Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ


“Tìm thấy rồi!” Chị bạn người Indo ngồi kế bên lẩm nhẩm.

“Chị tìm gì thế?” Tôi hỏi.

“Tin tức về kết hôn đồng giới ở Đài Loan.”

“Cũng từ lâu rồi mà. Hầy, em cũng đang nghĩ kiếm chồng khó quá, có khi em tìm vợ để cưới. “ Tôi nói đùa. “Dù sao em cũng không định sinh con.” Tôi nói tiếp.

“Đến lúc lấy chồng em lại chẳng nói vậy đâu. Nhưng bây giờ sinh con đúng là vấn đề cần phải nghiêm túc suy nghĩ đấy.” Chị nói.

“Con cái là bảo hiểm trọn đời là suy nghĩ thật sai lầm.” Một chị khác nói thêm vào.

Sau đó là cuộc thảo luận diện khắp văn phòng được diễn ra sôi nổi. Dù là chúng tôi đến từ các vùng miền khác nhau, là Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Philippines hay Việt Nam; dù là chúng tôi sống ở mảnh đất theo Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay vô thần vô đạo thì chúng tôi đều bắt gặp, chứng kiến hay trải qua sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái mang tên - Bảo hiểm trọn đời.

Sinh con để làm gì?

Đó là điều cần đến ắt đến của cuộc hôn nhân hay đứa trẻ sẽ trở thành món “trang sức” để cha mẹ có thể tự hào mà nói nó xinh đẹp thế nào, giỏi giang ra sao… Đó sẽ là người thực hiện ước mơ dở dang hay sẽ là kỳ vọng về già có người chăm sóc.

Tôi vừa gấp lại cuốn  của Malika Ferdjoukh - một cuốn sách thú vị được mua từ hiệu sách cũ. Một cuốn sách về bốn chị em gái với những câu chuyện trong kì nghỉ hè, một Paris hoa lệ với cuộc sống về đêm và góc tối; nước uống với mùi thuốc tẩy hay vùng nông trại của ngày hè chìm trong đụn rơm.

“Tại sao trẻ con lúc nào cũng hỏi tại sao?”

“Để người lớn giải thích cho chúng những điều mà họ không bao giờ muốn giải thích,”

Vậy, tại sao lại sinh ra một đứa trẻ?

Khi mà ngay khi mới chào đời, đứa trẻ ấy đã là một cá thể độc lập, chiếc dây mong manh kết nối chúng và mẹ đã được cắt đứt. Vậy nên, đứa trẻ và cha mẹ kết nối với nhau bằng ánh mắt, cử chỉ, hành động và sự quan sát ngày mỗi ngày. Chúng có thể giống bố, có thể giống mẹ, có thể mang cả tính cách và vẻ ngoài của ai, cũng có thể chẳng giống ai.

Chúng có trí não và trái tim riêng biệt, vậy nên chúng cũng có những suy nghĩ riêng biệt. Nhưng, có khi, chúng được lớn lên bằng một cách không khác biệt, với suy nghĩ của cha mẹ - rằng - ngày trước cũng vậy - thì bây giờ cũng thế. Cũng có sao.

Ở thời của cha mẹ tôi, ông bà nội ngoại đều nói tiếng Thái và mù chữ hoàn toàn. Ba tôi, 8 tuổi mới học chữ viết, và thậm chí cũng không nói sõi tiếng Việt.

Thời của tôi, chúng tôi học tiếng Anh từ bậc tiểu học. Thứ ngôn ngữ được coi là mẹ đẻ thì lại lãng quên, và gần như trở thành mất gốc.

Mười tuổi, ba tôi đi cày, đi rừng, đi quăng chài, lặn sông bắt cá. Mười tuổi, tôi ngồi trước máy tính và tập những bàn phím gõ chữ đầu tiên.

Thế thời luôn thay đổi. Nhưng nhiều khi người ta mang những khuôn hộp cũ để gắn vào hiện tại đã quá vươn tầm của ngày hôm qua.

Mà, hè đến...

Tụi nhỏ lại sắp bước vào một kỳ thi mà chẳng dễ dàng với nhiều người, nhất là cái nóng khắp mọi nơi. Chỉ riêng thời tiết và sự chen lấn, chờ đợi của phụ huynh cũng đã làm không khí sôi sục.

Học xong cấp ba, sẽ làm gì? Học đại học, sẽ học ngành nào? Ngành nào mới có công việc ổn định, ngành nào mới có công việc nhiều tiền. Ngành nào mới là ngành mà đứa trẻ học được, thích học mà lại phù hợp với tiêu chí chắc chắn của phụ huynh.

Không đứa trẻ nào trở thành người lớn trong mái nhà của cha mẹ nó. Dẫu sao, so về tuổi tác, chúng cũng nhỏ hơn phụ huynh cả hai ba chục tuổi. Nhỏ hơn nhiều về tuổi đời lẫn kinh nghiệm, động lực và dũng khí nào để có thể làm điều chúng muốn, khi mà phụ huynh không muốn?

“Nuôi mày ăn học bao lâu nay, để mày…” là một câu nói thật mặn, và chát.

Con đường tương lai là thứ mơ hồ, người ta có thể vẽ ra, tưởng tượng nên nhưng bước chân trên hành trình tương lai lại là việc của cá nhân mỗi người.

Có bao nhiêu bậc cha mẹ hiểu được nỗi cô đơn của con cái khi theo học ngành mà cha mẹ muốn?

Có bao nhiêu bậc phụ huynh sẽ vun vén cho ước mơ và định hướng để con mình vấp ngã ít hơn, vui vẻ mỗi ngày?

Và có bao nhiêu, đứa trẻ - đủ bản lĩnh để tự mình xé được chiếc kén bao bọc của gia đình, để tự mình vững bước?

Người ta nói về chữ Hiếu - để ràng buộc giữa những người trong gia đình.

Người ta nói về chữ Yêu - để người thân làm điều họ muốn.

Người ta nói về chữ Thương - để cùng nhau đi trên chặng đường đã định.

Vậy, chúng ta có bao giờ nói về chữ Tin - để yêu thương và hiếu nghĩa vẹn tròn?

Nếu như con cái là bảo hiểm trọn đời của phụ huynh. Có lẽ đây là bảo hiểm thất bại nhất mà ba mẹ tôi có được.

Nếu như cho con cái khoảng không để làm cánh diều vút bay… có lẽ là điều tôi tự hào nhất về ba mẹ của mình.

Nhiên.

Trở về

You May Also Like

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam