Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn


Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho”. Đây vốn là câu tục ngữ quen thuộc, và được lý giải tại wiki là câu tục ngữ này có ý nói trên đời khó có ai có được hoàn toàn đầy đủ. Nhưng khi đọc lại “Sự tích con thạch sùng” thì tôi lại có suy nghĩ khác. Từ trước đến nay, tôi vẫn cho rằng Thạch Sùng chỉ là một kẻ giàu sổi và kiêu ngạo, giờ thì tôi lại không chắc mình có cái nhìn công bằng với nhân vật này?

Trong câu chuyện cổ tích của chúng ta, Thạch Sùng ban đầu là một kẻ ăn xin nghèo khó, sống dựa vào sự bố thí và thương hại của người khác. Điểm khác biệt ở đây là công việc ăn xin ấy không chỉ khiến Thạch Sùng có thể lo được cho cuộc sống của hắn và vợ mà hắn còn dành dụm được tiền, nhưng không mang tư duy của người nghèo, hắn không tiêu xài số tiền đó, cũng không bỏ “nghề”, ngược lại hắn vẫn chuyên tâm với công việc.

Đến một ngày, Thạch Sùng thấy có hai con trâu húc nhau dưới sông, biết là có điềm báo thiên tai sắp đến nên Thạch Sùng đào số tiền chôn cất bấy lâu và dùng toàn bộ để mua gạo tích trữ. Tháng tám năm đó, lũ lụt khắp nơi và người ta không có gạo để ăn, giá gạo tăng gấp mười gấp trăm nhưng không ai có gạo để bán. Thạch Sùng chờ đến lúc dân tình cùng kiệt mới đem số gạo mình có ra bán, có những nhà giàu phải đổi một thoi vàng lấy một đấu gạo. Từ đó, Thạch Sùng trở nên giàu có và bỏ nghề bị gậy.

Phải nói rằng, Thạch Sùng là một người có óc quan sát tốt, có kinh nghiệm cuộc sống và có cách tư duy của người giàu - điều này thể hiện ở chỗ hắn không tiêu xài số tiền hắn có mà vẫn xin khi có thể, giống như nhiều người giàu dù có đủ tiền mua nhà nhưng vẫn sẵn sàng vay nợ để mua còn tiền trong tay họ mang đi đầu tư chỗ khác.

Chỉ đến khi nhìn thấy cơ hội, Thạch Sùng mới dùng tất cả sự tự tin của mình để đầu tư và sự đầu tư ấy đầy đủ yếu tố để thành công - thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Nhưng, sẽ không có gì đáng nói nếu khi vừa xảy ra lũ lụt Thạch Sùng đã bán gạo. Mà hắn tiếp tục chờ đợi, thứ nhất - chờ đợi giá gạo tăng, thứ hai - chờ đợi để chắc chắn rằng không có ai có gạo để bán, thứ ba - chờ đợi đến khách hàng tương lai của hắn “cùng kiệt” thì hắn mới xuất hiện trên thị trường - mang gạo ra bán. Lúc này, người tiêu dùng - những người không còn gì để ăn - để duy trì tính mạng không còn một sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cái giá cắt cổ mà Thạch Sùng đưa ra để mua gạo của hắn. Nếu từ ban đầu, Thạch Sùng tham bát bỏ mâm thì hắn sẽ không thu được lợi nhận chắc chắn và có giá trị đến vậy. Không thể phủ nhận rằng, Thạch Sùng có tầm nhìn kinh doanh xa và rộng. Sau khi trở nên giàu có, Thạch Sùng mới bỏ nghề bị gậy và chuyển sang vai trò mới, kinh doanh.

Cũng giống như những người làm kinh tế khác, không ngừng muốn gia tăng quỹ tài sản của mình, Thạch Sùng kinh doanh, khiến tiền sinh ra tiền. Hắn phát triển mô hình kinh doanh đa dạng hơn về hình thức và sản phẩm: ban đầu là bán gạo --> thu lúa, cho vay lãi --> đi buôn bằng thuyền lớn.

Nhưng, để đảm bảo cho việc phát triển ổn định của mình, Thạch Sùng đã có bước tiến mới - mở rộng mối quan hệ, đó là hắn câu kết với bọn cướp.

Việc này mang đến cho hắn nhiều lợi ích: thứ nhất, hắn trở thành đồng minh, cùng hội cùng thuyền và tránh việc trở thành đối tượng tấn công của bọn cướp; thứ hai, hắn có thêm một nguồn hàng mới với giá nhập thấp và giá bán cao - lợi tức lớn.

Sau một thời gian dài hợp tác với bọn cướp và trở nên giàu có gấp nhiều lần, Thạch Sùng có thêm một bước đi mới, đó là địa vị xã hội. Hắn dùng tiền bạc để có được tước hiệu, đồng nghĩa với việc có quyền. Có quyền, ngoài việc nâng cao thể diện, tạo uy tín cho việc kinh doanh của mình, hắn còn tránh được sự uy hiếp của bọn cướp, bởi theo lẽ thường luôn là tiền tài thua quyền lực. Và cũng theo lẽ thường, tiền tài, quyền lực thường đi kèm mỹ nhân. Trong phủ của Thạch Sùng, thê thiếp nhiều không kể xiết.

Theo như nguồn gốc “Sự tích con thạch sùng”, nguyên mẫu nhân vật chính của câu chuyện được dựa trên một nhân vật lịch sử có thật, tên là Thạch Sùng. (Sự tích con thạch sùng được lấy cảm hứng từ Thạch Sùng chứ không phải mô phỏng cuộc đời của nhân vật này).

Theo tìm hiểu, Thạch Sùng (249 - 300) là một viên quan thời Tây Tấn, là một người thông minh từ nhỏ, dũng cảm và mưu lược, dựa vào năng lực bản thân mà có được của cải và quyền lực, nổi tiếng với cuộc sống xa hoa.

Trong phủ Thạch Sùng có một kĩ nữ tên Lục Châu xinh đẹp kiều diễm, có tài thổi sáo, được Thạch Sùng vô cùng sủng ái. Lúc đó, Tôn Tú - em trai của Hoàng hậu vô cùng thích Lục Châu, có mở lời yêu cầu Thạch Sùng dâng tặng nhưng Thạch Sùng không đồng ý, Tôn Tú bởi việc này mà sinh hận, sau mưu hại Thạch Sùng. Khi bị hại, Thạch Sùng có nói với Lục Châu rằng “Ta hôm nay vì nàng mà chịu tội”, lúc đó Lục Châu lệ rưng đáp lời “Thiếp sẽ chết trước phu quân”, rồi nàng nhảy lầu tự vẫn.

Trở lại với câu chuyện “Sự tích con Thạch Sùng”, sau khi có quyền, Thạch Sùng chuyển đến kinh thành và cuộc sống của hắn xa hoa đến mức có lẽ chỉ có Hoàng đế dám sánh.

Khi ấy, ở kinh đô có một người em của Hoàng hậu, họ Vương vô cùng giàu có và hoang phí, trong một bữa tiệc hai người có ngồi cùng nhau và cuộc trò chuyện của họ dần trở thành so bì tài sản. Một bên là quận công, một bên là thân vương, và từ lời đề nghị của một quan khách “Hai ngài cãi nhau như thế không có ích gì cả. Cần phải có chứng cớ chúng tôi mới tin.” Và từ lời nói, đó trở thành một cuộc tranh đua của cải diễn ra trước mắt.

Khi càng đi lên cao, người ta quên mất thói quen nhìn xuống, từ tự hào dễ dàng trở thành tự ngạo, luôn muốn mình hơn người. Con gà hơn nhau tiếng gáy, một núi không thể chứa hai hổ, và xung quanh thì có đầy rẫy những kẻ như “quan khách” - miệng nam mô bụng một bồ dao găm, chỉ chăm chăm chờ đợi cơ hội để xem những con hổ cắn xé nhau, để bóc mẽ kẻ bại và xu nịnh kẻ thắng.

Cuộc so đấu của Thạch Sùng và họ Vương từ vàng bạc châu báu cho đễn những thứ hy kì trên đời. Nhưng ngay từ khi bắt đầu, đó vốn dĩ không phải một cuộc tranh đua công bằng, khi mà một bên là Thạch Sùng, còn một bên là họ Vương với sự hậu thuẫn từ Hoàng hậu.

Ban đầu, cái giá của cuộc so đấu chỉ là tiền bạc, nhưng trên đà thắng, Thạch Sùng nói rằng:

“Nhà ta không thiếu một đồ vật gì cả. Nếu nhà ngươi chỉ ra được một vật mà ta thiếu, ta sẽ mất với nhà ngươi không phải mười thúng vàng mà còn tất cả gia sản nữa. Trái lại, nếu ta mà có đủ thì nhà ngươi cũng phải mất cho ta y như vậy!”

Lời nói ra như tên bắn vào bia, Thạch Sùng kí vào bản giao ước mà không lường trước được điều gì sẽ đến. Và hắn không có “mẻ kho” - thứ mà tên hoạn quan - người mà Hoàng hậu sai đến trợ giúp họ Vương yêu cầu Thạch Sùng đưa ra.

Sự thật cho thấy rằng, trong xã hội phong kiến, thì dù đúng dù sai, người thuộc về hoàng thân quốc thích sẽ luôn là kẻ thắng, dù cho đối thủ của hắn là người có tiền, có quyền - quyền đến từ tiền. Thạch Sùng là một kẻ có sản phẩm cung cấp sinh ra tiền bạc, tiền bạc mua được mối quan hệ, mua được quan tước, quyền lực và giàu có tột bậc khiến người khác ghen ghét, đố kị và tìm cách đánh bại. Nhưng, hắn không ý thức được rằng, dù quyền lực đến đâu thì quan quyền cũng không thắng được vương quyền. Thiết nghĩ, nếu trong tay Thạch Sùng có thêm binh quyền thì có lẽ sự tích con thạch sùng sẽ được viết theo cách khác.

Cuối cùng, Thạch Sùng thất bại bởi “mẻ kho”. Hắn mất tất cả và trở lại với túp lều rách đến cuối đời cùng mối hận. Hắn chết biến thành con thằn lằn - còn được gọi là thạch sùng và thỉnh thoảng kêu “thạch, thạch”. Từ đó, người ta cũng có câu nói: “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho.”

Cái kết không cho Thạch Sùng một cái chết ngay lập tức, mà để hắn sống cuộc sống như thuở hàn vi, nhưng còn thống khổ hơn bởi không còn người đồng hành, cũng không còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Cái kết ấy, sâu sắc và nhân văn. Sự trừng phạt đích đáng nhất cho sự bất lương của Thạch Sùng không phải là cái chết mà là quãng thời gian già đi và hối hận về cuộc đời mình.

Theo cách nhìn của mình, tôi thấy Thạch Sùng thua không chỉ bởi kiêu căng mà lý do chính là hắn đã quên đi gốc rễ của mình, và đánh mất sự lương thiện. Quên đi gốc rễ, chính là thất bại cuộc đời của Thạch Sùng. Nhưng cũng theo cách nhìn khác, tôi cũng thấy Thạch Sùng là một nhân vật đáng thương, hắn giàu tới mức chẳng thiếu thứ gì, nhưng cũng nghèo tới mức, đến mẻ kho - gốc rễ của mình cũng không có.

Thông minh là bản chất,

Tài cán do rèn luyện,

Lương thiện do lựa chọn,

Mà lựa chọn lương thiện là đỉnh cao của thông minh.

Nhiên.

http://truyencotich.vn/truyen-co-tich/co-tich-viet-nam/su-tich-con-thach-sung.html

Trở về