vàng dẫn đến việc ô nhiễm môi trường.
Nhiều dân tộc ở Đài Loan có cùng tôn giáo nhưng cách cúng bái cũng khác nhau. Người Mẫn Nam sau khi hương đã cháy hơn một nửa thì sẽ thực hiện gieo gỗ (擲茭 : dùng hai miếng gỗ có mặt trái và mặt phải ném xuống đất để xin ý kiến của thần linh, tổ tiên). Nếu hai miếng gỗ đều là mặt phải tức là thần linh, gia tiên đã đồng ý việc kết thúc cúng bái, nếu chưa thì phải đợi tiếp đến khi hương cháy hết và tiếp tục gieo gỗ thêm một lần nữa. Đối với người Khách Gia thì sẽ kính rượu ba lần sau đó kết thúc việc cúng bái.
Không chỉ ở Đài Loan, trên thế giới các tín đồ của Đạo Thiên Chúa giáo không thắp hương và thờ cúng thần linh, tổ tiên ở nhà mà họ đến nhà thờ làm lễ với các nghi thức riêng.
Đối với các dân tộc thiểu số tại Đài Loan, mỗi dân tộc có những lễ hội cúng bái khác nhau (khác biệt với người Hoa). Như là Lễ tế tổ tiên của người Thái Nhã (泰雅族), tín ngưỡng của họ là linh hồn tổ tiên có quyền năng điều khiển việc ban phước lành, đảm bảo cuộc sống cho các thành viên và gia tộc, đảm bảo mùa màng bội thu.
(Nguồn: Wikipedia)
Lễ cúng tổ tiên truyền thống được tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8, sau khi thu hoạch hạt kê (小米). Lễ cúng tổ tiên trong văn hóa người Thái Nhã mang ý nghĩa rất lớn, đó là cầu mong sự phù hộ, đoàn kết bộ tộc. Lễ cúng có các lời dặn của các bô lão, gọi hồn tổ tiên cầu mong năm mới bội thu và bình an cho bộ tộc. Trước ngày lễ cúng, tù trưởng hoặc các bô lão sẽ họp bàn về thời gian, tất cả nam giới trong cộng đồng sẽ tham gia. Mỗi người sẽ cầm một que tre, trên đó có bánh nếp, thịt thú rừng, thịt lợn, bánh kê và các đồ tế lễ khác để dâng lên tổ tiên. Các thành viên trong bộ tộc sẽ tập trung lại, sau khi đã dặn dò thì trưởng tộc sẽ dẫn đến nơi tế lễ, trên đường đi gọi tên tổ tiên, cha, mẹ, những người đã khuất... và mời tất cả tổ tiên của bộ tộc cùng về.
Sau khi đến nơi tế lễ, que tre có lễ vật được cắm trên mặt đất, trưởng tộc sẽ cầu vong linh tổ tiên, sau đó đại diện các bô lão cũng nói chuyện với vong linh tổ tiên. Sau khi tế lễ xong, mọi người sẽ bước qua bếp lửa biểu hiện việc phân tách với các linh hồn tổ tiên. Đồ cúng tế phải được ăn tại nơi cúng không được mang về nhà.
Ngoài các nền văn hóa của các dân tộc vùng núi được Chính phủ công nhận, còn có văn hóa thờ cúng tổ tiên của các dân tộc khác, trong đó có văn hóa thờ cúng của tộc người Tây La Nhã (西拉雅族) được bảo tồn trọn vẹn nhất. Tín ngưỡng tế A Li là sử dụng một cái bình hoặc lọ (chai, lọ, vại đều được, không hạn chế kích thước và số lượng, chỉ cần không hư hỏng và có thể được thay thế bởi sự đồng ý của người thờ cúng) để làm vật thờ. Nước trong bình được gọi là hướng thủy (向水) phản ánh sức mạnh của linh hồn tổ tiên, đồng thời tượng trưng cho nơi an nghỉ của linh hồn. A Li được đặt nơi công cộng, có thể để dưới đất hoặc trên bàn. Các đồ cúng tế đều đặt dưới mặt đất.
Cuộc sống hiện đại và bận rộn cũng đã làm mai một dần đi những nghi thức truyền thống cũng như sự gợi nhớ về tổ tiên. Trong tiếng Trung có câu 「飲水思源」(Uống nước nhớ nguồn). Đây là cốt lõi cho việc thờ cúng tổ tiên, ông bà trong văn hóa phương Đông. Với mỗi một nền văn hóa khác nhau thì việc thờ cúng tổ tiên cũng mang những thói quen lễ nghi khác biệt.
Tuy nhiên, dù là dân tộc nào, thời đại nào và dùng cách thức nào thì cũng chung một mục đích là để hướng về những người đã mất với niềm tin vào sự phù hộ bình an cho những người còn sống.
Vì vậy việc duy trì văn hóa thờ cúng tổ tiên không chỉ là một nét văn hóa đẹp đáng lưu giữ mà còn nhắc nhở chúng ta ghi nhớ công ơn của những người đi trước và tìm về nguồn cội của chính mình.