Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan


Người ta gọi những người phụ nữ lấy chồng Đài Loan như vậy. Người ta, có khi là đồng bào mình, có khi là người bản địa, cũng có khi là “gia đình mới” mà người phụ nữ ấy sinh sống. Người ta không phải là tất cả mọi người, cũng không chắc là số đông, nhưng chắc chắn là một bộ phận không nhỏ.

“Lấy chồng vì tiền.” Đó là nhận định được gắn mác cho những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhưng tôi tự hỏi trong cuộc sống tiết tấu nhanh như hiện tại, trong đời sống thực dụng như hiện tại, có bao nhiêu người phụ nữ kết hôn mà không đặt điều kiện kinh tế là một yếu tố quan trọng để đánh giá đối tượng trong cuộc hôn nhân của mình.

Tiền bạc là một trong những phương diện để người ta nhận định về mức độ hạnh phúc trong cuộc sống của một người. Và, ai cũng có quyền mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc hơn, tìm kiếm những điều họ thiếu để mang đến cho mình cảm giác an toàn, đủ đầy.

Nhưng, dường như việc đánh giá, gắn mác lại dễ dàng hơn việc lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Người ta quá bận rộn để biết cuộc sống của “vợ người ta” ở xa xứ là thế nào. Những cô gái ấy dùng động lực là tiền bạc để bỏ lại người thân, gia đình và quê hương để bước vào cuộc sống mới, và họ cũng mong muốn rằng mình có một tương lai tốt đẹp hơn nơi quê nhà. Hơn 20 năm trước, đã có rất nhiều cô gái Việt Nam đến Đài Loan kết hôn và sinh sống ở đây. Những điều họ đối diện là một cuộc sống với nền văn hóa khác biệt, ngôn ngữ bất đồng và không có sự kết nối về tình cảm, thậm chí tệ hơn là có những gia đình cho rằng họ là cô dâu mà người ta bỏ tiền để đưa về.

Nhiều người trong số họ sống như một cái bóng ở nơi mà những người sống cùng không coi mình là người nhà, người thân. Sẽ có người lên tiếng rằng, chẳng cần ra nước ngoài, có những người phụ nữ sống ở Việt Nam cũng có cuộc sống như vậy, phận gái mười hai bến nước, biết bến nào là đục là trong?!? Nhưng người ngoài không hiểu, sự bất đồng ngôn ngữ khiến người ta như câm, như điếc, nghe mà không hiểu, muốn nói mà không biết nên phải nói thế nào.

Rồi họ phải tập thích nghi, tập học nói, tập học viết để có thể hòa nhập ở cuộc sống mới. Có người có thể vươn lên, nhưng cũng có người lại để cuộc sống của mình trở thành một chuỗi bi kịch kéo dài.

Có một lần, cũng trong giờ học môn Lịch sử, có một cậu bạn chia sẻ về những cô dâu Việt Nam mà cậu ấy từng tiếp xúc. Cậu nói rằng vì ba cậu làm ở cảnh sát nên cậu khi đến cơ quan của ba, cậu gặp nhiều người phụ nữ làm việc ở phố đèn đỏ và bị bắt về đồn cảnh sát. Cậu có hỏi tôi là, “Vì sao những người phụ nữ ấy không về Việt Nam, mà phải ở lại Đài Loan và sống cuộc sống tủi nhục?”

“Vì nếu có về Việt Nam thì họ cũng bị chính gia đình, những người xung quanh kỳ thị và xa lánh!”

Rất nhiều người phụ nữ tha hương ly hôn, và gánh trên vai áp lực về chỗ ở, tiền bạc, công việc, con cái. Và mỗi người trong chính họ, buộc phải tự quyết định bước đường tiếp theo của mình. Có người may mắn thì có nơi nương tựa, có người thì thân cô thế cô.

Mấy hôm trước, tôi gặp một em gái có dòng máu lai Đài - Việt, từ nhỏ em chứng kiến cuộc sống và địa vị của mẹ ở trong gia đình. Vậy nên việc em gái làm là ở bên mẹ, và cố gắng để trở thành một phiên bản thật tốt, học xong đại học - học tiếp thạc sỹ - như một minh chứng - dù mẹ em là người không được coi trọng, nhưng mẹ có quyền tự hào về em. Em gái ấy năng nổ tham gia các hoạt động nói về Tân Di Dân và chưa từng ngần ngại chia sẻ cuộc sống của mình. “Trong gia đình em thì mẹ em chỉ là người ngoài. Cả nhà em đều mang họ Lưu, nhưng mẹ em thì không.” Không ít những cô dâu nước ngoài đến Đài Loan với một cuộc sống như vậy. Nhưng, cũng có những mảnh ghép khác.

Có lần, tôi đến một quán ăn Việt Nam ở Đài Bắc và được nghe câu chuyện về chị chủ quán. Chị may mắn khi được chồng và gia đình chồng thương yêu, nhưng không may khi chồng bị ung thư và qua đời.

“Sao chị ấy không về Việt Nam sau khi chồng mất?”

“Nếu chị ấy về, thì ai sẽ chăm sóc mẹ chồng?”

Có người sẽ nói rằng đó chỉ là câu chuyện cổ tích hiếm gặp. Tôi nói, đó là bởi họ không tin là bởi họ sống với quá nhiều tạp niệm và không tin vào lòng tốt của con người.

Có nhiều người tôi quen, đến Đài Loan, lấy chồng, ly hôn nhưng vẫn ở lại chỉ bởi họ đã lựa chọn và cố gắng để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Họ bền bỉ, kiên trì, nỗ lực để vươn lên. Vậy, họ có phải là những người mang giá trị “được mua về”?

Cách đây mấy tuần, tôi đến một trường đại học diễn giảng về văn hóa Việt Nam, ở đó tôi gặp một người quen của mình. Nhưng lúc đó tôi mới biết chị đang theo học ở đó. 46 tuổi, sinh viên năm hai đại học - chị nói vì ngày trước bận kiếm tiền, bận chăm sóc con cái, bây giờ tiếng Trung tốt hơn, con cái cũng lớn hơn nên chị muốn đi học, để có thêm kiến thức bù lại cho những ngày vất vả trước kia của mình. Tôi nể phục chị.

Tôi mới xấp xỉ tuổi 30, nhưng khi tôi nói tôi sẽ học tiếp, có nhiều người nói với tôi rằng, “từng này tuổi rồi, học gì nữa” - rất nhiều người mang định mức của bản thân để áp vào cuộc sống người khác, có khi là phán xét, có khi là gièm pha. Cũng như thói quen gắn mác, là cô dâu lấy chồng người nước ngoài thì… Thành ra, sống - đôi khi là quen với việc chính mình phải là người đưa ra quyết định.

Tôi không phủ nhận có một bộ phận những cô gái lấy chồng chỉ vì tiền, và có khi họ mang đến ảnh hưởng không tốt cho người thân, cho cộng đồng, nhưng họ không là minh chứng cho “tất cả”. Cuộc sống có muôn hình vạn trạng, chỉ là người ta muốn lựa chọn góc nhìn và cách nhìn ra sao mà thôi!

Tôi chỉ là một người kể chuyện, tôi cũng biết dù có hô hào rằng hãy tôn trọng nhau, thì cũng không có tác dụng - vì người ta vốn dĩ chỉ tin vào điều họ tin.

Nhưng có một điều, tôi biết rằng. Sau lưng bất cứ một người tha hương, chưa bao giờ thiếu những câu chuyện chua xót, đau lòng, rơi lệ. Nếu không thể lắng nghe, thì cũng đừng đàm tiếu. Bởi giá trị mỗi người, đâu chỉ ở những điều bán mua, mà ở sự dung thứ và cảm thông.

Trở về

You May Also Like

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam