Mekong phù sa phiêu bạt – Tôi vẫn trôi, giữa dòng chảy cuộc đời


Thu sang rồi nhỉ, cái mát lạnh ban sáng khiến tôi nhớ đến ly latte ở phố cổ Luangprabang. Tôi từng có mùa thu như vậy, yên ả và dịu êm. Ở đây – lúc này, tôi lại có <Mekong phù sa phiêu bạt> của Khải Đơn. Khi đọc cuốn sách này, tôi mang trong mình quá nhiều trạng thái cảm xúc, đứng giữa những ngã rẽ và lựa chọn, tôi không thể ngưng việc nghĩ về nơi yên bình xa lạ nhất mà mình từng đi qua – cố đô với sông Mekong uốn quanh, dịu dàng vào mùa thu, gợn sóng vào mùa hạ. Đó là nơi yên bình tôi muốn mà chẳng thể mang theo trong những hành trình của mình.

Ở <Mekong phù sa phiêu bạt> tôi cũng gặp Luangprabang, nhưng hơn cả, tôi được xem khung hình khác, thước phim khác, mảnh đời khác; những điều mà kẻ du hành như tôi – chẳng thể nào trông thấy hay cảm nhận sâu sắc đến thế.

Tôi bước lên tàu vào giờ tan tầm cao điểm, từ Đài Bắc về Trung Lịch, vừa đứng dựa vào cửa sổ gần nơi giáp hai khoang tàu, vừa đọc sách và tự hỏi liệu mình có thể kiên trì kiểm soát cảm xúc khi viết review về cuốn sách này hay không.

Mekong với tôi là một chiều tháng Tư nắng nóng ở Luangprabang, tôi mượn xe đạp của anh bạn ở cùng hostel, chạy dọc bờ sông, thấy mùa hè mát rượi. Buổi tối, chúng tôi ngồi ở quán ven sông, cụng chai với cậu bạn người Lào học cùng trường ở Trung Quốc, chúng tôi uống bia Lào, thử hết chai lớn đến chai nhỏ với món nhậu kèm theo là đặc sản gỏi mực cay xè của một đất nước không có lấy một mét đường biển. Cũng là sớm mùa thu tháng Chín, Mekong yên ả với chiếc muffin chocolate cùng tách latte nhạt vị.

Mekong với tôi là buổi chiều tháng Tư rực rỡ, trên đường cao tốc ở Bangkok, cậu bạn tôi chỉ về phía xa xa: “Sông Mekong đó.”

Cũng là trưa nắng tháng Hai, tôi bắt xe đò từ bến xe miền Tây về đến Tiền Giang, để rồi lênh đênh trên sông, kiếm tìm điều gì mà chính tôi cũng không biết.

Với tôi, Mekong lúc nào cũng dịu dàng, chúng tôi đối đãi với nhau như những người mới yêu, nồng nhiệt và say đắm.

Tôi rời Đài Bắc khi chiều tắt nắng, đến Trung Lịch khi phố lên đèn. Phố của những con người tha phương… Quanh ga, tôi nghe người ta trò chuyện bằng tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Tagalog… Ở đây, mặc nhiên như một Đông Nam Á thu nhỏ. Nơi ẩn giấu những trái tim, tâm hồn Mekong. Đó là Mekong của tôi. Còn Mekong của Khải Đơn?

Mekong của chị, dữ dội và dậy sóng. Mekong của chị là những điều mà những trái tim yếu đuối không thể đi, nhìn và cảm nhận. Mekong của chị, có lẽ nếu không đọc, chẳng thể cảm nhận đầy đủ được Mekong. Nơi mà cái xấu và cái tốt song song tồn tại. Nơi là lằn ranh của sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, quốc gia. Nơi mà, ta buộc phải nói với chính mình rằng, cuộc sống trong bong bóng cầu vồng là cuộc sống mà bất cứ ai cũng mong mỏi.

Đọc Khải Đơn trong những ngày này, tôi cho phép mình được chìm nổi, trôi dạt giữa thời điểm không thể định nghĩa được cảm xúc và trái tim. Để mình như một cánh bèo lục bình, phiêu dạt giữa những cơn sóng cuốn đầy phù sa.

“Cái chết.” Là điều mà cuốn sách không ngừng ghi chép lại. Có cái chết dữ dội như thảm họa khiến gần 400 người tử vong vì giẫm đạp nhau, chen lấn trên chiếc cầu trong ngày lễ hội ở Phnompenh năm 2010. Là tàn tích của vụ đánh bom ở đền thờ Erawan (Bangkok) năm 2015. Là những vụ xả súng hàng ngày ở hai phía ngôi đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia. Tranh chấp, xung đột xảy ra hàng ngày của những nơi cận kề, tương đồng về văn hóa, chỉ khác nhau, họ đứng ở hai phía biên giới.

Cái chết đau thương của cuộc đàn áp dã man của chính phủ Myanmar với người Rohingya cuối năm 2016, đầu 2017. Nhưng cũng có khi, cái chết trầm lặng như những cồn giữa sông Cửu Long. Hôm nay còn là cồn, ngày mai có khi chỉ còn là dòng phù sa trôi dạt. Có những cái chết trôi theo nước lũ, dành cả thân xác và linh hồn mình bồi đắp cho đất mẹ sông cha.

“Cái chết ở Mekong thường mỏng như làn khói. Nó được định danh trong buổi chuyện trò. Người rời bỏ sự sống thoảng qua được nhớ lại, nhắc tên, vấn vương đâu đó trong cảnh huống quá khứ lẫn lộn mà người kể chuyện từng có họ đâu đó giữa đời.” – Mekong phù sa phiêu bạt.

Và, cũng có những “cái chết” về linh hồn, về tinh thần, về gốc rễ nguồn cội. Người ta đặt tên, đó là “cồn Đài Loan”, “cồn Hàn Quốc”.

Tôi đang sinh sống và học tập tại Trung Lịch, Đài Loan – nơi tập trung rất nhiều những người Khách Gia – nơi tập trung rất nhiều những cô dâu, lao động Việt Nam. Ở đây, chẳng khó để nghe thấy giọng miền Tây ngọt lịm, thi thoảng, trong bữa nhậu của bạn bè, tôi vẫn nghe người ta đàn guitar, ca những bài về miền Tây sông nước.

Tôi làm những bài phỏng vấn về người Việt ở Đài Loan. Tôi tiếp xúc với những con người lao động. Họ nói về kì thị giữa người bản địa với người nhập cư. Cũng có khi, họ nói về sự kì thị giữa chính những người nhập cư. Ai cũng sống với những mối bận tâm của riêng mình. Cái nghèo, tiền bạc, sự bất ổn thôi thúc người ta thoát ly, đi thật xa với ước mong đổi đời, đâu chỉ cho mình. Cho cả người ở, người đi, và thế hệ sau này.

Đã không ít lần, tôi tự hỏi có đáng không để người ta đánh đổi như vậy. Nhưng rồi, nhìn lại chính mình. “Đáng.” Không ít lần tôi trả lời như vậy.

Chúng ta thỏa hiệp với bản năng tồn tại, khát vọng một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn để mà đánh đổi gia đình, tình thương và cả những thứ chúng ta chẳng thèm màng đến như thiên nhiên – sinh thái – xã hội – văn hóa – lịch sử.

Những quốc gia trên dòng Mekong trở thành những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Bởi điều gì?

Thiên nhiên trù phú, hùng vĩ? Văn hóa Á Đông với đạo Phật, đạo Hồi hay sự cấp tiến của đạo Hòa Hảo? Bởi những di sản văn hóa? Bởi đó từng là nơi thực dân, tư bản, đế quốc đặt gót chân, dấu giày trong những công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép và sinh mạng người bản địa? Hay bởi những phố đèn đỏ với cái giá rẻ mạt để người ta có thể thỏa mãn tất thảy những thú vui cõi đời?

Chúng ta, không dám trả lời.

Đọc cuốn sách này, tôi cảm ơn Khải Đơn bởi mang những cảm xúc của tôi chìm xuống đáy sông, để ngơi nghỉ, thư thả, rồi tôi – sẽ lựa chọn là hạt phù sa hay vùng mình quẫy sóng. Trở lại và mạnh mẽ hơn.

“Sống có nghĩa là nhìn thẳng vào dòng sông chảy không ngơi, thẳng thớm chọn sinh mệnh và con đường: chọn làm phù sa, làm cha, làm mẹ, làm cát, làm ông, làm bất kỳ ai. Sống không khoan nhượng.” – Mekong phù sa phiêu bạt.

Tôi nhớ một cuốn sách mình rất thích, All the rivers run (Tất cả các dòng sông đều chảy).

Mekong cũng vậy, Mekong vẫn chảy. Chúng tôi vẫn sẽ yêu nhau, nồng nhiệt và say đắm, như ngày bắt đầu. Yêu đối phương vì ta là chính mình, khi ta là chính mình.

Dòng đời cũng vẫn chảy, dù tôi là bất kỳ ai.

Nhiên.

Trở về