Giữa bão dịch Covid-19 và câu chuyện về bộ mặt của truyền thông Đài Loan


Cách đây không lâu, chắc có lẽ chúng ta vẫn chưa kịp quên câu chuyện về hashtag ApologizeToVietnam giữa cư dân mạng Hàn Quốc và Việt Nam, sự việc xảy ra sau khi một nhóm du khách Hàn Quốc du lịch đến Đà Nẵng trong tình hình dịch bệnh đang mất kiểm soát ở Hàn Quốc, thậm chí truyền thông Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam bạc đãi người dân Hàn Quốc trong quá trình cách ly. Câu chuyện dài đó có lẽ đã có quá nhiều báo đài đưa tin và bàn luận, vì vậy trong bài viết này tôi không nhắc lại chi tiết, mà chỉ nhắc lại như một minh chứng cho quốc tế quan hạn hẹp và cái tôi dân tộc quá lớn của một bộ phận người Đài Loan không thích xem tin tức quốc tế mà chỉ thích nghiền ngẫm những chương trình nội địa, cổ suý tinh thần dân tộc một cách lệch lạc.

Những tưởng câu chuyện giữa cư dân mạng Hàn Quốc và Việt Nam đã qua đi, khi mà sự phát triển dịch bệnh vô cùng phức tạp và nhanh chóng như hiện nay, thì bất cứ người dân ở đất nước nào đều phải ý thức được tầm nguy hiểm và giá trị của việc tự bảo vệ bản thân và xã hội là quan trọng đến mức độ nào. Đặc biệt là đối với Đài Loan, hòn đảo nhỏ mà đa phần dân cư tự đánh giá mình là một đất nước phát triển, có nền dân chủ văn minh và y học thuộc tầm tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng là một nước đang đi đầu trong ý thức phòng chống dịch bệnh, vậy nhưng lại có một số không ít người dân trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế quyết định xuất cảnh đi ngao du sơn thuỷ. Việc xuất cảnh trong tình hình dịch bệnh đang dâng cao đã là một điều đáng nghi ngại, nhưng vấn đề còn đáng quan tâm hơn là ý thức của nhóm người đó có đủ tốt để xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình họ du hành!? Và lúc này điều chúng ta đang thấy là họ không đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm cho quyết định của chính bản thân mình. Tai hại hơn là sau khi sự việc của nhóm người Đài Loan này bị chính phủ Việt Nam cách ly theo tiêu chuẩn cách ly hiện hành thì báo chí truyền thông ở Đài Loan (trong đó không thể không kể đến 三立新聞, TVBS…) lại phát tán những tin tức thất thiệt, không đúng sự thật, bôi nhọ chính phủ Việt Nam cũng như những cố gắng của đất nước này trong nổ lực ngăn chặn dịch bệnh phát triển.

Từ những ngày đầu tiên trong công tác phòng dịch thì chính phủ Việt Nam đã áp dụng hình thức cách ly tập trung trên cả nước, trong đó thông tư có những quy định rõ ràng về những khoản chi phí được nhà nước tài trợ (như miễn phí chữa trị, được cấp không những dụng cụ y tế và sinh hoạt cần thiết, được miễn phí di chuyển từ điểm xuất phát…) và những khoản chi phí mà người bị áp dụng biện pháp cách ly phải tự chi trả, trong đó có liệt kê chi phí ăn uống. Nhưng để vận động công dân hợp tác với nhà nước trong việc thực hiện cách ly, nên tất cả các tỉnh thành tiến hành hỗ trợ chi phí ăn cho công dân Việt Nam, còn đối với trường hợp công dân nước ngoài thì gần đây chính phủ Việt Nam mới áp dụng việc thu phí. Nhóm người Đài này không ngừng chỉa mũi dùi và lên án những suất ăn khó ăn, hoàn cảnh sinh hoạt không được như ý, thời gian cách ly không rõ ràng và chi phí cách ly 300 USD. Các đài đưa tin không ngừng nhấn mạnh việc thu phí 300 USD đối với du khách Đài Loan nhưng lại không quên cắt xén sự thật 300 USD này là một phương án chọn lựa cho những cá nhân có nhu cầu riêng (cụ thể là nhu cầu được cách ly tại khách sạn đã thông qua chỉ định của Bộ Y Tế)…Thiết nghĩ việc cách ly trong vòng 14 ngày đang được áp dụng rộng rãi khắp nơi, chính ngay tại Đài Loan, chính phủ của họ cũng từng ngày áp dụng những chính sách nhập cảnh ngày càng thắt chặt để giảm số lượng nguồn bệnh ngoại nhập thì trong hoàn cảnh tương tự, việc chính phủ Việt Nam đang làm có gì sai trái!?

Ngay sau khi những tin tức gây thất thiệt này được phát tán, Văn Phòng Kinh Tế Văn Hoá Đài Bắc đã có văn bản đính chính về vụ việc, nhưng sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị truyền thông nêu trên đã không đính chính tin tức sai lệch mà thay vào đó còn càng truyền càng tràn lan.

Câu chuyện những người dân ở nước phát triển đến du lịch hay công tác tại các nước Đông Nam Á nhưng lại hay kén cá chọn canh, chê bai chất lượng dịch vụ, mức độ chuyên nghiệp … đã là điều không xa lạ, nhưng lạ lẫm ở đây là khi chúng ta nhìn thẳng vào tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, chúng ta đều ngầm hiểu được để một đất nước đang phát triển như Việt Nam có thể khống chế và kiểm soát dịch bệnh là một điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh có sự giới hạn nhất định về ngân sách, cơ sở hạ tầng y tế, nguồn nhân lực có chuyên môn…và là một nước đông dân. Chính người dân Việt Nam khi bị cách ly cũng sẽ được đối xử giống như tất cả người dân trên thế giới khi đến Việt Nam bị cách ly. Trong quá trình cách ly, nếu có xảy ra sự bất công hay hiểu nhầm do hoàn cảnh văn hoá, đời sống khác biệt thì chúng ta cũng nên hiểu chính những người dân Việt Nam cũng phải chấp nhận hiện thực đó, và thông cảm cho gánh nặng trên vai của các chính phủ. Sự hiểu biết và thông cảm này thể hiện ý thức của một người dân trong việc bảo vệ đất nước của mình, còn đối với người nước ngoài bị cách ly ở Việt Nam thì việc tuân thủ và tôn trọng pháp luật, tình trạng của nước sở tại chính là bảo vệ thể diện quốc gia cũng như bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.

Ở Đài Loan, vấn đề tự do ngôn luận, đặc biệt ở góc độ truyền thông báo chí, tôi cảm thấy nó đang đi quá xa và có nguy cơ đem đến những tiêu cực cho sự phát triển của xã hội lâu dài. Tôi từng có rất nhiều cuộc trò chuyện về vấn đề này với bạn bè, đồng nghiệp của mình, chính người Đài Loan đều ý thức được hiện trạng tin tức kém chất lượng hiện nay. Đài truyền hình thì nhiều vô kể nhưng những tin tức được phát sóng lại vô cùng thiếu tính giáo dục, sáng tạo hay nói cách khác là thiếu dinh dưỡng. Tin thế giới thì rất ít, tin chính sự thì toàn là những chiêu trò kéo phiếu hay công kích lẫn nhau của các Đảng phái chính trị thao túng phía sau, tin đời sống thì chú trọng những tin tức giật tít như đánh ghen, ẩu đả, tai nạn,… Đồng ý là vẫn có những kênh tin tức đủ khách quan và chất lượng, nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong bối cảnh người xem tin có hàng trăm lựa chọn.

Người Đài gọi thực trạng này là 垃圾新聞 (tin rác rưởi). Tuy là rác rưởi như vậy nhưng sao mà ngày nào người ta cũng làm và nhất là vẫn có người xem, một thực tế đau đớn hơn là lại nhiều người xem loại tin này nữa là đằng khác. Rốt cuộc, đây là vấn đề quả trứng có trước hay con gà có trước? Là người làm tin không có năng lực hay là vì người xem tin lựa chọn xem những tin tức thiếu chất lượng. Dù lí do là gì thì có một thực tế là với ngành công nghiệp truyền thông như thế thì mỗi ngày, con của chúng ta, cháu của chúng ta ngồi xem truyền hình thì chúng sẽ học được gì từ đó? Trẻ em sẽ hình thành nhân cách và phẩm chất gì khi trưởng thành?

Cách đây không lâu, Đài Loan có một bộ phìm truyền hình hợp tác cùng HBO Asia, The World Between Us (我們與惡的距離), một bộ phim thực tế và sâu sắc đến nỗi có thể phản ánh gần hết những vấn đề còn tồn tại sâu thẳm trong xã hội Đài Loan. Trong đó, vấn đề chất lượng tin tức được khắc hoạ vô cùng rõ nét thông qua hình ảnh nhân vật của nữ diễn viên chính do Giả Tĩnh Văn đảm nhận. Trong phim có một đọan hội thoại làm tôi không sao quên được khi nhân vật của Giả Tịnh Văn khiển trách nhân viên cấp dưới của mình về cách sắp xếp tin tức:

 「我們Daliy新聞,是要做給一般的觀眾,一般觀眾只有七歲的智商,只有國中的程度。 」

「Báo Daily của chúng ta chỉ là làm báo cho những thính giả bình thường, thính giả bình thường chỉ có IQ của đứa trẻ 7 tuổi và trình độ cấp hai mà thôi」.

Nữ chính là người mang trong mình hoài bão thay đổi thực trạng báo chí ở Đài Loan nhưng đồng thời cũng là một người phụ nữ gánh trên vai đủ thứ áp lực cuộc sống của gia đình mình, và mong muốn thay đổi hình ảnh và hoài bão tạo ra giá trị tin tức không phải chuyện mà chỉ có một hoặc hai người quyết tâm là có thể làm được. Có cầu thì mới có cung và ngược lại, tin tức chỉ trở nên có giá trị khi người nhận tin biết chọn lọc và người làm tin có nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Bộ phim kết thúc với rating cao ngất ngưởng và làm người xem không khỏi ngậm ngùi và suy nghĩ về các vấn đề mà xã hội Đài Loan đang đối mặt. Nó trở thành một hiện tượng của phim truyền hình năm 2019, đồng thời trở thành hình mẫu cho rất nhiều phim truyền hình có tính hàn lâm cao sau này. Hơn thế nữa, với thành công của bộ phim này, tôi nghĩ nó ít nhiều đem đến sự thức tỉnh cho một bộ phận không nhỏ người Đài trong việc giáo dục con cái và chọn lọc tin tức để nâng cao giá trị cuộc sống.

Thế nhưng, thực trạng tin tức kém chất lượng không may lại là điều mà người Đài Loan đã quen dần và chấp nhận, tôi những tưởng sau những nổ lực nâng cao nhận thức rất rõ nét của một số cá nhân và tổ chức trong thời gian qua ở Đài Loan, sẽ làm cho một số đơn vị làm tin tức có sự cân nhắc hợp lý về trách nhiệm và giới hạn của mình khi đang làm công tác giáo dục kiến thức và tư tưởng cho nhiều thế hệ.

Có thể nói, Đài Loan là một nước có nền dân chủ nổi bật ở châu Á nhưng mặt trái của một nền dân chủ trẻ tuổi chính là sự dân chủ thiếu tự chủ. Thông qua sự việc đưa tin sai lệch, bóp méo sự thật đối với vấn đề cách ly của Việt Nam thì tôi cảm thấy truyền thông Đài Loan nói chung và những đài truyền hình đã phát tán tin tức thất thiệt gây tổn hại hình ảnh Việt Nam, gây tổn thương con người Việt Nam nói riêng thì là đang đi quá xa so với ranh giới đạo đức nghề nghiệp của nghề làm tin tức. Những tin tức mang theo kiến thức sai lệch, giật tít thiếu trách nhiệm nhằm mục đích câu lượt xem, câu rating này không chỉ đem đến hậu quả trước mắt như tôi nói mà còn là một loại bênh mãn tính kiềm hãm tiến trình phát triển của kinh tế và văn hoá Đài Loan.

Trở về

You May Also Like

Giao thông Đài Loan và câu chuyện về các trạm dừng chân hào hoa

Giao thông Đài Loan và câu chuyện về các trạm dừng chân hào hoa

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam