Doanh nghiệp F&B ứng phó với đại dịch COVID-19 như thế nào?
Viết:Dương Nguyên
Thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam liên tục chứng kiến sự phát triển, thay đổi với tốc độ nhanh chóng cùng với sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng Việt. Tuy nhiên, đứng trước những thử thách và khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, thay vì duy trì trạng thái “ngủ đông”, doanh nghiệp F&B Việt Nam đã phải hết sức nỗ lực để có thể trụ vững, duy trì, và đổi mới hoạt động kinh doanh để thích nghi trong trạng thái “Bình thường mới”. |
(Nguồn: nld.com.vn)
Như đã phân tích ở bài Cuộc đua trên thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) phát triển. Tuy nhiên, đứng trước những thử thách và khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp F&B trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải hết sức nỗ lực để có thể trụ vững, duy trì, và đổi mới hoạt động kinh doanh.
Thay vì trạng thái “ngủ đông” trong giai đoạn đầu của dịch bệnh với sự sụt giảm đáng kể của nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp F&B của Việt Nam đã và đang có những biện pháp ứng phó, thích nghi với đại dịch. Rõ ràng, tới thời điểm hiện tại, sau 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19 tại Việt Nam trong vòng hơn một năm rưỡi vừa qua, thì chiến lược “ngủ đông” và bị động chờ đợi sự trở lại bình thường cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước đã không còn phù hợp nữa. Và một thực tế không thể phủ nhận là nhu cầu của thị trường vẫn còn tiềm năng và có thể gia tăng nếu khai thác được những phân khúc mới. Và vấn đề mấu chốt cho các doanh nghiệp F&B là phải thay đổi như thế nào để có thể đối mặt và thích nghi hoạt động kinh doanh trong trạng thái “Bình thường mới”.
“Bình thường mới” là trạng thái mà nền kinh tế, xã hội,... được thiết lập sau một cuộc khủng hoảng, khi tình trạng này khác với tình trạng đã xảy ra trước khi bắt đầu khủng hoảng. Thuật ngữ này đã được sử dụng liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2008, hậu quả của cuộc suy thoái toàn cầu 2008–2012, và đại dịch COVID-19 hiện nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, “cú sốc ngoại sinh” mang tên Covid-19 và tác động của nó đến nền kinh tế thế giới là một điều không thể tránh khỏi, và không một nhà khoa học nào có thể dự đoán chính xác thời điểm kết thúc của dịch bệnh. Do đó, chính bản thân các doanh nghiệp F&B phải thực sự bình tĩnh và bản lĩnh để có thể đương đầu và vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thậm chí, tận dụng “cú sốc” này như một cơ hội để đổi mới.
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp F&B đã luôn nỗ lực tìm cách “sống chung” với đại dịch. Đầu tiên, đó là sự thừa nhận những tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đó, tiến hành phân tích tình trạng của thị trường và doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đổi mới và liên minh chính là hai chìa khóa thiết yếu cho doanh nghiệp F&B trong giai đoạn hiện nay.
Trong giai đoạn số hóa diễn ra mãnh liệt trên toàn cầu, thời điểm hiện tại chính là lúc mà các doanh nghiệp F&B không đứng ngoài quá trình này. Đối với các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, thì giai đoạn này chính là “cú hích” để họ phải thay đổi. Sẽ không khó bắt gặp hình ảnh của những chiếc xe giao hàng Grab Food, Beamin, trên các tuyến đường của các thành phố lớn của Việt Nam. Đây là những “chiếc cầu nối” của những ông lớn trong ngành F&B cho đến những quán phở, quán chè, xe bánh mì và người tiêu dùng. (Điều này tương tự phổ biến như hình ảnh của Foodpanda hay Uber Eat tại Đài Loan).
Các giải pháp công nghệ dành cho các doanh nghiệp F&B từ khâu đặt hàng cho đến thanh toán được nghiên cứu, phát triển, cũng như triển khai một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và quyết liệt. Và đây cũng chính là giai đoạn thích hợp để kiểm chứng tính hiệu quả của chúng. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh và quản lý cũng cần được các doanh nghiệp thực hiện. Thay vì, phục vụ tại chỗ hay mang đi, hình thức kinh doanh chủ yếu hiện tại cho các doanh nghiệp là giao hàng đến tận tay khách hàng, hoặc thông qua các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…
Nhiều doanh nghiệp F&B cũng tận dụng giai đoạn này để nghiên cứu và đổi mới danh mục sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm là chiến lược để có thể ứng phó với đại dịch. Tiêu biểu phải kể đến sự linh hoạt trong thay đổi chiến lược của The Coffee House với việc ra mắt sản phẩm cà phê sữa đá hòa tan, dạng gói 3in1, cà phê sữa đá đóng lon,... được phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặt hàng trên ứng dụng của chuỗi, các nền tảng thương mại điện tử thay vì việc mở những cửa hàng sang trọng ở những vị trí đắc địa.
(Nguồn: https://a1demy.com)
Việc bắt tay để tạo ra những “liên minh” nhằm có thể tận dụng những lợi thế cạnh tranh với mối quan hệ cộng sinh cũng là một giải pháp then chốt trong hiện nay của các doanh nghiệp F&B. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, vấn đề về kênh phân phối và chuỗi cung ứng là những điều khiến doanh nghiệp đau đầu nhất. Để có thể vượt qua được những thử thách này, các doanh nghiệp đã xây dựng những “liên minh”, bắt tay với những doanh nghiệp liên quan để có thể tạo ra những mô hình kinh doanh hợp lý, có thể thích nghi với tình hình thực tế.
Với sự ra đời của mô hình “Kiosk Phúc Long” trên nền tảng cửa hàng VinMart+ là một minh chứng cho điều này. Với tham vọng phát triển mô hình này qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Hay như chiến dịch COVYDIDI 2021, một chiến dịch phi lợi nhuận, một hành trình Liên minh các công ty công nghệ F&B và Retail với nỗ lực vực dậy doanh nghiệp F&B hậu COVID-19 và thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp.
Việt Nam là một thị trường mới nổi, đầy tiềm năng và đang còn bị dẫn dắt bởi sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng, trong điều kiện thực tế là các doanh nghiệp F&B lại hết sức non trẻ, mô hình kinh doanh truyền thống vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Đối mặt với cú sốc ngoại sinh như đại dịch COVID-19, doanh nghiệp F&B không thể tránh khỏi những khó khăn liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự,…
Việc tỉnh táo để có thể lựa chọn một giải pháp chiến lược ứng phó phù hợp đồng thời có thể biến thách thức thành cơ hội để xây dựng thương hiệu, tái định vị thương hiệu, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng chính là chìa khóa cho các doanh nghiệp F&B trong đợt “chọn lọc” sống còn này.