Đài Loan đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy từ năm 2018


Từ năm học 2018, Đài Loan sẽ đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông ở vùng lãnh thổ này, trở thành một ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn. 

Thông tin này được bà Âu Quý Hy - Bí thư giáo dục Phòng Giáo dục, thuộc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM cung cấp.

Theo bà Âu Quý Hy, việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy cho học sinh sẽ bắt đầu từ lớp 3 của bậc Tiểu học.

“Hiện nay, sách giáo khoa để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh ở Đài Loan về cơ bản đã hoàn tất. Sách này do các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, khoa Việt Nam học ở các trường đại học tại Đài Loan biên soạn. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy hợp tác, trao đổi nghiên cứu giữa các trường sư phạm Đài Loan và Việt Nam để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho việc giảng dạy tiếng Việt” - bà Âu Quý Hy nói. Không cần chờ đến năm 2018, nhiều năm nay, một số cô giáo người Việt đã đi tiên phong trong việc dạy tiếng Việt. 

Cũng theo bà Âu Quý Hy, việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh ở Đài Loan nhằm giúp con em các cô dâu Việt biết thêm về quê hương, văn hóa của cha mẹ mình, khi ngày càng có nhiều cô dâu Việt Nam tại Đài Loan.

“Cô dâu các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lấy chồng Đài Loan ngày càng tăng lên. Khi con của các cặp vợ chồng này ra đời, giáo dục phải thay đổi để phù hợp với hệ thống đa văn hóa, đa ngôn ngữ tại Đài Loan. Với việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy, chúng tôi hi vọng học sinh - con của các cô dâu Việt có thể hòa nhập tốt hơn với môi trường giáo dục Đài Loan và bình đẳng như những đứa trẻ khác” - bà Âu Quý Hy cho biết.

Ngoài ra, bà Âu Quý Hy cũng thông tin thêm, ở Thành phố Cao Hùng và Thành phố Tân Đài Bắc là hai nơi có nhiều cô dâu Việt ở Đài Loan. Do đó, Sở Giáo dục của hai thành phố này đang có chương trình tập huấn, nâng cao trình độ cho các cô dâu Việt để họ có thể làm giáo viên dạy tiếng Việt ở các trường phổ thông.

Ảnh: Thiệp cám ơn của học sinh gửi đến giáo viên tiếng Việt

Chính quyền Đài Bắc cũng khuyến khích giới trẻ Đài Loan học ngôn ngữ của các nước Đông Nam Á, một phần vì chính sách Hướng Nam nhằm củng cố quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á.

Trang Taiwan News dẫn nguồn cơ quan quản lý Giáo dục Đài Loan cho biết  nhu cầu đối với giáo viên dạy tiếng Việt ở mức 67%; giáo viên tiếng Indonesia là 18%, và các tiếng khác ở Đông Nam Á gồm Myanmar, Campuchia, Philippines, Malaysia và Thái Lan gộp lại là 15%.

Báo chí vùng lãnh thổ Đài Loan cho biết việc nghiên cứu chương trình giảng dạy tiếng của người nhập cư đã được tiến hành nhiều năm qua và bên quản lý Giáo dục của Đài Loan đã sẵn sàng đưa tiếng Việt và Indonesia vào giảng dạy.

Ảnh: Lớp học tiếng Việt tại trường tiểu học Quốc Thánh, Chương Hóa 

Con số người nhập cư thế hệ thứ hai trong các trường tiểu học và cấp hai ở Đài Loan năm 2015 là hơn 200.000 em, trong đó hơn 40% học sinh gốc Việt, hơn 10% gốc Indonesia và 2,2% gốc Philippines.

Trong khi đó, trang Focus Taiwan dẫn lời một quan chức của cơ quan quản lý Giáo dục Đài Loan cho biết chính quyền chuẩn bị đưa ra chương trình giảng dạy các ngôn ngữ khối các nước Đông Nam Á để giúp các học sinh con cái người nhập cư chào đời ở Đài Loan học tiếng mẹ đẻ để sau này có thể trở về quê nhà làm việc.

Trở về