Du học sinh Đài Loan mùa dịch - Hiện thực hóa ước mơ hay bị giam lỏng giữa xã hội dân chủ
Viết:Hello VietNam
(Nguồn ảnh: Unsplash)
Chúng tôi muốn bạn biết rằng, khi người Đài Loan luôn cho rằng nhân quyền, tự do, bình đẳng là niềm tự hào của mảnh đất này, thì ngay chính nơi này - có những người vẫn bị tước đi những quyền lợi cơ bản của mình một cách âm thầm.
Những ngày gần đây, một nhóm kiều sinh (du học sinh gốc Hoa) của trường Công thương Vĩnh Bình (Đào Viên) thông qua một trang Fanpage đã đưa thông tin về những chính sách quản chế dịch bệnh không hợp lý tại trường học. Nguyên nhân bắt đầu từ việc ngày 15/5/2021, tình hình dịch bệnh tại Đài Loan trở nên nghiêm trọng (Đài Loan đã nâng mức độ cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ 3), do vậy trường Tư lập Công thương Vĩnh Bình đã có thông báo tới các bạn kiều sinh không được phép đi ra khỏi trường.
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù Đài Loan đã hạ cấp cảnh báo ở cấp độ 2, nhưng thông báo này vẫn chưa được nhà trường hủy bỏ hoặc thay thế - đồng nghĩa với việc gần 3 tháng nay, các bạn kiều sinh chưa được tự do ra vào trường. Khi các bạn sinh viên phản ánh sự việc với giáo viên, chỉ nhận được hồi đáp là do chưa thống nhất phương án quản lý dịch bệnh an toàn và lấy lý do là vì an toàn của sinh viên nên vẫn chưa đưa ra phương án giải quyết; nhưng những sinh viên, giáo viên Đài Loan lại không phải thực hiện theo quy định này.
Ngoài ra, với những bạn kiều sinh theo học hệ vừa học vừa làm, khi tan học có thể đi làm thêm; nhưng nếu vào ngày không đi làm thì cũng không được phép ra khỏi trường; Nhà trường cũng yêu cầu kiều sinh ký giấy xin phép đi làm thêm, bắt buộc 1 lần/tuần phải thực hiện test nhanh Covid-19 và tự túc chi phí, điều này tăng thêm áp lực kinh tế cho các bạn sinh viên. Điều này gây nên sự bất mãn đối với kiều sinh khiến các bạn phản ánh đến Hội Kiều ủy.
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, đồng thời liên hệ đến Hội Kiều ủy, Trường Công thương Vĩnh Bình, Hello Vietnam đã tổng hợp về 5 tình trạng cần được khắc phục và giải quyết.
5 tình trạng cần được khắc phục và giải quyết
1. Phân biệt đối xử: Chỉ có kiều sinh bị hạn chế các hoạt động tự do, không được rời khỏi trường, trong khi sinh viên, giáo viên Đài Loan vẫn có thể tự do ra vào trường, trong khi khả năng nhiễm bệnh của các đối tượng đều giống nhau.
2. Thông báo truyền miệng: Theo Luật Trường Tư lập, các trường tư lập vẫn thuộc về sự quản lý của Bộ Giáo dục, nên cách thức thi hành các quy định vẫn phải dựa vào chỉ đạo của Bộ Giáo dục; đối với việc thi hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trường Công thương Vĩnh Bình chỉ thông báo theo hình thức truyền miệng mà không có bất cứ các văn bản chính thức nào. Mặc dù ở Đài Loan, cách xử lý công việc ở trường Công lập và Tư lập khác nhau nhưng đối với việc thông báo truyền miệng khiến không ít sinh viên quốc tế có sự hiểu lầm về hệ thống giáo dục ở Đài Loan. Ngoài ra, khi sinh viên phản ánh sự việc với giáo viên lại nhận được cách thức xử lý tiêu cực, không chỉ không có đầu mối xử lý sự việc chuyên biệt mà còn đưa ra những lời giáo huấn: “Đây là đang bảo vệ sự an toàn của các em, đã không biết cảm ơn còn đi nói ra bên ngoài.”
3. Đùn đẩy trách nhiệm: Khi kiều sinh phản ánh sự việc, nhà trường nên giải quyết theo chính sách của chính phủ, nhưng khi tình hình dịch bệnh đã dần được khống chế và Đài Loan giảm cấp độ cảnh báo, ở Đào Viên cũng đã cho phép ăn uống tại các cửa hàng thì giáo viên vẫn thông báo vào group Line: “Sự việc liên quan đến an toàn sức khỏe của hơn 180 sinh viên, các trường học khác đã mở cửa rồi, không có nghĩa là họ có phương án phòng chống hoàn thiện; nếu các em bị nhiễm bệnh, nhà trường sẽ trả lời với phụ huynh thế nào?”
4. Tự phí test Covid-19: Lấy nguyên do đảm bảo an toàn phòng chống bệnh dịch, nhà trường yêu cầu học sinh viên ra ngoài làm thêm phải test Covid-19 1 lần/tuần, chi phí là do sinh viên tự chi trả. Cách làm này không chỉ tạo thêm áp lực kinh tế cho các em sinh viên, mà đối với những bạn sinh viên chưa có việc làm thêm nhưng vẫn ở cùng ký túc xá, học cùng giảng đường cũng phải test Covid mới có thể yên tâm.
5. Khó khăn về kinh tế: Đối với nhiều kiều sinh, nguồn kinh tế chủ yếu đến từ việc thực tập hoặc làm thêm, cùng với việc sinh viên nước ngoài không thể giống sinh viên Đài Loan nhận được những khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ, do vậy mà việc nhà trường hạn chế sinh viên ra ngoài làm việc đồng nghĩa với khả năng tài chính của kiều sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng nhà trường chưa đưa ra biện pháp hỗ trợ nào.
Hồi đáp từ Hội Kiều ủy
Đối với sự việc kiều sinh gửi khiếu nại trường Công thương Vĩnh Bình đến Hội Kiều ủy về việc mặc dù dịch bệnh đã giảm về cảnh báo cấp 2 nhưng vẫn chưa thể ra ngoài làm thêm, chưa được tự do ra vào trường, Hội Kiều ủy đã gửi công văn đến trường Công thương Vĩnh Bình và nhận được hồi đáp là sinh viên đã có thể đăng ký đi ra ngoài làm thêm; thông qua thông tin từ Hello Vietnam, Hội Kiều ủy cho biết Hội chưa biết được thông tin ngoài giờ làm thêm thì kiều sinh vẫn không thể tự do ra vào trường.
Hồi đáp từ trường Công thương Vĩnh Bình
Hello Vietnam đã liên hệ với trường Công thương Vĩnh Bình và nhận được hồi đáp từ Ông Trương - Trưởng Phòng Quan hệ công chúng như sau:
1. Vì sự ảnh hưởng của dịch bệnh và xem xét đến sự an toàn của kiều sinh nên nhà trường đã đưa ra những biện pháp cứng rắn và nghiêm ngặt để tránh trường hợp các kiều sinh bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, vì hầu hết kiều sinh đều ở trong ký túc xá và không có người thân ở Đài Loan nên nhà trường mới đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt như đã đề cập trong bài viết.
2. Về việc dịch bệnh đã được khống chế và Đài Loan đã giảm mức độ cảnh báo xuống cấp độ 2, bắt đầu từ ngày 11/8 nhà trường đã hủy bỏ yêu cầu phải test Covid-19 đối với kiều sinh ra ngoài làm thêm.
3. Về việc kiều sinh cho biết họ vẫn thấy sinh viên Đài Loan và nhân viên nhà trường tự do ra vào trường, chỉ cần đo nhiệt độ và xịt cồn khử khuẩn là do sinh viên, giáo viên đến trường tham gia kỳ thi kiểm định.
4. Từ đầu tháng 8 (1/8 ~ 4/8), kiều sinh đã được phép ra ngoài làm thêm, nhưng số lượng sinh viên ra ngoài làm thêm rất ít nên nhà trường vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế ra ngoài trường đối với những kiều sinh không có việc làm. Kiều sinh ra ngoài làm thêm và kiều sinh không có việc làm sẽ được bố trí phân tầng trong ký túc xá, và chỉ khi có việc quan trọng mới được đi ra ngoài, đồng thời phải có người của nhà trường đi cùng.
5. Trước tình hình mưa lớn liên tục trong những ngày gần đây, nhà trường sẽ sửa chữa tình trạng thấm dột nước ở ký túc xá của kiều sinh trong thời gian sớm nhất.
(Nguồn ảnh: Unsplash)
Giam lỏng phiên bản Trường học
Sự việc ngày 7/6/2021, Trưởng Huyện Miêu Lật ra thông báo cấm lao động nước ngoài đi ra ngoài đã gây nên một làn sóng tranh luận về việc phòng chống dịch bệnh và vi phạm nhân quyền; cấm đi ra ngoài khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi về tự do nhân quyền; theo Điều 48, Luật Phòng chống dịch bệnh quy định, chỉ được phép thực hiện biện pháp phòng chống dịch với những người “đã từng tiếp xúc với bệnh nhân dương tính hoặc là người có nguy cơ đã bị lây nhiễm”. Luật Phòng chống dịch bệnh không cho phép các cơ quan công quyền đối xử phân biệt với bất cứ đối tượng nào. Điều đáng ngạc nhiên là hiện tại đã là Tháng 8, nhưng sinh viên quốc tế vẫn phải thực hiện theo quy định này, không thể tự do ra vào trường.
Tự do - là sự đảm bảo nhân quyền cơ bản nhất tại Đài Loan, ngoại trừ những quy định của pháp luật, những hành vi cấm đoán sự tự do của người khác đều là hành vi vi phạm nhân quyền. Cho dù là để đảm bảo an toàn của sinh viên thì nhà trường nên có những cuộc thảo luận, đối thoại thẳng thắn và có hiệu quả với sinh viên. Đồng thời, việc thực hiện quy định với một nhóm đối tượng sẽ tạo việc tâm lý đối kháng giữa các nhóm sinh viên.
Không gian sống chật hẹp, không thể thực thi phòng chống dịch
Trong ký túc xá của trường Công thương Vĩnh Bình, sinh viên quốc tế sinh hoạt trong không gian 8 người/phòng, ký túc xá không có nhà vệ sinh khép kín, sinh viên sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng.
Tiểu Dương (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay mới 19 tuổi, là kiều sinh tại trường Công thương Vĩnh Bình đã bất mãn đăng trên mạng xã hội: “Nhà trường nói với chúng tôi rằng, để sinh viên làm thêm một tuần test Covid-19 một lần, như thế có yên tâm không? Nếu như sinh viên làm thêm tuần này test vào Chủ Nhật, đến Chủ Nhật tuần sau mới test tiếp, thế khoảng thời gian học cùng nhau, ở cùng nhau mà bị truyền nhiễm thì nhà trường có chịu trách nhiệm không? Hay chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm?”
(Khu vực nhà vệ sinh nam)
Hiện tại, ở khu ký túc xá số lượng sinh viên rất đông và việc sử dụng phòng tắm chung là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên có khả năng lây nhiễm Covid-19 cực kỳ cao. Đặc biệt là khu ký túc mà kiều sinh đang ở; Chỉ có sinh viên nữ được phân tầng đối với sinh viên ra ngoài làm thêm và sinh viên không có việc làm; Việc yêu cầu sinh viên test Covid-19 mỗi tuần một lần chỉ là một cách để nhà trường đối phó và trốn tránh trách nhiệm nếu có dịch bệnh bùng phát.
Ngoài ra, gần đây ở Đài Loan thường xuyên mưa lớn, trong video do các bạn sinh viên cung cấp cho Hello Vietnam có thể nhận thấy điều kiện sinh hoạt tại ký túc xá không tốt. Ký túc xá cũ kỹ và dột nước nghiêm trọng. Nhà trường ngoài việc có những hành động thực tế hỗ trợ sinh viên cải thiện chất lượng điều kiện sinh hoạt cơ bản thì cần phải tự nhận định lại điều kiện trường học trước khi tuyển sinh sinh viên quốc tế; bởi chất lượng học tập, sinh hoạt tại trường không tốt sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của sinh viên quốc tế về nền giáo dục Đài Loan.
(Video có bản quyền, không được tùy ý sao chép)
“Không tự do” có thể gây ra những hậu quả tâm lý nặng nề cho sinh viên
Với những sinh viên xa nhà, xa quê hương đến nước ngoài học tập, việc ngôn ngữ, văn hóa bất đồng sẽ khó khăn hơn để thích nghi với môi trường sống mới; cộng thêm việc bị giam lỏng gần 3 tháng, với những quy định nghiêm ngặt, thậm chí là việc phân biệt đối xử đối với kiều sinh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của sinh viên. Việc chỉ giới hạn kiều sinh, không có biện pháp rõ ràng trong công tác phòng chống dịch với các đối tượng sinh viên thực tập, sinh viên làm thêm, sinh viên Đài Loan; không nâng cao chất lượng cơ sở vật chất nơi ở của sinh viên càng thêm gia tăng tâm lý lo lắng cho sinh viên.
Trong xã hội hiện tại, sinh viên vốn thuộc vào nhóm yếm thế, nếu như không có sự hỗ trợ, hướng dẫn từ nhà trường, giáo viên thì những quyền lợi đáng có của sinh viên sẽ bị coi nhẹ. Đối với nhóm những bạn trẻ 18, 19 tuổi, vừa bước ra khỏi cổng trường cấp ba, rời xa gia đình để đến một môi trường xa lạ và mới mẻ, trong tình hình dịch Covid-19 như hiện tại lại bị hạn chế tự do hoạt động, lại nhận được sự phân biệt trong đối xử trong thời gian kéo dài sẽ gây ra những tổn thương tinh thần mà khó có thể chữa lành.
(Nguồn ảnh: Unsplash)
Trong khi chính phủ đang đẩy mạnh chính sách Tân Hướng Nam cùng với việc tỷ lệ sinh ngày càng giảm tại Đài Loan, thì trong tương lai việc tuyển sinh sinh viên quốc tế ở Đài Loan sẽ càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, mặc dù có một số chính sách cởi mở đối với sinh viên quốc tế nhưng nếu như các trường học không có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng phân biệt đối xử giữa sinh viên Đài Loan và sinh viên quốc tế, vẫn tồn tại những hồi đáp không tích cực, khiến sinh viên quốc tế cảm nhận việc đến Đài Loan du học là một sự trải nghiệm tồi tệ sẽ là một cú tát cực mạnh vào hình ảnh bấy lâu nay mà Đài Loan xây dựng: “Phong cảnh đẹp nhất ở Đài Loan là con người.”
Chúng tôi hy vọng rằng những đơn vị có chức năng liên quan sẽ coi trọng việc tự do nhân quyền của sinh viên; đối xử công bằng, không phân quốc tịch. Đối với những sinh viên đã gần 3 tháng bị giam lỏng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng đến sức khỏe cả tinh thần lẫn thể chất. Chúng tôi hi vọng trường học nhanh chóng đưa ra thông báo chính thức về việc: Tự do đi lại; Tự chi trả chi phí xét nghiệm và An toàn nơi ở. Chúng ta cần thông cảm, bao dung và quan tâm hơn đối với sinh viên quốc tế thay vì để những quy định vô lý ảnh hưởng đến quyền lợi cơ bản của sinh viên.