Khởi nghiệp - Con đường tự chủ kinh tế của phụ nữ Việt tại Đài Loan
Viết:MY
Hơn 20 năm trôi qua, sự phát triển của xã hội và sự lớn dần của cộng đồng người Việt tại Đài Loan cùng với những ngành nghề dịch vụ mở rộng đối tượng đến nhóm người di cư, lao động nước ngoài đã mang tới nhiều cơ hội công việc cho những người phụ nữ sinh sống tại nơi này. |
Thành công là gì? Đối với mỗi người thì định nghĩa với thành công sẽ khác nhau, là mua được một căn nhà lớn, có khi là có thật nhiều tiền bạc, hoặc là có danh tiếng, sự nghiệp. Nhưng với một nhóm những người phụ nữ, thành công - với họ - là tự chủ được về kinh tế, làm chủ được cuộc sống của mình, có đủ năng lực để lo cho con cái và gia đình. Đó là những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng tại Đài Loan.
Từ đầu những năm 2000, “làn sóng” lấy chồng Đài Loan đã đưa nhiều cô gái Việt Nam đến hòn đảo này, sinh sống, định cư và lập nghiệp tại nơi đây. Họ bắt đầu với xuất phát điểm là con số 0, thậm chí đối mặt với nhiều khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, sống xa gia đình và người thân. Đối với họ, việc có thể thích nghi với cuộc sống mới, tự lo cho bản thân, tự chủ về kinh tế là sự nỗ lực lớn lao.
Hơn 20 năm trôi qua, sự phát triển của xã hội và sự lớn dần của cộng đồng người Việt tại Đài Loan cùng với những ngành nghề dịch vụ mở rộng đối tượng đến nhóm người di cư, lao động nước ngoài đã mang tới nhiều cơ hội công việc cho những người phụ nữ sinh sống tại nơi này.
(vietgiaitri.com)
Theo thống kê của Bộ Nội chính Đài Loan, đến năm 2019, số lượng người Việt kết hôn tại Đài Loan là 107.375 người, chiếm vị trí số 2 với 19.5% số lượng người nước ngoài kết hôn với người Đài Loan.
Dạo quanh các khu phố Đài Loan bạn có thể dễ dàng bắt gặp các quán ăn, sạp hàng rau củ, trái cây hoặc các tiệm tóc, tiệm nail của các cô dâu Việt Nam. Có thể nói đây là những hình thức khởi nghiệp chủ yếu của các chị em tại Đài Loan.
Ban đầu có thể chỉ là một chiếc xe đẩy để bán ở khu chợ đêm, rồi dần dần phát triển việc kinh doanh, mở cửa hàng nhỏ sau đó khi việc làm ăn ổn định và có lời thì phát triển rộng rãi hơn.
(HELLO VIETNAM)
Không chỉ bán hàng ăn uống, có người học làm tóc, xăm thẩm mỹ, làm đẹp để tự mở cửa hàng.
Họ hiểu rằng, muốn phát triển và tự chủ thì phải đầu tư cho bản thân, không chỉ là tay nghề, bằng cấp chứng chỉ cần thiết mà còn cần phải cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình, tìm hiểu thêm về những quy định của chính phủ khi mở cửa hàng.
Những năm gần đây, sự phát triển của internet và mạng xã hội khiến việc kinh doanh càng trở nên thuận lợi. Họ giới thiệu sản phẩm của mình trên Facebook, Tiktok, Line,... có nhiều người còn tự livestream để tăng thêm doanh số bán hàng. Họ dùng sự nỗ lực của bản thân để vượt lên hết tất cả, mong muốn chứng minh bản thân, có được vị thế cho chính mình.
(HELLO VIETNAM)
Kết hôn, nhập cư, định cư và trở thành một phần của Đài Loan, họ gác lại nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân ở một bên mà từng ngày cố gắng để có được cuộc sống tốt hơn. Vượt qua rào cản ngôn ngữ ban đầu, có người đến công xưởng làm việc, có người làm ở những văn phòng giao dịch, có người làm phiên dịch hay giáo viên, và có những người tự làm “bà chủ” của chính mình.
Có thể, với cái nhìn từ người ngoài, những thành tựu họ đạt được không lớn lao đến mức vinh danh. Nhưng những con người ấy vẫn đang âm thầm ngày từng ngày cố gắng hòa nhập với mảnh đất xa lạ và có thể vượt qua những định kiến xưa cũ để mang đến những hình ảnh tốt đẹp hơn về người nhập cư.