Giao thông Đài Loan và câu chuyện về các trạm dừng chân hào hoa


Cách đây không lâu tôi đọc một bài phân tích về sự bền vững của một đất nước. Trong đó có một ý làm tôi nhớ mãi, tác giả nói rằng để đánh giá được sự giàu nghèo của một đất nước, trong đó phải nói đến sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Sự chênh lệch này thể hiện qua y tế, giáo dục, thu nhập bình quân trên đầu người và một yếu tố rất hiện hữu rõ rệt nhất là hệ thống giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng. Tất nhiên sự chênh lệch càng nhỏ thì càng thể hiện nội lực của nền kinh tế đó.

Tôi không phủ nhận Đài Loan là một hòn đảo nhỏ với dân số vừa phải, tạo điều kiện thuận lợi nhiều cho việc cân bằng kinh tế và đời sống của người dân, thế nhưng từng đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải nói đến chính sách và đường lối chính phủ.

Khoảnh khắc đầu tiên mà tôi đặt chân đến sân bay Đào Viên, Đài Loan, tôi còn nhớ rất rõ thời điểm đó là tháng 8 năm 2014. Thời tiết ấm áp vừa phải, sau khi ấn tượng với màn xuất cảnh cực kì tử tế của các anh hải quan thì là một sân bay sạch sẽ, khang trang và một hệ thống vận hành cực kì hiệu quả.

Hôm đó chị gái tôi nhờ người bạn đến đón, ngồi trên xe từ Đào Viên về Chương Hóa chúng tôi nói chuyện không ngừng cho đến khi anh bạn nọ tấp vào cái trạm dừng chân. Tôi từng du lịch nhiều nước trước khi đến Đài Loan, trong có cả các nước châu Âu, vì vậy tôi không quá ngạc nhiên với đường cao tốc hoành tráng, kiên cố của Đài Loan. Thay vào đó tôi rất ấn tượng với các trạm dừng chân trên đường cao tốc (中華民國國道服務區).

Ngày đi hoạt động ở Bắc Âu, các trạm dừng chân, trạm xăng khá đơn điệu. Trông chúng sang hơn Việt Nam nhưng cũng chỉ là những trạm xăng đi kèm cửa hàng tiện lợi bên cạnh và nhà vệ sinh. Khi đó trạm dừng như thế tôi đã thấy đủ đẹp rồi, vì mùa đó là mùa hè ở Na Uy, cảnh vật tự nó đã đẹp sẵn.

Còn ở Đài Loan, trạm dừng chân mà tôi thấy gần như một cái trung tâm mua sắm nhỏ. Trong đó có khi có cả Starbucks, cửa hàng tiện lợi, Food Court, khu mua sắm đặc sản theo từng vùng, khu mua sắm quà tặng lưu niệm, khuôn viên để chụp ảnh kỉ niệm và lúc nào cũng có một góc nhỏ để các nghệ sĩ khuyết tật biểu diễn gây quỹ từ thiện cho các chương trình khác nhau. Hơn nữa có một điểm tôi cực để tâm, dù nói ra có chút thiếu tế nhị nhưng tôi muốn viết một câu chuyện trọn vẹn. Trạm dừng chân ở Đài Loan rất sang trọng và hào hoa, nó sang đến cả chỗ đi đại tiện và tiểu tiện. Ở Việt Nam một lần đi xe đường dài tôi ngại nhất khoản này luôn, trạm dừng đa phần không đủ nhà vệ sinh, xếp hàng dài, giành giật với nhau, nếu có đủ dùng thì cũng rất dơ bẩn. Con gái như tôi thấy cực kì bất tiện. Nhà vệ sinh trong các trạm dừng chân này đa số chia làm hai dãy: bên trái thì là bồn cầu ngồi, bên phải là bồn cầu xí xổm. Bạn đừng hỏi vì sao và đánh giá người Đài lạc hậu vì đến giờ vẫn dùng bồn cầu xí xổm. Tôi có vài người bạn qua chơi cứ hay chấp nhất chuyện đó. Tôi bảo không phải đâu, họ đã có tiền làm cái trạm dừng chân như khách sạn, nhà vệ sinh có người dọn dẹp liên tục 24 giờ thì có lý gì họ tiết kiệm tiền mua cái bồn cầu ngồi. Vấn đề là thói quen sử dụng và tôn trọng con người. Người già bên đây họ vẫn quen sử dụng bồn cầu xí xổm, có một số bộ phận khác họ không thích ngồi chung bồn cầu với nhiều người, họ cho rằng không vệ sinh. Vì vậy rất nhiều nơi công cộng lựa chọn xí xổm là có lý do của họ. Đừng thấy vậy mà đánh giá họ lạc hậu hơn mình. Họ suy nghĩ thấu đáo hơn mình thôi vì nhu cầu bản năng này thực sự rất cần được quan tâm đúng mực.

Hai năm sau đó khi có một nhóm học sinh người Mỹ đến thăm Đài Loan, anh bạn người Đài của tôi sống chết phải sắp xếp các bạn ấy tham quan các trạm dừng chân ở Đài Loan. Tôi không lấy làm lạ vì cả ở Mỹ, các trạm dừng cũng khá đơn sơ, giống kiểu tôi miêu tả ở châu Âu vậy. Tôi nghĩ đối với người Đài những trạm dừng chân này đều là niềm tự hào của họ. Tôi đã đi hơn 15 nước, chưa có một đất nước nào dành cho trạm dừng chân nhiều sự ưu tiên đến thế.

Tôi là người yêu thích phương tiện công cộng, từ thời còn sống ở Sài Gòn tôi đã quen đi xe buýt mặc dù nó rất tệ nhưng vẫn đỡ hơn tôi phải lái xe máy hàng giờ và kẹt trong mớ khói bụi ô nhiễm. Đến Đài tôi càng yêu thích các trạm xe lửa phủ khắp đất nước. Có những trạm xe lửa cũ, vắng và nhỏ có thể làm tôi thẩn thơ ngồi ngắm hàng giờ. Mỗi lần như thế tôi lại ước đất nước mình có những tuyến xe như thế để sinh viên, dân văn phòng, người già cả có chỗ ngồi và còn chút tâm tư ngắm chút cảnh sắc khi di chuyển, cũng là để bớt đi các cuộc cãi vã, chặt chém, lừa lọc khi đi xe khách...

Tôi đã đi thử tàu siêu tốc, tàu điện ngầm và cả xe buýt của Đài Loan, tất cả đều rất tuyệt vời nhưng tôi vẫn yêu xe lửa nhất. Nó cho tôi cảm giác kiên cố và là nền tảng cho tất cả. Nhìn vào bản đồ xe lửa, độ phủ sóng, chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn của nó, tôi cảm nhận được sự giàu có và mạnh mẽ từ bên trong của đất nước này.

Những con đường tôi đi qua ở đây luôn cho tôi rất nhiều suy nghĩ và dạy cho tôi biết sống sao cho vừa đủ để hạnh phúc. Các bạn hay đọc những bài viết dài lê thê của tôi chắc biết tôi là sống ở nơi rất quê ở tỉnh Chương Hóa, ở đây nhiều người trẻ tuổi có trình độ, có hoài bão và kỹ năng thì chắc chắn sẽ không chọn ở lại, người ta Bắc tiến, làm các công ty lớn, hằng ngày sử dụng các phương tiện hiện đại, mua sắm ăn uống ở các trung tâm thương mại hoa lệ... Còn tôi hằng ngày đi làm qua những cánh đồng ruộng, các căn nhà mái ngói đỏ, bắt những chuyến tàu chậm và dừng chân ở những trạm dừng có khi không có cả người soát vé.

Bạn hỏi tôi hối hận không? Tiếc nuối vì đã không bất chấp và thử thách chính mình hay không? Câu trả lời tôi khẳng định vẫn là không bao giờ. Có những lúc, nông thôn là nơi rất khó thở vì sự kì thị và thiếu hiểu biết của đại đa số người dân, họ có cái nhìn khắc nghiệt và hạn hẹp hơn đối với người con gái Việt Nam cho dù cô ấy nói lưu loát bốn ngôn ngữ, có tấm bằng cao học, thu nhập gấp đôi con cái của họ thì họ vẫn đánh giá giá trị con người ấy thông qua cái quốc tịch gốc mà thôi. Không biết tự bao giờ những thành quả mà người ta phấn đấu và học tập cả gần nửa đời người đều vô thức bị quy chụp là có được do lừa lọc đàn ông, do làm ăn phi pháp hay thậm chí là bán dâm.

Nhưng rồi thôn quê Đài Loan cho người ta sự bình yên và bình tĩnh sống vì sự vừa đủ của nó. Có dăm ba người bạn rất thân hiểu và tôn trọng mình, có những con đường ruộng nhỏ chỉ vừa hai chiếc xe máy thôi vẫn được tráng nhựa, vẽ vạch nghiêm túc, những con đường núi ngoằn ngoèo lơ lửng trên cao làm tôi chạy hằng giờ không biết mệt mỏi vì chúng phẳng phiu và nên thơ như Đà Lạt của mình. Ở đây tôi có hết tất cả những thứ tôi cần cho một cuộc sống tiện nghi, thoải mái, ở đây có nhiều hơn rất nhiều những gì tôi từng có trong quá khứ, và nó giống như những gì tôi từng mơ ước cho cuộc sống của mình trong tương lai.

Từ ngày tôi bắt đầu lái xe tôi mới lọ mọ tìm hiểu về hệ thống đường cao tốc của Đài Loan. Vẫn câu nói đó, tôi cảm thấy hệ thống giao thông ở đây như một phần thưởng cho cuộc sống. Có những đất nước tôi đi qua với hệ thống giao thông có khi còn xịn sò hơn ở Đài Loan, nhưng suy cho cùng thì mình cũng không sống ở đó lâu dài, mình chỉ là du khách đến đó thưởng thức rồi tiếc nuối ra về. Còn ở cái thôn quê này, cái gì cũng giúp ích và sản sinh ra giá trị thời gian và tài chính cho tôi. Vì vậy tôi biết ơn đến từng tế bào của nó.

Đài Loan có hai con đường cao tốc chính nối Bắc và Nam: 一高 (National freeway 1) và 二高 (National freeway 2). 一高 thường nhiều xe hơn vì con đường này được xây dựng từ sớm và đi qua các thành phố trọng điểm của Đài Loan nên có thể nói là mức độ phát triển đô thị dọc theo con đường hoàn thiện hơn. Đổi lại vì xây dựng khá sớm nên đường chật, tổng cộng có 6 cái trạm dừng chân trên con đường này. Còn 二高 thì ngược lại, đường rộng ít xe và đi qua các thành phố cấp hai hoặc nông thôn, tổng cộng có 7 cái trạm dừng sang chảnh trên cung đường này. Vì vậy bạn muốn ngắm nhìn một lần những trạm dừng chân mà tôi kể thì dù đi 一高 hay 二高 đều có cơ hội ngắm thỏa thích. Bạn đừng nhầm lẫn với các trạm xăng nhỏ nhé, dọc đường ngoài các trạm lớn như tôi kể trên thì vẫn còn các trạm nghỉ nhỏ để đổ xăng và vệ sinh nhưng hiện giờ không còn xuất hiện nhiều trên đường cao tốc nữa.

Ngoài cao tốc Bắc Nam thì sau này chính phủ còn cho xây dựng các mạch đường Đông Tây. Cách nhận biết là số lẻ thì nối Bắc Nam, còn số chẵn thì nối Đông Tây. ETC là hệ thống scan mã vạch để tính phí cầu đường. Mỗi người lái xe đều phải đăng ký trước khi muốn lên cao tốc, sau khi đăng kí người ta sẽ phát một cái sticker để mình dán trên đầu xe. Trên đường sẽ có nhiều trạm scan mã vạch tự động, chỉ cần xe mình đi qua là tự động tính tiền trừ vào thẻ tín dụng hoặc số tiền đã nạp sẵn trong tài khoản ETC. Điều này giúp giao thông đài Loan giảm rất nhiều gánh nặng về mặt thời gian so với trước, cách trước đây là cứ cách 30-50 km lại phải dừng xe xếp hàng chờ trả phí. Dù vậy, những áp lực giao thông trên các mạch đường vào các ngày lễ, ngày nghỉ cũng như giờ cao điểm vẫn còn là một bài toán khó giải.

Cuối bài tôi bàn về văn hoá lái xe của người Đài nhé, đây là những cảm nhận rất cá nhân của bản thân tôi, có lẽ không phải ai cũng đồng ý. Nếu bạn để ý thì sẽ phát hiện văn hoá lái xe của người Đài khác xa so và trái ngược với sự từ tốn và ngọt ngào thường ngày của họ, thỉnh thoảng tôi cầm lòng không được gọi là văn hoá lai xe cực “ lưu manh”. Chắc tại tôi quen kiểu xe cộ nhường nhau ở Sài Gòn nên cảm thấy rất áp lực. Họ rất thiếu kiên nhẫn và thích vượt nhau một cách ngoạn mục ngay cả ở cao tốc và các con đường ruộng nhỏ chỉ vừa chiếc xe bốn chỗ, đặc biệt là người trẻ tuổi và lái xe xịn sò một tí thì cực kiêu căng trên lộ trình. Nói đến đây rồi thì phải nói luôn văn hoá người đi bộ, đặc biệt là người lớn tuổi ở các vùng quê, họ coi đường xá như nhà mình vậy, đi đứng hiên ngang rồi lỡ có xảy ra tai nạn thì ai cũng có lỗi và sẽ tìm đến bảo hiểm kiếm trác. Theo tôi thấy đây là lỗ hổng của pháp luật giao thông Đài Loan. Dù bạn đúng hay sai, thì cứ xảy ra va chạm, đa số các trường hợp ít nhất bạn phải chịu 20-30% trách nhiệm vì lỗi: 應注意不注意. Để đánh giá mức độ đúng hay sai của luật này là rất đa chiều, tôi chỉ có thể nói một khi bạn thật sự tham gia giao thông, bạn mới biết sự bất công nằm ở đâu.

Nói chung, sống ở đâu thì phải tập quen ở đó, vì dù sao Đài Loan cũng đã cho tôi quá nhiều thứ tuyệt vời rồi, đặc biệt là các giá trị tiện lợi cho cuộc sống, trong đó phải nói đến hệ thống giao thông tuyệt vời.

Trở về

You May Also Like

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam