Tôi và Khải Đơn


Khải Đơn là một tác giả 8x nổi tiếng tại Việt Nam, chị là một nhà báo thường viết về xã hội, cuộc sống, đặc biệt là các vấn đề mà giới trẻ gặp phải. Các sách đã được xuất bản: Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn thành thị hoang dại, Ta có bi quan không, Gập ghềnh tuổi 20...

Cuốn sách đầu tiên của chị, tôi đọc bản thảo từ cuối năm 2014, đến đầu năm 2015 thì “Đừng tháo xuống nụ cười” được xuất bản, năm đó tôi 25 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học. Là một người trẻ còn ôm ấp bao nhiêu kỳ vọng và hiếu kì về cuộc sống. Khi là độc giả, tôi sống trong câu chữ của chị. Tôi từng có một tuổi trẻ lộng lẫy, cuồng nhiệt, hết mình, vấp ngã và đổ vỡ. Lúc ấy, những câu chữ của Đơn, như một điểm tựa với tôi.

“Dù sao thì cây vẫn nở hoa, mặt trời vẫn mọc, và nếu sống thì phải hạnh phúc.”

Sau này, tôi có cơ hội gặp chị. Lần đầu tiên tôi gặp chị là đi cùng bạn, bạn tôi bàn công việc của chị - hôm đó là trước khi chị giao lưu với độc giả tại Hà Nội khi “Đừng tháo xuống nụ cười” được phát hành. Hôm đó tôi chỉ ngồi cạnh, ít nói và quan sát.

Lần thứ hai gặp chị là vào ngày hôm sau. Tôi vẫn ít lời, vẫn quan sát, nhìn chị đối thoại với độc giả, bất chợt tôi nhận ra, những điều chị viết, rất thật. Những gì chị chia sẻ, là chân thành.

Sau này, tôi có cơ hội tiếp xúc với chị nhiều hơn, đọc nhiều hơn những bài viết của chị. Rồi tôi tiếp tục đọc “Sài Gòn thành thị hoang dại”. Không chỉ còn vẻ hào nhoáng bóng bẩy, mà là những vết nứt, những bức tường loang lổ, những khoảng trống để người ta chui vào, giấu diếm mình hay là che đậy mình lại.

Trong kí ức của tôi, Sài Gòn lúc nào cũng đẹp. Sài Gòn với tôi là những ngày đầy nắng, và mưa, len chân lên chuyến xe bus giữa giờ cao điểm, phía ngoài chỉ lố nhố những mũ bảo hiểm. Sài Gòn với tôi là những lúc lang thang đi bộ rồi tấp vào một hàng quán vỉa hè bất kỳ, thấy cuộc sống sao hồn hậu. Sài Gòn chưa bao giờ xấu, không phải bởi những hoa lệ sáng đèn mà bởi tâm hồn giông tố của người ta sẽ có cách để lắng lại.

“Hôm mùng Một ấy, nắng Sài Gòn trắng biếc như cô gái thuở mười bảy, nóng hanh cả người mà tĩnh lặng vô ngần. Có thuở mình nhìn các cô bé học trò mặc áo dài và lỡ yêu thương, thì hôm ấy phải lòng Sài Gòn như vậy.

Ngày thường làm sao biết được ngần ấy thứ. Nghe còi xe là điên rồ giận dỗi bỏ đi rồi.

Vì thèm cái cảm giác cô đơn ấy, cứ mùng Một Tết lại mò lên thành phố.

Từ dạo thênh thang ấy đã thề thốt rằng, mốt có đi xa, cũng còn nhơ nhớ thành phố này. Dễ cười. Dễ mượn áo mưa. Dễ nói thương nhau. Dễ rủ cafe.

Dễ yêu.

Sài Gòn Tết đến, mình tạm biệt nhau vài tuần… rồi hẹn gặp y như chưa từng đơn côi bao giờ.”

Sài Gòn của chị, vẫn vậy thôi, vẫn là những câu chuyện có mới có cũ. Vẫn là tuổi trẻ thôi, tuổi trẻ giữa thị thành, khát vọng và vùng vẫy. Có người, có thể nói rằng ngôn từ chị dùng hoa mỹ, những suy nghĩ của chị không nhất quán, tôi thì thấy, đó là điều dĩ nhiên. Ai đi qua thì sẽ hiểu, có những câu chuyện, đôi khi chỉ là hai câu nhưng cũng đủ để khiến người ta bước vào ngã rẽ. 

Lần thứ ba chúng tôi gặp nhau, là ở Sài Gòn. Tôi với cậu bạn ngồi ở quán bia nhìn ra kênh Nhiêu Lộc và đợi chị.

 Đó cũng là lần gặp gỡ chính thức của tôi và “Ta có bi quan không”.

Lần đầu tiên thấy tựa sách, một lần nữa tôi nhìn thấy mình ở đó. Đó cũng là câu hỏi tôi tự hỏi mình trong suốt thời gian dài. Tuổi trẻ ở “Bi quan” là tuổi trẻ lem luốc với đầy hoài nghi, sợ hãi và vấp ngã. Chúng ta được học những mớ kiến thức sách vở nhưng không ai dạy chúng tôi khi lao vào xã hội, công việc thì chúng tôi cần làm đúng hay làm tốt. Không ai chỉ bảo chúng tôi nên làm gì khi đối diện với những đồng nghiệp không cho mình cơ hội hòa nhập, hoặc nếu có, đó không phải là cơ hội ở nơi làm.

Những người trẻ mới ra trường như chúng tôi sợ người cũ, còn người cũ, e dè với chúng tôi.

“Người nhạy cảm thường mất quá nhiều thời gian để quên đi một chuyện đau lòng mỏng manh, còn kẻ chà đạp lại quá thành tâm làm vết thương không lành hình được. Ta nhận mình mãi là một kẻ bị tổn thương hay lúc nào đó sẽ hoá thành một cái ác không khoan nhượng.”

Nhưng, chí ít cuộc đời vẫn cho người ta cơ hội để lựa chọn. Nhiều lúc, tôi nghĩ, sự ổn định giam cầm, trói buộc tư duy của người ta. 

Và như vậy, “Ta có bi quan không” như một cái tát rát mặt vào giấc mơ về cuộc sống màu hồng. Không ngừng chất vấn, không ngừng đặt câu hỏi, không ngừng bôi lên những màu xám nhám trong cuộc sống, vậy, ta có bi quan hay không?

Có, ta có bi quan và ta chân thật, nhưng ta cũng kiên cường và kiên trì để dẫu có bi quan thì đường vẫn cần phải đi, và ta vẫn cần phải sống, vẫn vấp ngã, vẫn ngây ngô huyễn hoặc bản thân rồi bỏ mặc để đi về phía trước.

Cho đến một ngày, đối diện với nỗi buồn, vết sẹo đã từng của bản thân vẫn có thể mỉm cười và đối đãi lương thiện. Người ta nói rằng những tâm hồn rạn vỡ tự an ủi lấy nhau. Tuổi trẻ của một người càng lộng lẫy thì khi rạn vỡ càng lem luốc. Nhưng dẫu sao, tôi yêu cả cái lộng lẫy và lem luốc ấy, như chính bản thân mình.

Sách của Khải Đơn chưa bao giờ là những cuốn sách để đọc nhanh và liền mạch, càng không phải là cuốn sách để người đọc hùa theo rằng cuộc sống có bấy nhiêu rực rỡ, khó khăn, lừa lọc, gian dối... mà để ta thật thà hơn mỗi ngày.

Trở về

You May Also Like

Đóa hồng xứ lạ

Đóa hồng xứ lạ

Người ngủ thuê - Nhật Phi

Người ngủ thuê - Nhật Phi

Những kẻ mộng mơ - Nếm vị cuộc đời

Những kẻ mộng mơ - Nếm vị cuộc đời

Đi tìm cây bàng lá đỏ

Đi tìm cây bàng lá đỏ

Ở ngoài kia bộn bề lắm, con về với mẹ thôi

Ở ngoài kia bộn bề lắm, con về với mẹ thôi

Ba mùa Trung Thu

Ba mùa Trung Thu

Đi tìm ánh sáng

Đi tìm ánh sáng

[Nhật ký xa xứ] Tháng Chín

[Nhật ký xa xứ] Tháng Chín

Tuổi trẻ thời vàng son

Tuổi trẻ thời vàng son

Hỏi em

Hỏi em

Hương dủ dẻ

Hương dủ dẻ

[Nhật ký xa xứ] - Đời hạnh phúc thế còn gì

[Nhật ký xa xứ] - Đời hạnh phúc thế còn gì