Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu
Viết:Solise Tales
Có lần tôi đi ăn lẩu với vài người bạn Đài Bắc đều là phụ nữ và đã làm mẹ. Ở tuổi tác của tôi không quá khó để hoà nhập vào câu chuyện cùng họ mặc dù tôi chưa có con.
Tôi có một khoảng thời gian dài tiếp xúc với cách giáo dục trẻ em ở Việt Nam lẫn Đài Loan, tiếp xúc mà tôi nói ở đây là hàng ngày cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau trò chuyện và thậm chí đã từng hỗ trợ hoặc can thiệp vào phương pháp giáo dục của cha mẹ chúng. Vì vậy tôi hiểu sâu sắc những gì mà bạn bè tôi đang trao đổi, tôi hiểu được nền tảng tư duy và các yếu tố văn hoá ảnh hưởng đến cả hai hệ tư tưởng giáo dục của hai đất nước. Điều này khiến tôi bị mắc kẹt ở khoảng không lơ lửng trong việc tìm kiếm phương pháp giáo dục phù hợp nhất cho những đứa trẻ mà mình yêu thương.
Ban đầu khi mới đến Đài, tôi quan sát và bắt đầu có những phát hiện nhỏ về sự khác biệt trong tư tưởng giáo dục của người Đài so với nước mình. Khi ấy tôi thấy họ rất văn minh và sâu sắc trong việc tuyên truyền sâu rộng khái niệm “giáo dục bằng tình yêu” hay ”giáo dục tâm lý”. Tự bản thân tôi cố gắng tiêu hoá triệt để ý nghĩa của hai cụm từ “愛的教育” và ”心理教育“ mà tôi đã được đa số những bà mẹ người Đài và người Việt sống ở Đài nhồi nhét vào não hàng ngày. Bây giờ tôi nghĩ lại vẫn cảm thấy đó là cả một quá trình chuyển đổi cung bậc tư tưởng rất tốn thời gian và suy ngẫm.
"愛的教育" là kiểu giáo dục đề cao phụ huynh dùng tình yêu và sự tôn trọng hết mực với trẻ nhỏ, nơi đó cha mẹ là những người bạn để lắng nghe và hỗ trợ sự trưởng thành của chúng, không dùng uy quyền, không có bạo lực, không có hình phạt hay trách mắng…Tinh tuý của kiểu giáo dục này là chú trọng không làm tổn thương tâm lý của bọn trẻ như cách giáo dục uy quyền truyền thống mang lại.
Những ngày tháng đó, tôi hứng thú với việc phân tích, so sánh nó với nền giáo dục ở nơi mà tôi sinh ra và lớn lên. Nơi mà vẫn còn đó những đứa trẻ sợ các hình phạt từ cha mẹ, thầy cô và trẻ con phải tự chịu trách nhiệm cuộc đời của mình một cách khắc nghiệt hơn nơi đây.
Sáu năm trôi qua, đó là cả một quá trình dài đi tìm lại chính mình như cách của cậu bé Santiago trong Nhà Giả Kim đã từng làm. Với tôi, nền giáo dục hay phương pháp giáo dục nào cũng có mặt tốt và mặt trái của nó và chúng ta chỉ có thể tìm được câu trả lời khi cả một thế hệ đã hình thành. Giả sử đó là một phương pháp giáo dục thất bại thì có lẽ chúng ta có thể mường tượng được cái giá phải trả là như thế nào…
Tôi không có ý chê bai hay đả kích, nhưng với những gì tôi đã quan sát và trải nghiệm qua việc tiếp xúc với những đứa trẻ mà tôi gặp ở trường, ở nhà, ở siêu thị hay công viên…, tôi thấy lòng mình mâu thuẫn. Một là trẻ con ở Đài Loan được chăm sóc quá tốt đến nỗi làm tôi chạnh lòng khi nghĩ về những đứa con, đứa cháu ở quê tôi. Hai là vì được chăm sóc quá tốt mà bọn trẻ ở đây trở nên thiếu sức đề kháng với môi trường và luôn là một gánh nặng không tưởng đối với cha mẹ. Đến lúc thật sự có con cái, hẳn là tôi sẽ phải rất vất vả nếu muốn tìm được điểm cân bằng để tận dụng được những mặt tốt của cả hai phương pháp giáo dục.
Quay lại bữa ăn với những người mẹ Đài, một trong các bà mẹ bảo với tôi rằng cô ấy không dám sinh đứa con thứ hai mặc dù rất muốn bởi vì áp lực kinh tế và áp lực khi chăm sóc chúng quá lớn. Tuy nhiên tôi nhớ không nhầm thì kinh tế cô ấy không kém, cô ấy có hai căn nhà ở Đài Bắc và chuẩn bị bán cả hai căn để chuyển đến sống ở khu cao cấp hơn. Con người tôi tư duy thẳng thắn và đơn giản:
Tôi: Tại sao không sinh đứa thứ hai?
Cô ấy: Áp lực lắm!!
Tôi: Áp lực mặt nào?
Cô ấy: Khi đã sinh con thì muốn cho con mình những thứ tốt nhất, áp lực từ mọi mặt.
Tôi: Vậy thì đừng cho chúng thứ tốt nhất!
Cô ấy và một bà mẹ khác: Không thể nào.
À, tôi quên mất mình đang ở Đài Loan. Quả thật, sinh con ở đây rất áp lực. Trong khi ở quê tôi, anh trai và chị dâu tôi cứ lỡ dính bầu là sinh, còn bà nội thì bảo cứ sinh đi, nhà càng đông cháu càng tốt càng hạnh phúc. Vấn đề mà tôi muốn nói ở đây là anh chị tôi cũng không phải khá giả gì về kinh tế, là nông dân, bữa dư giả, bữa túng thiếu, nhưng con thì cứ muốn là sinh. Phải chăng anh chị tôi mất khả năng tư duy rồi? Hay là do chúng tôi quá quê mùa? Và những đứa trẻ được sinh ra trong môi trường “không có được cái tốt nhất” có phải lớn lên dễ trở thành tội phạm, kẻ ăn bám xã hội hay sẽ thất bại trong sự nghiệp? Tôi lặng người đi sau câu đối thoại cuối cùng và nghĩ cái gì là định mức cho cái gọi là “ những thứ tốt nhất” ?
Với “giáo dục bằng tình yêu - 愛的教育”, như tôi nói, nền giáo dục nào cũng có hai mặt, đó là sự chọn lựa chứ không có đúng hay sai. Sau từng đó năm đấu tranh trong tư tưởng, tôi không chọn phương pháp này vì đặt nó vào hoàn cảnh sinh trưởng của mình, tôi cảm thấy nó là sự huỷ hoại của một thế hệ tương lai. Là một đứa trẻ lớn lên trong kiểu giáo dục uy quyền cũ kĩ, tôi và các bạn mình khi trưởng thành vẫn sống hạnh phúc, có cống hiến cho gia đình và xã hội, cũng không có ai xung quanh tôi vì cha mẹ không đủ tâm lý, hay vì những va chạm đầu đời mà trở thành một nhân cách xấu hay thất bại. Có một câu nói trong tiếng Anh mà tôi rất đồng ý trong trường hợp này: “ If it ain't broke, don't fix it”. Giáo dục uy quyền truyền thống có những khuyết điểm, đó là kẽ hở mà bất cứ một nền văn minh nào trong quá trình quá độ và phát triển đều sẽ có lúc tồn tại. Bản chất của mỗi một sự vật, sự việc nào thì khi tích đủ lượng, chúng sẽ thay đổi về chất. Giáo dục uy quyền cũng vậy, trải qua nhiều năm, nó tự động sẽ có hướng thay đổi phù hợp với xã hội mới. Nó cần được hoàn thiện chứ không nhất thiết nên bị huỷ diệt.
Với tôi, trẻ con khi chúng còn chưa hoàn chỉnh về tư duy và không có bất kì một kinh nghiệm sống nào để làm nền tảng phân tích thì thử hỏi chúng có khả năng tư duy độc lập và cho ra hành vi cùng quyết định đúng đắn hay không? Con cái Đài được định hướng giáo dục theo chủ nghĩa cá nhân rất cao. Điểm này thì họ giống nước Mỹ, nhưng bản thể chủ nghĩa cá nhân của Đài vẫn mang một phần các quy phạm xã hội văn hoá người Á Đông, nói cách khác là vẫn còn bị văn hoá Á Đông ràng buộc. Một đứa trẻ được giáo dục trong môi trường chủ nghĩa cá nhân cao thì khả năng độc lập và sáng tạo của chúng cũng rất cao. Chủ nghĩa cá nhân ở Đài vẫn trộn lẫn những truyền thống cũ của người Hoa, chăm sóc con cái tốt vô điều kiện, vô thời hạn, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ sinh thấp. Trung bình một đứa trẻ sinh ra ở đây được ít nhất bốn người yêu thương. Chúng được cung cấp những thứ tốt nhất về vật chất, được cha mẹ và những người xung quanh quan tâm thái quá về mặt tâm lý. Họ dùng yêu thương để cảm hoá hành vi và tư tưởng thay vì dùng hình phạt và sự nghiêm khắc, và khiến chúng được tôn trọng hơn bất cứ ai. Có thể thấy, vế đầu thành lập, tức là bản ngã được nuôi dưỡng và tự do phát triển trong điều kiện tốt nhất, thế nhưng nó trở nên lệch lạc khi đồng thời bị nuông chiều một cách vô hạn, điều này làm cho những đứa trẻ thiếu đi tính độc lập trong cả hành động lẫn suy nghĩ một cách rõ rệt. Có những đứa trẻ tôi từng gặp với khả năng chịu áp lực rất thấp, có thể nói mong manh như thuỷ tinh, rất nhiều đứa không biết tự nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc cho mình... Khi ra ngoài xã hội, chúng không dám đương đầu với những thử thách và thay đổi lớn, cha mẹ có tiền cho đi du học cũng không dám đi, học xong đại học chỉ muốn đi làm Starbuck để nhẹ đầu… Chúng sống thờ ơ với tất cả xung quanh ngoại trừ chiếc điện thoại thông minh, đặc biệt thiếu đi lòng trắc ẩn với những người tội nghiệp ngoài kia.
Giáo dục được khoác lên mình chiếc vỏ thật sự hiện đại và văn minh: trẻ con được giáo dục lễ phép, hoà đồng để con trai trở nên “hào hiệp”, con gái trở nên “tiên khí”. Vẫn còn đó những hình mẫu mà truyền thống và lối sống quy định. Nếu bạn tìm hiểu về sự friendliness – thân thiện của người Đài, không một ai là không thừa nhận độ lịch sự và hiếu khách của họ. Họ luôn xuất hiện như thế vì sự ràng buộc của xã hội, nhưng họ có thật sự vui hay không thì tôi trả lời đa phần là không. Đây là một sự mâu thuẫn trong giáo dục của Đài Loan, xã hội muốn trẻ con được phát triển theo hướng cá nhân hóa để nổi bật hơn tất cả những đưa trẻ khác nhưng những khuôn mẫu lại làm chúng ngột ngạt trong lồng kính “being nice, being friendliness”, để rồi khi ra xã hội chúng gồng mình làm những hình mẫu lý tưởng của sự thân thiện, khí chất nhưng khi về đến nhà lột mặt nạ xuống, chúng lại xả hết vào người thân, cha mẹ, như ai đó đều thiếu nợ chúng vậy. Tất nhiên sự quan sát
của tôi không bao gồm tất cả nhưng tôi có thể nói đó là bội số chung của giáo dục Đài Loan thời nay.
“愛的教育 – Giáo dục bằng tình yêu” ngoại trừ giúp cha mẹ cảm thấy bản thân là bậc phụ huynh văn minh và cho mình cái cớ để chiều chuộng con cái thì:
- Tình yêu vô điều kiện mà cha mẹ dành cho con cái đổi lại là sự lạnh lùng, dửng dưng với sự quan tâm mà chúng nhận được.
- Sự tôn trọng thái quá làm cho chúng trở nên vô lễ và quên mất trước khi để được người khác tôn trọng thì chúng phải học cách tôn trọng người khác “từ trong đáy lòng”, bao gồm cả sự tôn trọng đối với cha mẹ mình.
- Sự tự do quá mức trước khi chúng có khả năng tư duy độc lập chỉ làm bọn trẻ trở nên thiếu kỉ luật thay vì tư duy sáng tạo.
Gần đây tôi thấy mọi người đều xôn xao với việc sụp đổ của chuỗi nhà hàng Món Huế ở Việt Nam, các chuyên gia cố phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của một thương hiệu mà ai cũng cảm thấy nó không làm gì sai. Cái sai duy nhất có lẽ là cái gì cũng làm quá đúng. Giáo dục con cái cũng giống như xây dựng thương hiệu, cần có nền tảng và va chạm để hoàn thiện theo năm tháng. Bất cứ một nền giáo dục nào cũng sẽ tồn tại khuyết điểm của nó và có những trường hợp thất bại, nhưng vấn đề là tỉ lệ cao hay thấp. Đối với tôi, làm cha mẹ và là những người trưởng thành, chúng ta sống lâu hơn, va chạm nhiều hơn, trải qua những đau khổ nhiều hơn, chúng ta phải chọn cho con cái con đường phù hợp để chúng phát triển nhân cách và cá tính chứ không phải chọn con đường tốt nhất. Sự hoàn hảo nhất cũng là một điểm tử. Trước khi chúng biết chọn lựa con đường đi cho mình thì tư tưởng giáo dục của cha mẹ đã quyết định phần lớn cuộc đời của chúng rồi. Tôi vẫn luôn tin tính cách và thái độ sống quyết định con đường đời của một con người.
Vì vậy trước khi vẽ ra một hình mẫu lí tưởng thành công cho một đứa trẻ, hãy trang bị cho nó một trái tim biết rung động, biết tôn trọng những giá trị mà mình đang sở hữu và có xu hướng tự tạo ra giá trị cho bản thân mình. Sự bảo vệ tốt nhất về tâm lý cho một đứa trẻ không phải tránh cho chúng không một vết xước nào về mặt tâm lý mà là hãy làm người đồng hành cùng vượt qua những va chạm tâm lý cho đến khi chúng trở nên cứng cáp và mạnh mẽ đủ để tự quyết định cuộc đời của mình.