Hương dủ dẻ


“Trong khi chờ tụi nó, tôi ngồi trước hiên ngắm trăng, những ngày tháng này là những ngày tháng đẹp nhất đời tôi, bây giờ chiều nào tôi và bọn nhóc cũng tha thẩn trên đồi tìm bông dủ dẻ rồi dạo chơi trong rừng sim hoa tím.”

“Chị Hiên ơi, em mới phát hiện ra cái này hay lắm!” 

Sẻ níu vạt áo tôi rồi nó chỉ vào cuối góc vườn, nơi vừa có một cây dủ dẻ mới mọc lên. Chưa gì mà tôi đã thấy con bé vui sướng cười háo hức. 

Ở miền quê này không có gì đặc biệt, chỉ có mùi hương dủ dẻ là đủ sức níu bước chân tôi quay lại. Nơi ấy, một màu vàng hoang dại luôn ngập trong ánh nắng mặt trời… nơi vùng quê nghèo ven sông.

Dì, Dượng tôi có hai đứa con, là một cặp sinh đôi một trai một gái - Nấm và Sẻ. Tụi nó nhỏ hơn tôi bảy tuổi, tức là vừa mới học xong lớp năm. Nhớ hồi đó, lần đầu tiên gặp Nấm với Sẻ là lúc tụi nó còn chưa biết đi, vậy mà giờ đã lớn phổng phao rồi, nhưng chỉ lớn vậy thôi chứ nhìn vẫn còn con nít lắm. Tôi đang ngồi vun lại mấy gốc bụi hồng tỉ muội gió mưa làm gãy cành hôm qua, thì Nấm và Sẻ bước đến cùng kéo áo tôi.

“Chị Hiên, ra bờ sông chơi thả diều với tụi em đi!” 

“Bây giờ sao?”

“Dạ, chứ lát nữa hết gió là diều không bay lên được. Đi, chị.”

Sẻ hối đến nỗi tôi còn chưa kịp rửa tay đã phải lẽo đẽo đi theo nó. Từ nhà dì Út ngược về phía núi rồi đi thẳng chừng mười phút đi bộ, là tới bờ sông, nơi bọn trẻ thường chơi thả diều. Ở đây ngoài con sông nước trong vắt quanh năm còn có cánh đồng cỏ lau rì rào trắng muốt, đây đúng là một điểm lý tưởng để thả diều. 

Trong số những người hàng xóm gần nhà dì Út, thật ra tôi có để ý một thằng nhóc, cỡ tuổi Nấm nhưng trông nó chững chạc hơn. Tôi gặp nó lần đầu tiên là ở ngoài bờ sông, khi thì nó ngồi một mình, khi thì nghịch nước, lúc lại nhìn bọn kia chơi thả diều. Tôi thấy nó nhìn vào con diều của Nấm với một ánh mắt khao khát nhưng chẳng bao giờ có cơ hội chạm vào. Nhiều lúc muốn lân la hỏi han nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu.

Nhưng từ khi quen biết nó thì hình ảnh lem luốc và mái tóc cháy xém của nó cứ không ngừng gieo vào đầu tôi những suy nghĩ lạ lùng. Tôi thấy thật thương nó, một đứa bé mà ngay cả món đồ chơi đơn giản nhất cũng không có được, nó cô đơn trong chính tuổi thơ của nó, đã vậy còn nói lắp bị bạn bè xa lánh. Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có nhiều tình cảm với một đứa bé xa lạ như vậy, thậm chí tôi còn chưa lần nào nói chuyện với nó.

Mãi sau này tôi mới biết em tên Minh, tôi không muốn gọi em bằng cái tên mà bao người đã từng chọc em, đơn giản vì tôi muốn em có nhiều bạn bè chơi cùng. 

Hôm nay Nấm không rủ tôi đi thả diều nữa. Buổi sáng nó ở nhà nấu cơm, quét dọn nhà cửa, tôi phụ nó mấy việc linh tinh, dì dượng lên rẫy đến chiều mới về. Buổi trưa tôi bảo Sẻ ở nhà trông nhà, còn tôi và Nấm dắt hai con bò đi ăn cỏ ngoài bãi cạnh bờ sông. Nhưng mới đi được nửa đường chúng tôi gặp Minh, thấy Minh, Nấm định quay đầu bỏ chạy thì tôi đã kéo áo nó lại.

“Sao thế, mọi ngày em vẫn đi đường này mà.”

“Mình đi đường khác đi chị, đi đường tắt nhanh hơn.”

“Vấn đề không phải đường tắt hay đường thẳng mà em cố tình tránh mặt Minh, đúng không?”

Thấy tôi nói đúng tim đen Nấm giả bộ ngó lơ đi chỗ khác, một lát sau nó mới quay lại phân trần.

“Không phải đâu chị. Chỉ là em không muốn gặp nó thôi, chứ em có ghét gì nó đâu.”

“Nhưng em làm vậy sẽ khiến Minh buồn và cảm thấy tủi thân hơn đó.”  

Nấm im ru, chẳng biết nó nghĩ gì, hy vọng nó sẽ hiểu những gì tôi nói.

Hôm nay Minh cũng dắt hai con bò đi ăn cỏ, lần đầu tiên tiếp xúc nói chuyện tôi thấy em khá thân thiết. Dường như đã hiểu những gì tôi nói, giữa Nấm và Minh không còn khoảng cách nữa. Buổi chiều đó Minh rủ chúng tôi đi tìm dủ dẻ, ở cái thị trấn nhỏ này có vô số những kiểu chơi mà bọn con nít mê tít, trong đó có trò bứt lá dủ dẻ tết lại làm kèn thổi te te. Không riêng gì Nấm, Minh hay Sẻ, mà những ai đã sinh ra và lớn lên ở thị trấn này đều có rất nhiều kỷ niệm gắn liền với cây dủ dẻ.

Những mùa dủ dẻ chín dường như đã ăn sâu vào ký ức bọn chúng, tôi nhớ có một lần chúng tôi tìm được chùm dủ dẻ vàng ươm, thế là cả đám nhào vô tranh giành đến nỗi quả dập nát bét rớt xuống đất, vậy mà tụi nó vẫn tiếc nhặt lên phủi phủi rồi cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt thanh tao nồng nàn từ hương vị đồng quê. Hương thơm ấy giản dị mà luôn đong đầy tình cảm. Có lẽ chỉ những ai đã từng trải qua mới thấy hết vị ngọt quả dủ dẻ đánh thức vị giác mỗi khi nhớ về một miền quê xưa cũ. 

Kể ra từ khi về nhà dì Út chơi, tôi được nếm nhiều thứ mình chưa ăn bao giờ hay những thứ ăn rồi lại thấy lạ lẫm. Những trái sim tím chín rực Nấm hái trên triền đồi cao phảng phất một thứ mùi hoang dại, tôi gọi là mùi rừng núi, đến khi Sẻ dúi vào tay tôi chùm dủ dẻ toả hương ngào ngạt tôi cảm giác như hè đang đến, rất gần. Minh đào mấy củ khoai mầm sau vườn rồi đặt lên bếp than nổ lách tách thì y như mùa đông đã dọn đến thị trấn này. Dượng về nhà mang theo mấy con cá rô phi to tướng, ướp gia vị rồi kho trên than hồng, dì nấu một nồi canh cua rau đay nóng hổi, cả nhà vừa ăn vừa nhìn nhau trong cơn mưa lạnh lẽo một chiều tháng tám. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc trọn vẹn thứ hai mà tôi từng cảm nhận được ngoài gia đình tôi.

Sau một buổi chiều mưa trong veo, lâu lắm rồi mới có một cơn mưa nhẹ nhàng khiến người ta dễ chịu như vậy. Dì dượng đi từ hồi trưa, lên huyện chắc mai mới về, dì nhờ tôi chăm hai đứa nhóc, Nấm và Sẻ không biết làm gì mà cứ lui cui trong bếp cả buổi đến giờ vẫn chưa ra. Trong khi chờ tụi nó, tôi ngồi trước hiên ngắm trăng, những ngày tháng này là những ngày tháng đẹp nhất đời tôi, bây giờ chiều nào tôi và bọn nhóc cũng tha thẩn trên đồi tìm bông dủ dẻ rồi dạo chơi trong rừng sim hoa tím. Tôi và Sẻ đi cạnh nhau, Nấm và Minh lang thang hướng khác. Tụi nó cũng đã thân hơn xưa, chúng tôi đôi khi chỉ nhìn thấy nhau thấp thoáng sau những chùm dủ dẻ vàng ruộm. Đó cũng là lúc mùi hương dủ dẻ ngọt ngào lan theo gió, không chiều nào mà Sẻ không ngắt vài bông về bỏ trong cặp sách, treo trên khung cửa hay để ở đầu giường, Nấm và Minh thì không thích hái bông, hai đứa nó chỉ thích vặt hết trái ăn cho đã thèm. Mùi hương dủ dẻ cứ thế dịu dàng, mênh mang ngây ngất theo tôi cả vào trong từng giấc ngủ, vương vít vào tận giấc mơ êm đềm những ngày thơ ấu của bọn nhóc. Mãi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi không biết Minh đã sang và đang ngồi cạnh tôi, em chẳng nói gì chỉ mỉm cười nhìn tôi. Nấm và Sẻ cũng vừa từ bếp đi ra, tụi nó mang theo một rổ khoai lang nướng nóng hổi rồi ngồi bệt xuống, háo hức.

“Khoai em mới nướng đó chị. À, Minh, tối nay mày ở lại đây ngủ với tao nha, tao ngủ có một mình à thêm mày sẽ vui hơn!” Nấm bóc một củ khoai đưa cho Minh.

Chẳng biết hai đứa nó nói chuyện gì mà đứa nói, đứa gật, rồi cười, rồi lại tiếp tục nói. Cứ thế đến khi trăng lên, đêm nay chỉ là một mảnh trăng khuyết treo lơ lửng nhưng vẫn tỏa ra thứ ánh sáng mờ ảo, phủ màu ấm áp lên đám cỏ ướt mưa trước sân nhà, cộng với mấy con đom đóm đang lượn bay như soi sáng một khoảng trời thị trấn an yên.Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy Minh khẽ ngước nhìn tôi như muốn nói điều gì, nhưng em chưa kịp nói thì Nấm đã chen ngang.

“Chị Hiên, Minh suýt phải nghỉ học đó.”

“Nghỉ học!” Tôi ngạc nhiên. Sao lại phải nghỉ học.

“Vì nó không có tiền mua sách giáo khoa, nhưng lúc nãy tụi em đã bàn với nhau rồi, em sẽ cho Minh bộ sách giáo khoa cũ, cũ mà vẫn còn xài được.” 

“À, vậy ra chuyện hai đứa nhỏ to lúc nãy là chuyện này đó hả.”

“Dạ, đúng đó chị!” Nấm nheo mắt cười, rồi nó nói thay Minh những lời muốn nói với tôi. Minh nói cảm ơn chị nhiều lắm, vì những cây bút và những cuốn truyện tranh chị tặng nó hôm bữa và cả số tiền chị giúp mẹ nó trả tiền viện phí nữa. 

Nấm và Minh làm tôi xúc động ghê gớm. Những việc tôi làm có là gì đâu so với những việc bọn nhóc ở đây đã làm cho tôi. Ừ nhỉ, có những điều kỳ diệu chẳng xa xôi như tôi mải mê tìm kiếm, mà đôi khi đơn giản chỉ là một sự động viên, một lời chia sẻ, là lòng tốt và niềm tin.

Tình yêu làm thời gian trôi đi rất nhanh, có ai đó đã nói như vậy. Trong trường hợp của tôi, câu nói đó thật đúng. Gần hai tháng bám rễ ở đây, tôi không nghĩ đến ngày mình phải nói lời tạm biệt nhưng biết phải nói gì bây giờ. 

Nấm và Sẻ chìa ra trước mặt tôi một cái túi vải, trong đó đựng một chùm bông dủ dẻ khô, một mảnh giấy và một cái kèn được tết từ bông dủ dẻ. Tụi nó nhìn tôi, mắt ươn ướt. “Chị lên thành phố thượng lộ bình an nha chị”. Tôi lắc hai bím tóc Sẻ. “Ừ, cảm ơn em, khi nào rảnh chị sẽ lại về đây chơi. À, sáng giờ hai đứa có thấy Minh đâu không?” 

“Minh nói không muốn thấy cảnh chia ly nên nó không qua đâu chị. Nó có viết thư cho chị, là mảnh giấy ở trong túi vải đó, lát nữa lên xe chị mở ra xem nha”. 

“Ừ, chị biết rồi”.

Tôi rời thị trấn vào một buổi sáng mưa, mưa chảy ngược phía sau lưng tôi, hiền hoà, mênh mang. “Chúc em luôn hạnh phúc, Minh à. Tạm biệt em!”. Tôi thì thầm qua khung cửa ướt nhẹp nước mưa, hy vọng em sẽ nghe thấy, dù thế nào thì chúng tôi cũng đã từng là những người bạn, như em nói là những người lạ quen thuộc.

Khi xe chạy được một lúc, tôi mở lá thư của Minh ra xem, hàng chữ dài thẳng tắp, nhỏ xinh.“Chị Hiên, em xin lỗi vì đã không qua chào tạm biệt chị. Em chỉ muốn nói với chị là em cảm ơn chị, lòng tốt và niềm tin của chị, của những người yêu thương em sẽ khiến em không phải cô độc trên con đường em đang đi và sắp đi. Khi nào rảnh chị lại về đây chơi nữa nha chị”.

Những dòng chữ của Minh, thật kỳ lạ, nó khiến mắt tôi nhoè đi trong một sáng trời mưa dầm dề, rả rích. Chưa gì mà đã thấy nhớ mùi hương dủ dẻ rồi, mùi hương sâu thẳm đọng lại mãi trong túi áo ngày nào. Đơn giản, bởi đó là hạnh phúc của một tuổi thơ, của tôi, của tất cả chúng tôi…

Phong Lin


 

Trở về

You May Also Like

Đóa hồng xứ lạ

Đóa hồng xứ lạ

Người ngủ thuê - Nhật Phi

Người ngủ thuê - Nhật Phi

Tôi và Khải Đơn

Tôi và Khải Đơn

Những kẻ mộng mơ - Nếm vị cuộc đời

Những kẻ mộng mơ - Nếm vị cuộc đời

Đi tìm cây bàng lá đỏ

Đi tìm cây bàng lá đỏ

Ở ngoài kia bộn bề lắm, con về với mẹ thôi

Ở ngoài kia bộn bề lắm, con về với mẹ thôi

Ba mùa Trung Thu

Ba mùa Trung Thu

Đi tìm ánh sáng

Đi tìm ánh sáng

[Nhật ký xa xứ] Tháng Chín

[Nhật ký xa xứ] Tháng Chín

Tuổi trẻ thời vàng son

Tuổi trẻ thời vàng son

Hỏi em

Hỏi em

[Nhật ký xa xứ] - Đời hạnh phúc thế còn gì

[Nhật ký xa xứ] - Đời hạnh phúc thế còn gì