Khẳng định vị thế tiếng Việt trên trường quốc tế
Viết:Hello Vietnam
Ngày 04 tháng 03 năm 2020, Bộ giáo dục Singapore (MOE) phát ra thông báo về việc bổ sung tiếng Việt và tiếng Thái vào chương trình học của học sinh cấp hai và các chương trình học dưới Đại Học từ năm 2021. Thay đổi này nằm trong những thay đổi gần đây thuộc chương trình “Learn for Life” - Học cho cuộc sống - mà Bộ Giáo dục Singapore đưa ra như là công cụ chuẩn bị cho việc học trọn đời trong tương lai của học sinh Singapore. Chương trình Learn for Life nhằm điều chỉnh, cân bằng tính kỷ luật và sự yêu thích trong việc học tập của học sinh Singapore.
Do sự gắn kết kinh tế ngày càng khăng khít giữa Việt Nam và Hàn Quốc, khi mà Hàn Quốc thường xuyên là nước dẫn đầu trong đầu tư vào Việt Nam, Tiếng Việt đang là một trong những ngôn ngữ “hot” tại Hàn Quốc khi ngày càng có nhiều người Hàn học Tiếng Việt. Nhận thấy nhu cầu đó, hiện tại đã có 4 trường đại học tại Hàn Quốc thành lập khoa Tiếng Việt với hơn 140 sinh viên theo học hệ chính quy. Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2014, Bộ Giáo dục Hàn quốc đã chấp nhận Tiếng Việt là một trong những ngoại ngữ thứ hai khi thi vào đại học tại Hàn Quốc và hơn 22 ngàn thí sinh đã chọn Tiếng Việt ngay trong năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức bằng Tiếng Việt - năm 2015.
Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu trong đầu tư FDI vào Việt Nam. Năm 2019, cuộc thi khảo sát trình độ Tiếng Việt lần thứ 3 được tổ chức tại nước này cũng đã thu hút hơn 700 thí sinh tham gia, gấp 3 lần số lượng thí sinh năm 2017 - năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức. Hầu hết thí sinh là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, luật sư… Điều này phản ánh nhu cầu học cũng như sự quan tâm ngày càng tăng của người dân xứ sở mặt trời mọc dành cho Tiếng Việt.
Năm 2019, Tiếng Việt cũng đã được chính phủ Đài Loan chính thức đưa vào chương trình giảng dạy tại bậc tiểu học. Bộ Giáo Dục và các trường tiểu học tại Đài Loan do đó cũng đã khẩn trương triển khai các kế hoạch tuyển dụng các giáo viên Tiếng Việt để phục vụ cho sự thay đổi này.
Mở đầu thông báo vào ngày 04 tháng 03, Bộ Giáo dục Singapore đưa ra mục đích của việc điều chỉnh lần này là: “Để chuẩn bị cho tất cả học sinh trong một thế giới mới ngày càng đa dạng, kết nối và có định hướng công nghệ, Bộ Giáo dục (MOE) sẽ xây dựng dựa trên những nỗ lực hiện có để có thể giúp các học sinh nhanh nhạy và sẵn sàng trong tương lai, bất kể nền tảng và xuất phát điểm của các em trong cuộc sống. Để làm được như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu giai đoạn tiếp theo trong phong trào ‘Học tập suốt đời’ thông qua hai chương trình hoạt động bổ sung - ‘Làm mới chương trình giảng dạy’ và ‘Kỹ năng tương lai cho giáo viên’ - để nâng cao việc học tập của học sinh và hỗ trợ các giáo viên trong việc nuôi dưỡng một tương lai sẵn sàng cho học sinh.”
Mục đích của việc thêm tiếng Việt và Tiếng Thái vào chương trình dạy học dược MOE giải thích như sau: “MOE sẽ cung cấp cho học sinh hiểu biết và nhận thức sâu hơn về châu Á, đặc biệt là khu vực ASEAN, nhằm cho phép học sinh hòa nhập một cách hiệu quả với các nước láng giềng và tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế của khu vực”.
Bên cạnh việc đưa Tiếng Việt và Tiếng Thái vào chương trình giảng dạy, MOE sẽ đưa ra chương trình học mới với các môn khoa học xã hội được tập trung hơn vào ASEAN. ASEAN sẽ được bao gồm một cách trọng tâm hơn trong các môn xã hội học như địa lý, lịch sử và kinh tế. Trong những môn học này thì tầm quan trọng của khu vực được nâng cao với tiềm năng tăng trưởng và sự kết nối với thế giới.
Trong chương trình triển khai cụ thể, MOE sẽ cung cấp cho các trường học những nguồn lực để lên kế hoạch và chương trình giảng dạy với mục đích có thể tạo được những trải nghiệm học tập phong phú về các nước ASEAN. Cụ thể chương trình bổ sung bao gồm chương trình 10 giờ học khám phá và tìm hiểu về văn hoá và ngôn ngữ của đất nước để chuẩn bị cho chuyến thăm trải nghiệm chính thức đến quốc gia đó. Để bắt đầu, các trường sẽ được cung cấp tài liệu kỹ thuật số phù hợp với lứa tuổi cho việc học tiếng Thái và tiếng Việt.
Việc Tiếng Việt được đưa vào giảng dạy tại các cấp độ trường học tại Singapore vừa qua và tại hệ tiểu học tại Đài Loan trước đó, cùng với nhu cầu học Tiếng Việt ngày càng tăng tại các quốc gia khác nhau là bằng chứng cho thấy vị thế của Việt Nam thực sự đã được nâng cao trên trường quốc tế. Từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế trong nước đến hiện nay, Việt Nam đã tiến những bước dài trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn thuộc nhóm các nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng 7.02 % trong năm 2019. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) về chỉ số phát triển vốn con người (HCI). Với chính sách vẫy gọi đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào thị trường Việt Nam với mức tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 7.2 % trong năm 2019 với giá trị ước đạt 38.02 tỷ USD. Với tiềm năng kinh tế và phát triển to lớn, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên, Tiếng Việt chắc chắn sẽ còn có không gian phát triển lớn hơn trong một thế giới ngày càng được kết nối như hiện nay./.