Góc nhìn Alan về Kinh tế - Cuốn sách dành cho không chỉ người làm kinh doanh
Viết:Lê An Nhiên
Tiến sĩ Alan Phan (1945 - 2015): Một công dân toàn cầu với 70 năm bôn ba khắp thế giới, 49 năm kinh doanh (trong đó 43 năm tại Mỹ và Trung Quốc) và một quê hương: Việt Nam. Đã “kịp” làm mất hơn 900 triệu đô la trong cuộc đời kinh doanh. Là người Việt đầu tiên đưa công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán MỸ (1997) với thị giá cao điểm đạt 700 triệu đô la (1999). Tác giả của 11 cuốn sách, như là: Góc nhìn Alan về Kinh tế, Không có bữa ăn nào miễn phí, Đừng hoang tưởng về biển lớn, Một tư duy khác về kinh tế xã hội Việt Nam,... |
Góc nhìn Alan là một fanpage được lập ra để chia sẻ những bài viết của Tiến sĩ Alan Phan trong suốt cuộc đời làm việc, kinh doanh của mình. TS. Alan là một cây bút, một nhà kinh tế, một học giả hiếm hoi luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng của độc giả dù sinh thời hay khi ông đã không còn nữa.
Di sản TS. Alan để lại là hàng nghìn bài viết trên website gocnhinalan.com và 7 cuốn sách đoạt giải Bộ sách quản trị hay nhất năm 2017.
Với những bài phân tích sâu sắc về xã hội, kinh tế, cùng với sự đi nhiều, tiếp xúc nhiều, làm việc nhiều, hiểu nhiều; những quan điểm ông đưa ra luôn hàm chứa lượng thông tin hữu ích và nhiều bài học có giá trị cho những người làm kinh doanh.
Và vô tình thời gian này mình may mắn được đọc cuốn sách “Góc nhìn Alan về Kinh tế”, nội dung cuốn sách lại là quan điểm của TS. Alan xoay quanh thời điểm trước, trong và sau cuộc suy thoái kinh tế 2007-2008. Ở thời điểm đó mình mới là học sinh cấp 3, còn đang mải mê ngày ngày chơi game Audition với mức phí 2000 đồng/h ở quán Net. Bố mẹ thì là viên chức nhà nước, không chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền kinh tế toàn cầu, còn mình thì hoàn toàn vô lo vô nghĩ về chuyện tiền bạc.
Khoan kể đến bối cảnh dẫn đến việc suy thoái kinh tế toàn cầu là gì, nhưng những chuỗi sự việc diễn ra của thời điểm đó và thời điểm hiện tại lại có những điểm tương đồng.
10 năm trước và 10 năm sau, kinh tế, xã hội và con người vẫn luôn tịnh tiến về phía trước, vẫn theo nhịp sóng biểu đồ hình sin, có lên có xuống, có đỉnh có đáy, có thứ bị đào thải, có người trở thành người tiên phong.
Dù ngắn gọn, nhưng mình cũng kịp bắt được những quan điểm của TS. Alan mà mình cho là đúng: “5 yếu tố căn bản của sự thành công trên thương trường: (a) động lực hay ngọn lửa bên trong (b) thời gian và nỗ lực (c) sức khỏe để chịu đựng (d) hành động, chấp nhận rủi ro và (e) kinh nghiệm và quan hệ.”
Nếu nhìn rộng ra, 5 yếu tố này không chỉ là yếu tố cần thiết để thành công trên thương trường mà còn là điều tiên quyết trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, như học tập, công việc, thậm chí là cả tình yêu và hôn nhân.
Cuốn sách là tập hợp những bài viết về kinh tế, về Mỹ, Trung Quốc, mối quan hệ của Việt Nam và nước láng giềng; về bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ... Nhìn mục lục thì có vẻ như đó là những vấn đề vĩ mô, những đọc kỹ thì lại thấy đó là những điều gắn với cuộc sống hàng ngày. Suy thoái kinh tế ở thời điểm đó, người ta nói về bong bóng chứng khoán với sự e dè. Thời điểm này, người người nói về chứng khoán, có hàng trăm, hàng ngàn group thảo luận về chứng khoán với sự dẫn dắt của trader và cả thủy quân tay to cài cắm.
Là một tay mơ, người ta cũng cần làm một tay mơ sáng suốt.
Giữa cơn bão của tin tức và truyền thông mạng tràn lan như hiện tại, thì cuốn sách này khiến mình biết tĩnh lại, để biết đọc và chọn lọc thông tin. Nhắc nhở lại bản thân biết ý thức về việc tìm hiểu rõ ngọn ngành, nguyên do của những câu chuyện bề nổi và đưa ra quyết định sáng suốt cho chính mình.
Cuốn sách này, ai đọc cũng được. Hiểu bao nhiêu thì biết thêm bấy nhiêu. Bởi đó là tổng hòa một cách mạch lạc, xúc tích về một thời điểm lịch sử trong quá khứ gần - quá khứ mà chúng ta không biết vì không cảm nhận được nhưng lại chưa được ghi trong sử sách vì những điều đã xảy ra cách chúng ta không quá xa.
Đọc về một thời kinh tế suy thoái, để hiểu rõ hơn về những vai trò khác nhau trong xã hội đã và đang chịu những áp lực nào, cần phải vượt qua ra sao. Không chỉ người làm kinh doanh mới gặp khốn khó. Bởi câu chuyện kinh tế chưa bao giờ là câu chuyện của riêng ai. Mà đồng tiền, lâu nay vốn đã là một công cụ định lượng chất lượng của cuộc sống.
Và điều quan trọng nhất khi gấp lại cuốn sách đó là, định vị bản thân mình là ai, muốn trở thành người thế nào?
Người tiên phong - người tạo trend, người bắt trend hay là người đu trend.
Đấy là do mỗi người lựa chọn.
Nhiên.