Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?


Gần đây mình hay nhận được các câu hỏi như là, Làm thế nào để có thể nói tiếng Trung tốt? Nhiên bổ sung vốn từ tiếng Trung thế nào? Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Nên mình viết một bài nho nhỏ để chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Trung của mình, hi vọng có thể hữu ích đối với các bạn đang học tiếng Trung.

1/Cần có tâm thái yêu thích tiếng Trung

Chúng ta vì nhiều mục đích mà muốn biết và có thể sử dụng tiếng Trung trong giao tiếp: đi học, đi làm… nhưng như mình ban đầu, mình học tiếng Trung bởi vì mình cực kỳ thích Jay Chou, nên muốn có thể nghe nhạc của Jay mà không cần sub, sau này mình mới biết, dù học tiếng Trung một thời gian dài thì khi nghe nhạc của Jay mình vẫn phải đọc lời, vì cách nhấn nhá từ của anh ấy quá đặc biệt.

Nhưng dù là thế nào, việc thay đổi suy nghĩ của bản thân từ việc “phải học” sang tâm thái “muốn học” cũng khiến mình thoải mái hơn trong việc tiếp cận một ngôn ngữ mới, đặc biệt là tiếng Trung - thứ ngôn ngữ mà nhìn vào các kí tự là nghĩ mình đang ở một thế giới khác.

2/Học ngôn ngữ là cả một quá trình

Đã là học, thì lúc nào cũng là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian để chuyển hóa từ quá trình tiếp cận, ghi nhớ và chuyển hóa những thông tin não bộ thu nhận được, từ dạng bị động (nhớ trong đầu) sang dạng chủ động (có thể nói ra được).

Chúng ta có thể tiếp cận tiếng Trung bằng nhiều cách: nghe nhạc, xem các chương trình giải trí, xem phim, xem các video học tiếng Trung, đến học tại các trung tâm, lớp học hoặc tiếp xúc với người nói tiếng Trung. Chúng ta có thể học một cách tự do hoặc có bài bản, nhưng dù là bằng cách nào thì nguyên lý khi học tiếng Trung hay bất cứ ngôn ngữ nào cũng theo bốn bước cơ bản: nghe - nói - đọc - viết.

Ví dụ rất đơn giản thôi, vì sao một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi biết nói thì cần có khoảng thời gian 1-2 năm thì sẽ bập bẹ biết nói? Vì chúng đã được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ từ khi được hình thành hình hài trong bụng mẹ. Từ trong bụng mẹ, chúng ta đã được tiếp cận với tiếng mẹ đẻ, đến khi chào đời thì vẫn không ngừng được nghe những người xung quanh nói chuyện với nhau nên chúng đã được hình thành một hệ thống từ vựng qua các cuộc trò chuyện của người lớn.

“Trẻ con hóng chuyện” là có thật các bạn ạ. Việc trẻ con nói nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào việc nghe, đón nhận và tính cách của trẻ, những đứa trẻ hoạt bát sẽ sớm nói hơn những đứa trẻ rụt rè, nhưng độ hoạt bát của đứa trẻ không chắc tỉ lệ thuận với vốn từ đứa trẻ có, đôi khi những đứa trẻ trầm tính sẽ có vốn từ nhiều hơn bởi nó lắng nghe và tích lũy nhiều hơn. Nên nếu bạn là một người có tính cách khép kín, đừng tự ti rằng mình sẽ học ngôn ngữ không tốt.

Bởi từ việc nghe đến nói, là quá trình mô phỏng. Thông qua thính giác, chúng ta được tiếp cận với ngôn ngữ và hình thành trong não bộ rằng từ đó có âm điệu như thế nào, phát âm ra sao, đến khi não bộ thu thập đủ thông tin sẽ truyền lệnh đến các chức năng khác như là cổ họng, lưỡi, răng, môi... để bạn có thể phát âm ra từ đó. Hoạt động của não bộ của mỗi người khác nhau, đấy là lý do vì sao cùng với một từ mà mỗi người có cách phát âm khác nhau, điều này sẽ được khắc phục khi ta nắm được nguyên tắc phát âm.

Chúng ta thường thắc mắc rằng trẻ em học ngôn ngữ nhanh hơn người lớn, điều này được lý giải ở việc vào độ tuổi dưới 10 là khi chế độ tiếp nhận ngôn ngữ được kích hoạt mạnh ở não bộ; cùng với việc trẻ nhỏ khá hồn nhiên, không sợ sai như người lớn nên chúng có thể tự nhiên nói mà không sợ nói sai.

Nhưng có một điều, mà chúng ta không cần phải ghen tị với trẻ nhỏ đó là trẻ học tiếng mẹ đẻ như thói quen, còn chúng ta học ngoại ngữ là việc “học”. Một điểm khác nữa là thói quen là việc tiếp nhận không có hệ thống, còn việc học là chúng ta tiếp cận một ngôn ngữ khác với các nguyên tắc được những người có kinh nghiệm (như giáo viên) đưa đến.

Nên trẻ con có thể học nhanh, còn chúng ta có thể học đúng.

Cả 4 trạng thái nghe, nói, đọc, viết có thể được tiến hành cùng một lúc, nhưng có một điều cơ bản là nghe nhiều sẽ nói được nhiều, đọc nhiều sẽ viết nhanh hơn. Vì đó là quá trình ghi nhớ lặp đi lặp lại, quá trình lặp lại càng nhiều thì sẽ càng được ghi nhớ sâu hơn. Vậy nên, để học tốt một loại ngôn ngữ (hay bất cứ môn học nào) thì việc dành thời gian cho ngôn ngữ đó và thực hành nó càng nhiều, càng kiên trì thì càng đạt được kết quả tốt.

3/Phát âm chính xác là yếu tố tiên quyết khi học tiếng Trung

Điều này không chỉ đúng với tiếng Trung mà còn có thể ứng dụng trong việc học tất cả các ngoại ngữ khác.

Việc phát âm đúng giúp người nghe có thể tiếp nhận được thông điệp người nói mang đến, bởi vậy khi có những bạn hỏi mình là làm thế nào để học tiếng Trung tốt, mình thường nói các bạn hãy đến các lớp học dạy phát âm chất lượng, bởi khi bạn phát âm đúng (chưa bàn đến nói lưu loát) thì cũng đã đạt được 50% thành công trong việc biểu đạt ý nghĩa của ngôn từ. Việc phát âm đúng dựa vào các yếu tố sau: bạn có khả năng nghe và não bộ phân tích âm thanh tốt; các bộ phận trong khoang miệng dùng để phát âm không gặp trở ngại.

Về việc cấu tạo khoang miệng thì tùy vào cá nhân mỗi người. Ví dụ như mình, khi mới bắt đầu học tiếng Trung, mình không thể phát âm đúng thanh mẫu [z], mặc dù giáo viên rất cố gắng chỉnh sửa cho mình nhưng cuối cùng cũng không thành công. Vì có thể cấu tạo các bộ phận phát âm khiến mình không thể phát âm chính xác. Nhưng điều đó không khiến mình không thể phát âm những từ có thanh mẫu [z], vì khi [z] kết hợp với các nguyên âm khác thì mình vẫn có thể phát âm đúng từ, đặc biệt là khi được ghép vào từ ghép thì mình vẫn có thể nói đúng từ cần nói.

Vậy nên, nếu có một vài âm nào đó bạn không thể phát âm chính xác trên 90%, cũng đừng lo lắng, chúng ta đều có giải pháp cho vấn đề.

4/Nắm bắt ngữ pháp tiếng Trung

Để học bất cứ loại ngôn ngữ nào, chúng ta cũng cần nắm bắt được ngữ pháp và các từ loại. Khi có được cấu trúc ngữ pháp, thì việc để tạo câu chỉ còn là lựa chọn từ loại phù hợp.

Nhiều bạn khi học từ nhưng chỉ quen học nghĩa của từ, nhưng lại không ghi nhớ từ đó có thể sử dụng ở trường hợp của những từ loại nào; là động từ, hình dung từ, lượng từ, danh từ, hay từ để hỏi….

Nếu lúc học từ mới, bạn chỉ cần nhớ thêm một chi tiết là từ loại của từ, thì sau này khi thành lập câu, bạn sẽ thấy việc tạo câu không hề khó một chút nào.

Việc học ngữ pháp cũng cần theo từng bước.

Khi mới học, bạn có thể dùng những câu đơn đơn giản dạng S + V + O, khi tạo nhiều câu và đã dần quen, bạn có thể thêm những từ bổ trợ để câu của mình biểu đạt được nhiều ý nghĩa hơn. Ví dụ:

Trạng ngữ (thời gian), + S + trạng ngữ (nơi chốn) + V + trợ từ 了 + O (số từ + lượng từ + hình dung từ + trợ từ 的 + danh từ)

今天,我在購物中心買了一件紅色的外套。

昨天,我在西門町吃了一碗道地的河粉。

明天,我在火車站約了一位漂亮的老同學。

Bạn có thể ghi nhớ cấu trúc ngữ pháp bằng cách thay những từ mới vào các vị trí và giữ nguyên cấu trúc, khi đã thực hành nhiều thì bạn sẽ ghi nhớ được thôi.

Cũng bằng cách lặp lại và thay thế này, bạn có thể bổ sung thêm được cả vốn từ vựng cho mình.

5/Từ vựng - lặp lại thói quen và thay đổi thói quen

Nhiều bạn vẫn thường hỏi là vì sao vốn từ của mình phong phú đến vậy. Đây là kết quả của việc mình học, sử dụng tiếng Trung đã nhiều năm (11 năm) cùng với việc mình có 3 năm trước đó tiếp cận với tiếng Trung qua âm nhạc của Jay. Tức là: nghe nhiều, nói nhiều, đọc nhiều, viết nhiều.

Và việc học cách thay đổi thói quen.

Quá trình lặp lại nghe - nói - đọc - viết giúp mình có sự ghi nhớ về từ vựng, và việc học cách thay đổi thói quen giúp mình khám phá thêm các từ mới.

Chúng ta, ai cũng luôn muốn có hướng đến sự đúng trong sử dụng từ ngữ, nên hay dùng những từ quen thuộc để có được cảm giác an toàn trong giao tiếp, nhưng chính vì cảm giác an toàn này sẽ hạn chế việc mở dụng vốn từ. Bởi trong các ngôn ngữ đều có các từ đồng nghĩa và từ gần nghĩa. Tức là trong cùng một trường hợp chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn cho từ vựng. Nên khi bạn đã đạt đến trình độ sử dụng thành thạo một từ nào đó, hãy chuyển sang một bước tiếp theo là ở hoàn cảnh đó, chúng ta có thể dùng từ nào thay thế, đồng thời lặp lại từ thay thế để hình thành thói quen mới, giúp não bộ có thể ghi nhớ từ vựng.

Việc này sẽ giúp bạn có thể nói một câu theo nhiều cách khác nhau, tạo sự đa dạng trong việc tạo câu. Điều này rất hữu dụng khi bạn viết tiếng Trung.

6/Hãy tận dụng việc mình là người Việt

Nhiều người Trung Quốc, Đài Loan và cả người nước khác đều thừa nhận rằng người Việt Nam học tiếng Trung rất nhanh và cảm giác không mấy khó khăn.

Ngoài việc tiếng Việt có 6 thanh điệu trong khi tiếng Trung chỉ có 5 thanh điệu đã khiến chúng ta dễ dàng phát âm hơn thì ở tiếng Việt có 70-80% là từ Hán - Việt.

Có một nguyên tắc bất thành văn giữa từ Hán - Việt và từ loại tiếng Trung là sự biến đổi trong thanh điệu:

Từ Hán - Việt Tiếng Trung

Dấu sắc

thống (đau)

Hán

tiến

Thanh 4

Dấu huyền

Sầu (buồn)

tiền

quyền

Thanh 2

Dấu ngã, dấu hỏi

ngũ (5)

mã (ngựa)

thỉnh (mời)

tiểu (nhỏ)

Thanh 3

Dấu nặng

định (định cư)

Việt

Thanh 4

Thanh không

thanh (màu xanh)

khinh (nhẹ)

Thanh 1

Việc nắm bắt được từ Hán - Việt giúp chúng ta có thể đoán ý của người nói khi nghe những từ đó na ná từ Hán - Việt, nhưng điều này cũng không nên lạm dụng, bởi có những từ trong tiếng Trung có nghĩa khác với từ Hán - Việt.

Như là: 驕傲(tự hào, kiêu ngạo - tùy ngữ cảnh) - kiêu ngạo (Hán - Việt).

Vẫn là câu, cái gì quá cũng không tốt, bởi vậy việc áp dụng vừa đủ sẽ có tác dụng hơn nhiều.

7/Tạo môi trường tiếng Trung quanh mình

Đây là điều thuận lợi với các bạn đang sinh sống ở Đài Loan, vì hầu như mọi nơi đều sử dụng tiếng Trung. Chúng ta tiếp xúc với tiếng Trung hàng ngày nên vô hình chung chúng ta được tiếp cận với tiếng Trung (dù là bị động hay chủ động).

Nếu các bạn không sinh sống trong môi trường tiếng Trung, có thể mở các kênh có tiếng Trung để luyện nghe hàng ngày, bạn cũng nhất thiết cần phải để tâm trí trong bài nghe đó, mà chỉ đơn giản là khi ngồi chơi game, mở một video gameshow gì đó, chỉ là tạo cho mình một không gian tiếng Trung thôi. Việc này cũng giống như các em bé sơ sinh, tiếp nhận từ ngữ qua việc người lớn quanh mình nói chuyện vậy. Bạn cứ kiên trì thực hiện trong một thời gian dài, chắc chắn có lúc bạn gặp một cuộc đối thoại và phát hiện ra, à từ này mình đã từng nghe thấy ở đâu đó, và việc ghi nhớ lặp lại sẽ giúp chúng ta có vốn từ tốt hơn.

8/Chịu khó giao tiếp, đừng sợ sai

Chúng ta thường nhận định là các bạn sinh viên ở các trường ngoại ngữ thường rất tự tin và năng động, một phần nguyên do là các bạn ấy thường xuyên phải giao tiếp. Sự giao tiếp khiến người ta hòa đồng và tự tin hơn.

Bởi tính chất ngành học mà các bạn ấy phải nói nhiều, không sợ sai, sai thì sửa.

Chẳng có gì là tự ti khi chúng ta không thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ, bởi đó vốn dĩ không phải tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Thậm chí còn rất nhiều người thừa nhận rằng đến ngôn ngữ chính (tiếng mẹ đẻ) chúng ta còn không thông thạo khoản viết lách, vậy sao phải lo lắng về việc tiếng Trung của mình không tốt.

Điều đáng sợ là khi chúng ta cứ mải tự ti, sợ sai để mà xác định được mình có lỗi sai hay không. Hãy nghĩ đơn giản, sai thì sửa, sửa đến đúng thì thôi, sẽ khiến mình có thể đạt được đến mục đích sau cùng.

9/Chăm chỉ, và chăm chỉ hơn nữa

Mình may mắn khi trước khi học khoa Tiếng Trung tại Đại học Hà Nội thì mình đã có 3 năm nghe nhạc Jay Chou, và được đào tạo bài bản về việc phát âm ở trường đại học trước khi du học ở Trung Quốc 5 năm.

Thời gian học ở Trung Quốc, mình may mắn có thêm 1 năm học tiếng Trung cùng các bạn nước ngoài trước khi vào học chuyên ngành cho nên tiếng Trung càng được củng cố hơn.

Khi học đại học, mặc dù chuyên ngành của mình là văn học nhưng các môn học tự chọn là về mỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật, quảng cáo, kinh tế - thị trường, tin học, báo chí, luật pháp, triết học, sinh thái, môi trường…. bởi vậy mình đọc rất nhiều các loại sách ở các lĩnh vực khác nhau, đó cũng là lý do mình có một kho từ vựng phong phú. Việc học đại học thì ngoài nghe giảng, đọc sách thì còn một điều quan trọng là mình ghi bài bằng cách chép tay (và bằng tiếng Trung), vậy nên khi đã chép bài thì việc ghi nhớ càng sâu sắc hơn, chứ không phải nay học mai quên.

Mình nói về cường độ sử dụng tiếng Trung lớn trong thời gian không quá dài (so với người khác) của mình là để nhấn mạnh một điều, bạn bỏ càng nhiều thời gian, công sức và có hướng đi đúng cho bất cứ điều gì, thì những thành quả bạn đạt được sẽ không bao giờ khiến bạn thất vọng.

Những điều mình viết ở đây đều là kinh nghiệm của bản thân khi học và sử dụng tiếng Trung, có thể vẫn chưa đầy đủ, có thể không đúng với tất cả mọi người, nhưng mình hi vọng bằng sự tiếp nhận có chọn lọc của người đọc, thì đây sẽ là một bài viết hữu ích.

Trở về

You May Also Like

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam

Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam