Bánh dứa và câu chuyện làm kinh tế của người Đài Loan


Tôi có một ước hẹn ngàn năm với cô bạn thân phóng viên ở Việt Nam là cho dù là cô ấy đến Đài Loan hay là tôi về Việt Nam, chỉ cần gặp nhau là tôi phải mang theo hộp bánh dứa mà cô ấy yêu thích.

Sống ở đây từng ấy năm, ăn cũng không ít loại bánh dứa khác nhau, thậm chí tôi cũng đã thử làm bánh dứa của riêng mình trong những năm tháng đi làm mướn cho tiệm bánh vào các kì nghỉ đông. Hôm nay tôi viết một bài về ngành công nghiệp bánh dứa, vì sao bánh dứa Đài Loan lại nổi tiếng như vậy? Và loại bánh nào các bạn nên mua khi đến đây du lịch?

Đài loan nổi tiếng với nông nghiệp trồng Dứa, với hơn 50 loại dứa khác nhau trong đó 土鳳梨Golden Pineapple là loại nổi bật nhất, trái nhỏ, rất vàng và vị ngọt. Không biết duyên gì mà nơi tôi sống gần ngay khu trồng Dứa, cũng là nơi chiếm sản lượng Dứa cao nhất Đài Loan. Dứa được trồng ở Đài Loan từ thế kỉ 17 và trở thành nông sản chính của nước này suốt quá trình Nhật đô hộ (1895-1945), nhưng thời điểm đó thành phẩm chủ yếu là dứa đóng hộp xuất khẩu thẳng đến Nhật Bản. Vì vậy, dù sản lượng xuất khẩu rất cao nhưng dứa Đài Loan vào thời điểm đó lại không nổi tiếng trên thế giới.

Sau thế chiến thứ hai, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm Dứa của Đài Loan bị sụt giảm nghiêm trọng sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và rút khỏi Đài Loan. Lí do là vì Nhật không muốn bị phụ thuộc vào Đài Loan quá nhiều sau khi mất quyền kiểm soát đất nước này và sự ly khai kinh tế là động thái đầu tiên đánh thẳng vào kinh tế Đài Loan lúc bấy giờ. Tình hình trở nên tốt hơn vào những năm 1950s khi Đài Loan bắt đầu xuất khẩu dứa hộp đến các nước Mỹ, Canada, Châu Âu và cả Nhật.

Câu chuyện trồng dứa của người Đài khá lận đận, tưởng đâu như vậy là xong nhưng đến những năm 70s, các nước Đông Nam Á bắt đầu dấn thân vào ngành nông nghiệp trồng Dứa. Với giá nhân công rất rẻ, các nước này nhanh chóng đẩy Đài Loan vào thế bí.  Từ sau đả kích đó, ngành sản xuất các sản phẩm dứa của Đài Loan tập trung vào thị trường trong nước. Cũng chính từ lúc này họ bắt đầu nghiên cứu và cho ra các sản phẩm đa dạng từ dứa. Không có tài liệu vào cho biết chính xác bánh dứa được phát minh ra như thế nào và chính xác vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn nó ra đời vì người Đài phải tìm cách tiêu thụ hết nguồn cung quá nhiều sau khi sản lượng xuất khẩu bị giảm mạnh.

Bắt đầu từ những năm 2000s, bánh dứa Đài Loan bắt đầu được bán và đóng gói trong hộp khoảng 40-50 cái, mỗi cái bánh đều được gói riêng. Thành phần chính của bánh gồm hai phần: vỏ bánh làm bằng bột và bơ, ruột bánh được làm bằng hỗn hợp mứt dứa và bí. Người ta thường hỏi tôi làm sao phân biệt được bánh dứa ngon? Bánh dứa ngon được cấu thành từ rất nhiều yếu tố, như công thức, kĩ thuật nướng, loại dứa nhưng tôi nghĩ điều cơ bản nhất là tỉ trọng dứa. Các nhà làm bánh thường sẽ dùng nhiều mứt bí để giảm giá thành nên nếu bạn ăn phải loại bánh dứa nào mà ngọt lịm và gắt thì chứng tỏ tỉ trong dứa rất thấp. Nếu bánh dứa đủ ngon thì dứa phải đủ nhiều, khi đó cái vị chua của dứa quyện với đường sẽ tạo ra vị ngọt thanh thanh rất dễ chịu, hơn nữa mùi thơm của dứa sẽ tự động lan toả. Đây là hai yếu tố dễ nhận biết nhất khi chọn bánh dứa ngon.

Một trong những thương hiệu bánh dứa sớm nhất là Chia Te ở Đài Bắc, với tuổi đời làm bánh dứa hơn 30 năm, thương hiệu này đã giành không ít giải thưởng trong ngành. Tôi từng ăn bánh dứa của cửa hàng này, giá cả hợp lý và cũng ngon vừa đủ nhưng nó lại không phải loại tôi thích nhất. Với tôi, bánh Chia Te vẫn hơi ngọt. Tôi không phủ nhận những đóng góp mà Chia Te đem đến cho ngành sản xuất bánh dứa Đài Loan. Từ sau những giải thưởng này thì Bộ Kinh Tế Đài Loan chọn bánh dứa là mặt hàng tiêu biểu làm quà biếu của Đài Loan năm 2010. Như một cơn lốc thương hiệu, Chia Te năm đó cũng được chính phủ thành phố Đài Bắc vinh danh là cửa hàng quà tặng tốt nhất. Bánh dứa từ đó nổi lên như một hiện tượng, khách du lịch từ Đại Lục, Hồng Kông và cả người dân Đài Loan đều chọn bánh dứa Chia Te làm quà tặng cho những dịp thăm hỏi, chúc mừng. Hiện tại, Chia Te ở Đài Bắc vẫn là một trong những cái tên ăn khách nhất, chuỗi cửa hàng này cho ra rất nhiều loại bánh khác nhau để khách hàng có thêm sự lựa chọn như bánh dâu, bánh nho, bánh vải…

Sau những lần thay đổi chính phủ và chính sách liên tục, Đài Loan trở nên thân thiện hơn với du khách các nước Đông Nam Á, nhu cầu bánh dứa ngày càng cao và nguồn cung đồng thời cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Các loại bánh dứa (nói là bánh dứa nhưng có lẽ là bánh bí) xuất hiện tràn lan trên thị trường. Trong bối cảnh đó 微熱山丘Sunny Hills, một thương hiệu bánh dứa đã có lịch sử trồng dứa lâu đời từ thời nhật cho ra loại bánh dứa cao cấp. Ông chủ của Sunny Hills từng tuyên bố bánh dứa của họ không có dứa bất kì chất bảo quản nào và quan trọng hơn là phần nhân tuyệt đối không pha trộn dứa với bí. Mỗi chiếc bánh dứa đều được làm từ dứa của chính nông trường dứa Sunny Hills và bánh được chế biến bằng tay ở nhà máy Nantou (Nam Đầu). Với khẩu hiệu 100% nhân dứa, Sunny Hills nhanh chóng khuếch tán độ ảnh hưởng của mình trong ngành. Đặc biệt với mối liên kết với thị trường Nhật Bản từ trước đó, Sunny Hills đã mở cửa hàng ở Tokyo năm 2013.  

Đối với đa số người Đài, bánh dứa của Sunny Hills được đánh giá là ngon nhưng quá đắt. Nhưng bản thân tôi, một người không thích ăn bánh ngọt vẫn mê mẩn bánh dứa của Sunny Hills. Có lẽ tôi là con gái, lại là người Việt nên rất thích ăn những thứ có vị chua. Bánh dứa Sunny Hills vừa chua vừa ngọt, vị lại thanh, rất dễ ăn. Tôi cứ hay nói với bạn mình, tôi không cần ăn nhiều, tôi cần ăn ngon. Thay vì mua một hộp vài chục cái tôi không nuốt nổi một cái thì tôi mua Sunny Hills, ít một chút nhưng tôi ăn sạch sẽ không chừa một miếng.

Tôi sống gần nhà máy chính của Sunny Hills, lâu lâu cuối tuần tôi lại chạy lên nông trường dứa của họ để ăn bánh miễn phí. Đã từ rất lâu, Sunny Hills có một truyền thống là khách đến thăm nông trường, dù mua hay không mua mọi người vẫn được tặng cho một cái bánh và một ly trà. Hồi ba năm trước, khi chưa đổi format, khách lên đây ăn bánh xếp hàng đến tận đầu hẻm, hơn cả 200 mét dài. Bây giờ, Sunny Hills đổi format mới, đúng với tinh thần thương hiệu cao cấp. Tôi đến vẫn được tặng một cái bánh nhưng không cần đúng đó xếp hàng và ăn ngoài sân nữa, thay vào đó khách hàng được mời vào khu nhà gỗ sang trọng, bày trí bằng cây xanh và hoa như một quán cà phê cao cấp dành cho những người yêu sách. Nhân viên thì niềm nở sắp xếp chỗ ngồi cho bạn rồi đem bánh và trà trong ly thuỷ tinh xinh đẹp cho mình thưởng thức. Tôi đánh giá cao sức sáng tạo của họ lắm, bằng cách này họ tiếp cận được những người có ý nguyện mua bánh thật sự, hoặc dù không có ý định mua nhưng khi nhìn thấy sự phục vụ tận tình này cũng đi mua ủng hộ. Công việc của tôi thường xuyên đi đây đó để kiểm hàng, mỗi lần đi đến khu công nghiệp ở Nangang (Nantou) tôi đều ghé mua bánh ở Sunny Hills. Khách hàng của tôi đến thăm, tôi cũng dẫn đến đó mua bánh làm quà khi họ về nước. Giờ tôi thân với Sunny Hills lắm nên hôm nay tôi rảnh và làm một đoạn giới thiệu ngắn giới thiệu nó đến các bạn của mình. Bánh dứa ở Đài Loan rất nhiều nhưng phải biết mua được bánh ngon thì mới xứng đáng cho một chuyến đi xa như thế. Sunny Hills rất lạ vì họ không liên kết với các công ty du lịch. Họ muốn khách du lịch tự tìm đến họ chứ không phải vì các nhà làm tours muốn kiếm tiền huê hồng nên đưa khách tới. Tôi thích điều này!

Những năm gần đây dưới sự đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hoá và du lịch hơn trước của chính phủ Đài Loan, ngành công nghiệp bánh dứa cũng theo đó mà tăng trưởng và nâng cấp đáng kể. Ngày càng nhiều những thương hiệu bánh dứa ngon, sáng tạo hơn ra đời, đặc biệt là để đánh vào phân khúc cao của thị trường. Nổi bật nhất trong đó không thể bỏ qua Pineapple & Egg York Pastry (小潘蛋糕房) và Jiunn Mei Pineapple Cake (俊美). Đây là hai loại bánh dứa theo tôi thấy là xứng để bạn trải nghiệm một lần khi đến thăm đảo quốc bánh dứa này.

Người Đài là nổi tiếng với việc giỏi làm ăn và thích làm chủ, cho dù là chủ lớn chủ nhỏ thì cũng là làm chủ bản thân. Những cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ, trong đó có bao gồm những cơ sở sản xuất bánh nói chúng và bánh dứa nói riêng trên toàn cả nước là rất nhiều nhưng quy mô không lớn đến có thể dễ dàng được truyền tải đến tay khách du lịch nước ngoài như các thương hiệu lớn. Vì vậy, tôi mong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện phía sau loại bánh mang trong mình hình ảnh của Đài Loan vươn đến Việt Nam và Thế Giới, tôi chúc các bạn có một chuyến đi đong đầy cảm xúc khi đi và quà cáp khi về nếu bạn có duyên một gần ghé thăm mảnh đất này. Còn nếu là một người xa quê sinh sống ở Đài Loan như tôi thì tôi nghĩ câu chuyện của bánh dứa cũng một phần nào đem đến sự thấu hiểu rõ nét hơn về kinh tế, đời sống và văn hoá của mảnh đất này cho chúng ta.

Trở về

You May Also Like

Giữa bão dịch Covid-19 và câu chuyện về bộ mặt của truyền thông Đài Loan

Giữa bão dịch Covid-19 và câu chuyện về bộ mặt của truyền thông Đài Loan

Giao thông Đài Loan và câu chuyện về các trạm dừng chân hào hoa

Giao thông Đài Loan và câu chuyện về các trạm dừng chân hào hoa

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam