Những kẻ mộng mơ - Nếm vị cuộc đời
Viết:Hello VietNam
Tôi nhận được Những kẻ mộng mơ vào một ngày đầu tháng Hai, cuốn sách xinh xắn với những tấm postcard bắt mắt. Với lời đề tặng dễ thương: “Giản đơn đi cho cuộc đời an nhiên”.
Những kẻ mộng mơ thu hút tôi từ những dòng đầu tiên, như một lời giãi bày của tác giả về cuốn sách. Ngôn từ giản đơn, nhưng có lẽ bởi vậy mà thấy, mọi điều rất thật.
Từ trang số 9, là vài trang giấy trắng. Nếu là những năm trước, có lẽ tôi sẽ bực bội vì không thích một cuốn sách với khoảng trống như vậy. Nhưng giờ, lại khác. Bởi nếu không có những trang giấy trắng ấy thì cảm xúc của tôi đã đi đến nơi nào đó, rất xa.
Bất chợt, Những kẻ mộng mơ như một người bạn ngồi cạnh, nói những câu bâng quơ, còn tôi, ngẫm về những điều đã qua, nhìn lại mình của quá khứ và hiện tại. Khẽ gật đầu, rồi lại lắc.
Tôi nghĩ nhiều về tuổi trẻ của mình. Như ô cửa sổ màu xanh cũ kỹ với những mảng chắp vá, từ đó nhìn ra, lúc ảm đạm, lúc có sắc màu. Nhưng, chung quy lại, là cũ kỹ.
Tài sản của những người trẻ như chúng tôi, đều giống nhau. Chất chứa cô đơn. Có khi, nếu để điền vào trang giấy đó tuổi trẻ của mình, tôi sẽ để trắng. Chẳng bởi gì khác, ngoài, những tháng ngày trống rỗng, không biết mình là ai, mình ở đâu, mình có cuộc sống thế nào, và muốn cuộc sống ra sao. Có khi, trang giấy lại là những vệt loang lổ, từ nước mắt. Đổ vỡ, thất bại, bắt đầu lại.
Trẻ mà, ai mà chẳng mộng mơ, chẳng khát khao, chẳng tham vọng. Rồi những tham, sân, si - những vấp ngã cuộc đời khiến người ta biết nếm vị tổn thương, vị cuộc đời.
Nếu có ai hỏi tôi rằng, vị cuộc đời thế nào? Có lẽ tôi chẳng do dự mà nói: “Câu trả lời ở Những kẻ mộng mơ.”
Cuốn sách ấy, nếu bảo là tản văn thì không hẳn đúng. Tôi thấy những câu chuyện ở đó. Nếu bảo đó là một tập tiểu thuyết, cũng không phải. Cuốn sách ấy, có lẽ, giống một tập nhật ký.
Nhật ký của người theo đuổi đam mê, kẻ theo đuổi danh vọng, ai đó theo đuổi tình yêu, hay bất cứ thứ gì khác. Lúc nào cũng là chạy theo, như quán tính. Luôn là trò cút bắt.
Tôi vẫn thường nói với chính mình rằng, tôi không cần trở thành một người vĩ đại, không phải trở thành người có ảnh hưởng đến người khác như thế nào, chỉ cần là một người đơn giản, lúc nào cũng có những ước mơ để theo đuổi. Rồi, nhận ra, mình quả là một kẻ mộng mơ.
Đọc cuốn sách này, tôi giận tác giả nhiều. Giận lắm.
Giận cậu ấy như một người thoắt ẩn thoắt hiện, khi vô hình, khi ở bên nhắc nhở người đọc - là tôi, rằng, “Cậu cũng giống tôi thôi. Chúng ta giống nhau.”
Giận cậu ấy, khi có khi không, như cho tôi một cái ôm ấm áp - thứ xa xỉ với kẻ đơn độc, rồi lại ngay sau đó, cho người ta ánh mắt băng lạnh mùa đông.
Y như cuộc đời.
Tôi nghĩ mình hiểu cậu ấy.
Rồi tôi sai.
Những câu chữ của Elvis Nguyễn, đơn giản thì đơn giản thật, nhưng có lẽ bởi quá giản đơn nên người ta có nhiều cảm xúc hơn dành cho những trải nghiệm đồng điệu với tác giả. Đọc sách, chiêm nghiệm với chính bản thân mình. Đọc sách, và hiểu hơn chính mình. Rồi bao dung, vị tha cho những điều đã qua. Những điều cũ kỹ.
Tôi nghĩ, mình đồng điệu với tác giả.
Cho đến khi…
“Đúng và sai? Có quan trọng không. Đây là một cuốn sách có thể đọc xuôi, và cũng có thể đọc ngược. Vì cuộc đời ta sai rồi. Vẫn có thể đúng nếu làm lại từ đầu.” - Những kẻ mộng mơ - Elvis Nguyễn.
Phải rồi, vốn dĩ, điều đúng vào ngày hôm qua, có thể là sai vào ngày hôm nay. Và ngược lại.
Và, nếu có thể, thì cứ là những kẻ mộng mơ. Như tôi, trong một buổi chiều tháng Hai, ngồi sau ô cửa chắp vá, lật hết trang này đến trang khác, thở dài, rơi lệ, rồi mỉm cười.